a. Báo cáo quốc gia về ranh giới ngoài thềm lục địa:
Quốc gia ven biển có ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở lãnh hải phải trình Báo cáo lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc (Ủy ban RGTLĐ) để xem xét và đưa ra khuyến nghị. Việc xây dựng Báo cáo quốc gia về ranh giới ngoài thềm lục địa vượt quá 200 hải lý phải tuân thủ các quy định của Công ước 1982 nêu trong Điều 76 và Phụ lục II, Bản Hướng dẫn về Khoa học và kỹ thuật của Uỷ ban RGTLĐ . Quốc gia ven biển có thể nộp Báo cáo từng phần để tránh vấn đề tranh chấp trên biển và bảo đảm thời hạn, đồng thời có quyền nộp các Báo cáo thành phần khác tiếp theo sau thời hạn đã quy định.
b. Thời hạn phải nộp Báo cáo:
Thời hạn phải nộp Báo cáo quốc gia cho Ủy ban RGTLĐ là 13-5-2009 đối với các quốc gia tham gia Công ước trước 13-5-1999. Nếu sau thời hạn 10 năm như quy định của Công ước 1982 mà quốc gia ven biển không nộp báo cáo (Báo cáo đầy đủ hay sơ bộ) thì coi như quốc gia đó không có yêu cầu và từ bỏ quyền của mình đối với thềm lục địa kéo dài vượt quá 200 hải lý.
Đến hạn ngày 13/5/2009, đã có 50 Báo cáo quốc gia được chính thức đệ trình Uỷ ban RGTLĐ. Ngoài ra, đã có 44 quốc gia nộp Báo cáo các thông tin sơ bộ về thềm lục địa của mình, đồng thời đăng ký trong thời gian nhất định sẽ hoàn thành Báo cáo để trình Uỷ ban RGTLĐ (Uỷ ban RGTLĐ chỉ ghi nhận nhưng không xem xét các báo cáo thông tin sơ bộ).
c. Mục đích và yêu cầu của Việt Nam:
Căn cứ vào các quy định của Công ước 1982 và của Ủy ban RGTLĐ cũng như điều kiện tự nhiên của vùng biển của ta trên Biển Đông, nước ta có thềm lục địa vượt quá 200 hải lý. Theo điều kiện tự nhiên cụ thể của vùng biển và yêu cầu về chính trị, pháp lý, Việt Nam phân chia vùng thềm lục địa vượt quá 200 hải lý của nước mình thành ba khu vực là khu vực phía Bắc, khu vực giữa và khu vực phía Nam (Báo cáo chung với Malaysia), trong đó khu vực phía Bắc dựa trên cơ sở sự kéo dài của thềm lục địa Việt Nam về phía Đông, khu vực giữa và phía Nam là sự trải dài tự nhiên của thềm lục địa Đông Nam Việt Nam. Chúng ta phải đồng thời tiến hành xây dựng ba Báo cáo quốc gia riêng rẽ đối với từng khu vực.
Là quốc gia ven biển, Việt Nam cần phải xây dựng Báo cáo quốc gia trình Ủy ban RGTLĐ để bảo đảm quyền lợi của quốc gia, bảo vệ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa vượt quá 200 hải lý, đồng thời có cơ sở khoa học để đưa ra các quy định về ranh giới ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Theo quy định của Công ước 1982, thời hạn cuối cùng phải trình Báo cáo quốc gia của Việt Nam là ngày 13/5/2009.
Việc xây dựng Báo cáo quốc gia của Việt Nam về ranh giới ngoài thềm lục địa vượt quá 200 hải lý được thực hiện trong gần tám năm từ 2002 – 2009, bao gồm hai phần việc chính (1) Khảo sát địa vật lý tổng hợp (địa chấn), đo sâu, xác định đường cơ sở và xử lý, minh giải các tài liệu đo đạc khảo sát, thu thập tài liệu quốc tế có liên quan; (2) Xây dựng Báo cáo quốc gia.
d. Nội dung chính của Báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa Việt Nam vượt quá 200 hải lý
Quan điểm pháp lý cơ bản của ta trong xây dựng Báo cáo Quốc gia:
– Khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; tuy nhiên không sử dụng các dẫn chiếu khoa học từ các quần đảo này để thực hiện Báo cáo. Điều này phù hợp với quy định của Điều 121 trong Công ước của Liên hợp quốc về luật biển 1982 về quy chế đảo. Đối với Báo cáo chung Việt Nam – Malaysia, hai bên thống nhất xác định được khu vực thềm lục địa vượt quá 200 hải lý liên quan đến hai nước, đồng thời không để ảnh hưởng đến vấn đề chủ quyền và lợi ích của mỗi nước, cũng như của quốc gia khác có liên quan.
– Khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển và thềm lục địa được quy định theo Công ước 1982; tuân thủ Công ước 1982 và tôn trọng các điều ước và hiệp định quốc tế về phân định biển đã được ký kết và có hiệu lực giữa các nước liên quan.
– Việc xây dựng Báo cáo trình Ủy ban RGTLĐ về ranh giới ngoài thềm lục địa vượt quá 200 hải lý và việc Ủy ban RGTLĐ xem xét Báo cáo không ảnh hưởng đến vấn đề chủ quyền biển đảo và việc phân định biển giữa Việt Nam với các nước liên quan sau này.
Mỗi Báo cáo có từ 600 – 800 trang tài liệu, tài liệu bổ trợ và rất nhiều tài liệu, bản đồ đính kèm với tổng khối lượng là khoảng 150 kg. Ngôn ngữ sử dụng trong Báo cáo bằng tiếng Anh.
e. Giao nộp Báo cáo Quốc gia về thềm lục địa vượt quá 200 hải lý của Việt Nam và phản ứng của một số nước :
Ngày 6/5/2009, Phái đoàn thường trực của nước ta tại LHQ đã phối hợp với Phái đoàn thường trực của MLS nộp Báo cáo chung Việt Nam – Malaysia và ngày 7/5/2009, Phái đoàn Việt Nam đã nộp tiếp Báo cáo riêng của ta khu vực phía Bắc, bảo đảm thời hạn là ngày 13/5/2009. Ban thư ký của Uỷ ban RGTLĐ đã tiếp nhận và chuyển tải ngay Báo cáo tóm tắt của Báo cáo chung Việt Nam – Malaysia và Báo cáo thành phần của ta đối với khu vực phía Bắc (VNM-N) lên trang Web của LHQ.
Sau khi Việt Nam nộp Báo cáo chung và Báo cáo khu vực phía Bắc, ngày 7/5/2009, Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại LHQ đã gửi các công hàm đến Tổng Thư ký LHQ phản đối hai báo cáo trên, yêu cầu Uỷ ban RGTLĐ không xem xét Báo cáo chung và Báo cáo khu vực phía Bắc của Việt Nam; và lần đầu tiên chính thức khẳng định yêu sách trên Biển Đông theo đường “chín đoạn” (đường lưỡi bò);. Ngày 8/5/2009, Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã gửi Công hàm phản đối Công hàm của phía Trung Quốc, khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bác bỏ yêu sách đường “chín đoạn”, coi đây là yêu sách phi lý, không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn.
Việc xây dựng Báo cáo quốc gia về ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam đã được tiến hành khẩn trương dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Việc hoàn thành nộp, trình bày Báo cáo quốc gia đúng thời hạn là một thành tựu quan trọng, khẳng định cơ sở pháp lý và khoa học của việc xác định RGNTLĐ Việt Nam trên cơ sở Công ước Luật biển 1982 và điều kiện tự nhiên vùng biển và thềm lục địa nước ta, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nước ta trên Biển Đông. Việc một nước đang phát triển như Việt Nam có thể nộp Báo cáo quốc gia đầy đủ là một cố gắng rất lớn của ta, được dư luận các chuyên gia quốc tế đánh giá cao, được nhân dân ta trong và ngoài nước ủng hộ. Nội dung các Báo cáo này sẽ được sử dụng làm căn cứ để Việt Nam có thể đưa ra các quy định cụ thể về ranh giới ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Ngày 27/8/2009, Việt Nam và Malaysia đã phối hợp trình bày Báo cáo chung và ngày 28/8/2009 Việt Nam đã trình bày Báo cáo riêng khu vực phía Bắc cho Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc. Việt Nam đề nghị Uỷ ban sớm thành lập các Tiểu ban để xem xét các Báo cáo quốc gia của Việt Nam và sẽ tiếp tục làm việc với các Tiểu ban này để bảo vệ thành công các Báo cáo quốc gia về RGNTLĐ Việt Nam./.