Đảo An Bang nằm phía cực Nam quần đảo Trường Sa. Nhìn từ xa, An Bang nổi lên giữa mênh mông sóng biển như một tòa lâu đài trong cổ tích, với những dãy nhà màu vàng, hàng trụ quạt gió xoay tít và tháp hải đăng cao vút.
An Bang còn có một tên gọi khác là đảo Đồng Hồ, vì dưới chân đảo thường nổi lên bãi cát nhỏ di chuyển theo mùa, chạy vòng quanh đảo. Theo chu kỳ, bãi cát di chuyển hết một vòng là tròn một năm.
1. An Bang có tọa độ địa lý 7052’10’’ vĩ độ Bắc và 112054’10’’ kinh độ Đông, chính là cực Nam Tổ quốc. Nếu so với cực Nam đất liền ở xóm Mũi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) có tọa độ 8037’30’’ vĩ độ Bắc và 104043’ kinh độ Đông, vị trí An Bang thấp hơn mũi Cà Mau gần 1 độ vĩ. Thế nhưng không dễ dàng gì đến được An Bang. Nằm cách đảo Thuyền Chài 22 hải lý về phía Tây Nam, cách đảo Trường Sa 72 hải lý về phía Đông Nam, An Bang là hòn đảo nổi tiếng về mức độ khắc nghiệt của khí hậu, dữ dội của sóng biển. Mỗi người lính Trường Sa khi nhắc đến “sóng gió An Bang” đều phải giật mình. Trong chuyến hành trình đầu năm thăm, tặng quà các đảo ở tuyến phía Nam của quần đảo Trường Sa, chúng tôi đã có dịp đến hòn đảo này. Đúng 7 giờ sáng, tàu Trường Sa 22 kéo 3 hồi còi gióng giả rồi rùng mình thả neo, chuẩn bị hạ xuồng “tăng bo” mọi người lên đảo. Trước lúc triển khai công tác chuẩn bị, Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Phó Lữ đoàn trưởng Quân sự Lữ đoàn 146 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) căn dặn: “Quanh đảo An Bang sóng cuồn cuộn có thể cuốn phăng mọi thứ. Các đồng chí lưu ý mang áo phao, gói ghém đồ đạc cẩn thận. Lát nữa sẽ có “đội cảm tử” dẫn đoàn lên đảo!”. Lúc thủy thủ tàu Trường Sa 22 chuẩn bị hạ xuồng, bỗng nhiên từng đợt sóng lớn hung hãn ập tới. Sóng ở An Bang thật kỳ lạ! Trùng trùng lớp lớp sóng bạc đầu cồn cào, gào thét, xô đẩy nhau tứ phía không theo một quy luật hay một hướng nhất định. Thế hỗn chiến giữa những luồng sóng tạo nên vô số cồn sóng ngất nghểu vây quanh đảo. Đã được phổ biến từ trước, các thành viên đoàn công tác đều mặc áo phao, hành lý bỏ vào túi nhựa đặc chủng của hải quân, cột kín và xuống xuồng chuyển tải. Chiếc xuồng máy chạy phía trước lôi theo xuồng chuyển tải di chuyển xuyên qua những cơn sóng hướng vào đảo như chiếc lá dập dềnh trôi. Thượng tá Nguyễn Hồng Quân gần như thuộc lòng từng điểm đặc trưng của các đảo trên quần đảo Trường Sa, giải thích: Đặc trưng của sóng ở An Bang là “sóng bàn cờ” vì các con sóng luôn giao nhau ở các hướng nên nếu điều khiển xuồng không cẩn thận hoặc không biết cách lách sóng dễ bị lật úp. Vì vậy, có không ít đoàn công tác khi đến An Bang gặp bão hoặc biển động mạnh phải neo tàu nằm chờ sóng lặn mới vào đảo được. 2. Chiếc xuồng càng tiến gần đảo thì những đợt “sóng quái” càng trở nên dữ dội hơn như muốn nuốt chửng. Một người lính ngồi trước mũi xuồng chuẩn bị một sợi dây nhỏ dài hơn chục mét, cỡ bằng ngón tay út, gọi là “dây mồi”, có buộc cục đá nhỏ ở đuôi dây; đầu còn lại buộc vào sợi dây tải kéo xuồng. Phía trên bãi cát lúc này đã có hàng chục cán bộ, chiến sĩ “đội cảm tử” chờ sẵn ở mép nước bất chấp những ngọn sóng tạt thẳng vào mặt. “Ném dây đi!”. Khẩu lệnh ngắn, lớn át hẳn tiếng sóng của anh cán bộ trên bãi cát phát ra cũng là lúc sợi “dây mồi” được ném vào. Hai ba chiến sĩ ở trần, quần cộc nhanh nhẹn nhảy ào xuống nước chụp lấy “sợi dây mồi” kéo sợi dây tải vào. Sau khi nắm được sợi dây tải, các thành viên “đội cảm tử” canh theo sức của con sóng mà kéo chiếc xuồng lên hẳn trên bãi cát. Rất nhanh nhẹn và khỏe mạnh, “đội cảm tử” dìu từng người trên xuồng xuống bãi cát; mọi người phấn khởi reo hò.
Theo Trung tá Vũ Minh Thân, Đảo trưởng đảo An Bang, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt buộc cán bộ, chiến sĩ trên đảo trước hết phải sáng tạo để thích ứng với cuộc sống, sau đó là đến công việc. Công việc tiếp đón tàu bè vào đảo, kể cả động tác đẩy xuồng ra biển cũng được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu bên cạnh công tác sẵn sàng chiến đấu. Một kỷ niệm sâu sắc của cán bộ, chiến sĩ trên đảo An Bang là chuyến đón tiếp đoàn công tác của Đại tá Nguyễn Bá Ngọc, Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân ra đảo nghiệm thu các công trình xây dựng trên đảo. Ban chỉ huy đảo phải họp bàn 4 giờ để chuẩn bị giải pháp đưa đoàn công tác lên đảo. Lần đó, khi xuồng chuyển tải chở đoàn rời khỏi tàu vào gần bãi cát để vào đảo thì một con sóng lớn ập đến nhấc cả chiếc xuồng (trong đó có Đại tá Ngọc) quăng lên bãi cát; xuồng lật ngang đè cả 4 chiến sĩ ngồi ở mũi và đuôi xuồng nhưng may mắn con sóng kế tiếp đẩy chiếc xuồng lật trở lại. Không có ai trong đoàn bị trầy xước gì, ngoại trừ 4 chiến sĩ bị chấn thương nhẹ. Hiện nay, đảo An Bang đã được xây dựng khang trang với hệ thống bờ kè vững chắc bảo vệ những dãy nhà tường kiên cố dọc ngang. Trên đảo đã có điện năng lượng mặt trời, sóng điện thoại, thiết bị thu phát tín hiệu truyền hình VSAT…, đặc biệt là hệ thống hồ dự trữ nước ngọt. Màu xanh của những cây bàng vuông, cây tra, dừa đã góp phần làm đảo An Bang dịu mát giữa cái nắng, sóng và gió của biển Đông. Chia tay đảo An Bang, ngoài vị mặn chát của nước biển, còn có vị mặn của những giọt nước mắt khi chấm nhỏ màu vàng nhấp nhô trên sóng biển mờ xa phía chân trời… |
Theo SGGP