Với quy hoạch và định hướng phát triển không gian đô thị hướng biển, Bà Rịa – Vũng Tàu đang từng bước xây dựng và phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành đô thị cảng trong tương lai.
Từ khi thành lập Tỉnh, song song với việc quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển, các khu công nghiệp, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tập trung cho công tác quy hoạch xây dựng đô thị để tạo cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ cho tuyến hành lang kinh tế công nghiệp – cảng biển dọc Quốc lộ 51.
Theo quy hoạch chung, Thành phố Vũng Tàu sẽ là trung tâm kinh tế, văn hoá, dịch vụ công cộng và đầu mối giao lưu của miền Đông Nam bộ và của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, là trung tâm du lịch, dịch vụ hàng hải, phát triển cảng và khai thác dịch vụ dầu khí của cả nước. Cùng với đó, khu vực đô thị Phú Mỹ, huyện Tân Thành cũng sẽ được xây dựng với tính chất chủ yếu là đô thị công nghiệp – cảng biển, trung tâm kinh tế, đầu mối giao thông quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời, thị xã Bà Rịa sẽ được xây dựng, phát triển với tính chất là trung tâm hành chính – chính trị, là trung tâm dịch vụ thương mại.
Như vậy, hệ thống các đô thị trên của Bà Rịa- Vũng Tàu sẽ kết nối với nhau trong một không gian kinh tế thống nhất, kết hợp với những đô thị của các địa phương khác trong Vùng, tạo thành tuyến hành lang kinh tế công nghiệp – cảng biển đồng bộ.
Theo các chuyên gia kinh tế thuộc Viện Chiến lược phát triển- Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì kinh tế biển dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại là hạt nhân phát triển của thành phố biển trong tương lai. Do đó, Bà Rịa- Vũng Tàu cần kiên quyết không thu hút những dự án có công nghệ thấp và thậm chí ngay cả việc thu hút những dự án có công nghệ trung bình cũng phải hạn chế tới mức tối đa cũng như không nên thu hút những dự án sử dụng nhiều đất đai.
Chính vì vậy, các cấp, ngành chức năng của Bà Rịa – Vũng Tàu cần đổi mới tư duy phát triển, theo đó, hình thành và phát triển cụm liên kết công nghiệp đa ngành. Cụm liên kết công nghiệp đa ngành này sẽ là cảng biển – vận tải biển – logistic – công nghiệp – du lịch biển – khoa học công nghệ – đào tạo nhân lực – dịch vụ tổng hợp.
Cũng theo các chuyên gia của Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn- Bộ Xây dựng thì việc tổ chức hệ thống đô thị trong phạm vi địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ có các đô thị cấp vùng, cấp tỉnh, cấp huyện và có đô thị đặc thù. Trong đó, 5 đô thị cấp vùng và cấp tỉnh có vị thế quan trọng trong Tỉnh, trong vùng cũng như có những ý nghĩa đặc biệt trong hệ thống đô thị Việt Nam, bao gồm Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ, Long Điền – Long Hải và Côn Đảo; các đô thị cấp huyện là Ngãi Giao, Phước Bửu, Đất Đỏ và các đô thị chuyên ngành trên địa bàn các huyện. Các khu vực đô thị hoá bao gồm các khu vực phát triển mới gắn với các trung tâm kinh tế và các vùng mở rộng đô thị, các trục giao thông chính để hình thành khu đô thị mới, các khu dân cư nông thôn tập trung tuỳ theo qui mô phát triển để tương lai có thể trở thành đô thị.
Theo ông Trần Minh Sanh – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thì mục tiêu cơ bản về phát triển kinh tế của Tỉnh trong 5 năm tới được xác định là: “Tiếp tục phát triển về kinh tế biển, phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp, cảng biển theo hướng hiện đại vào đầu năm 2015”. Trước đây, nói đến kinh tế biển của Bà Rịa – Vũng Tàu, người ta chỉ nghĩ đến du lịch biển, khai thác dầu khí, đánh bắt hải sản. Nhưng qua quá trình triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, tiềm năng, thế mạnh về cảng biển của Bà Rịa – Vũng Tàu dần dần bộc lộ. Định hướng làm giàu từ cảng biển và dịch vụ hậu cảng trong tương lai có thể thay thế lợi ích từ khai thác dầu khí đang trở thành thực tế. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đã có những chuyến thăm, làm việc, thị sát tình hình thực tiễn và rất đồng tình về định hướng phát triển của Tỉnh.
Với vị trí địa lý thuận lợi là nằm trong cụm cảng biển số 5 của quốc gia, hệ thống cảng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có chiều dài hơn 20km tuyến bến. Khu cảng Sao Mai Bến Đình, khu Cái Mép Thị Vải được xác định là cảng cửa ngõ quốc tế của cả nước với quy mô cấp IA. Theo quy hoạch, toàn cụm có 52 cảng, hiện đã đưa vào khai thác 21 cảng với công suất 45 triệu tấn/năm, tập trung chủ yếu tại khu vực Thị Vải – Cái Mép. Tổng công suất tính theo luồng lạch và dòng chảy hiện tại là 120 triệu tấn/năm. Tàu vào bốc dỡ hàng ở cảng hiện nay lên đến 110.000 tấn. Nếu thực hiện nạo vét, nắn thẳng luồng lạch để tàu trọng tải lớn vào thì công suất có thể lên đến 300 triệu tấn/năm. Cung đường vận chuyển hàng hóa Việt Nam đi thẳng châu Âu và Bắc Mỹ không qua cảng trung chuyển đầu tiên của Việt Nam, xuất phát từ Bà Rịa – Vũng Tàu đã rút ngắn lịch trình xuống 3 – 4 ngày/chuyến. Bên cạnh đó, Bà Rịa – Vũng tàu cũng có lợi thế cạnh tranh so với các cụm cảng khác trên cả nước; đó là hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải có tuyến, có luồng, có chân hàng từ Tây Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây Nam bộ và khu vực Đông Nam bộ, đem lại hiệu quả kinh tế cho địa phương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cũng đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, kêu gọi đầu tư hệ thống cảng biển. Tỉnh đã kiến nghị và được Trung ương chấp thuận đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ và các nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ. Đó là điều kiện thuận lợi trong việc đưa hàng từ các nơi về cảng với giá thành thấp, tạo được sức hút và sự cạnh tranh về giá cả, thời gian trong thông thương hàng hóa với các nước trên thế giới và trong khu vực.
(Theo ĐCSVN)