Toàn bộ vùng biển Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa với sự khác biệt đáng kể về khí hậu giữa các vùng biển và những đặc trưng hoàn lưu, rất thuận lợi để hình thành những khu hệ động thực vật có tính đa dạng sinh học cao. Chính vì vậy, tổ chức thực hiện tốt công tác bảo tồn biển sẽ tạo đà cho việc phát triển thương hiệu “biển Việt Nam”.
Thanh niên Quảng Ninh thu gom rác thải góp phần bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái biển. Ảnh: ĐINH QUẬN
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có bờ biển dài (3.260 km), với vùng đặc quyền kinh tế gấp ba lần diện tích đất liền (hơn một triệu km2), có hơn ba nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa. Biển Việt Nam, hiện có hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc sáu vùng đa dạng sinh học biển khác nhau. Các hệ sinh thái này có giá trị dịch vụ rất lớn, là nơi cư trú, bãi đẻ, ươm nuôi của nhiều loài thủy sản sinh vật bản địa và di cư, cũng như một số hệ sinh thái có năng suất sinh học cao là rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn. Sự tồn tại của các hệ sinh thái này đã cung cấp các tiềm năng bảo tồn đa dạng sinh học biển và nguồn giống hải sản tự nhiên cho nghề khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gần như có tính chất quyết định lượng đánh bắt tại các khu vực biển lân cận.
Ða dạng sinh học của các hệ sinh thái biển cũng là nền tảng cho sự phát triển bền vững một số ngành kinh tế biển dựa vào tài nguyên thiên nhiên như du lịch, thủy sản, y dược biển… Do vậy, vấn đề bảo tồn biển là hoạt động quản lý các vùng biển xác định (kể cả đảo có trong vùng biển đó) nhằm hướng tới mục đích bảo vệ các loài động vật có giá trị. Bảo tồn biển sẽ bảo vệ các hệ sinh thái biển và duy trì sự đa dạng sinh học biển. Nhờ đó, các loài động thực vật ở vùng biển được bảo vệ, cảnh quan biển được duy trì, là nền tảng tạo ra sự phong phú về sản vật, sản phẩm biển (thủy, hải sản, cảnh quan môi trường biển…).
Tuy nhiên, việc bảo tồn biển và phát triển kinh tế biển là hai mặt của vấn đề. Nếu chúng ta quá chú trọng đến bảo tồn thì không thể phát triển kinh tế biển nhanh được. Ngược lại, nếu quá chú trọng đến phát triển kinh tế biển thì khó đạt được mục tiêu của bảo tồn biển. Ðiều này đã đặt các quốc gia ven biển, trong đó có Việt Nam cần phải cân nhắc, lựa chọn giữa bảo tồn biển và phát triển kinh tế. Trong khi đó, xu thế chung của thế giới hiện nay là kết hợp hài hòa giữa bảo tồn biển và phát triển kinh tế biển. Ðiều đó có nghĩa cần phải có sự hài hòa giữa bảo tồn biển và phát triển kinh tế biển thông qua tổng thể các giải pháp hợp lý nhằm phát triển bền vững, vừa đạt được mục tiêu bảo tồn, vừa đạt được mục tiêu phát triển kinh tế.
TS Phạm Ngọc Sơn, Phó Tổng cục trưởng Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Thời gian qua, Việt Nam đã chú ý thực hiện các cam kết quốc tế và đẩy mạnh công tác bảo tồn biển. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 742/QÐ-TTg, ngày 26-5-2010 về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2015, Việt Nam sẽ thiết lập và đưa vào hoạt động 16 khu bảo tồn biển trải dài từ bắc xuống nam. Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 sẽ nghiên cứu, đề xuất quy hoạch phát triển mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển mới. Việc phê duyệt quy hoạch này đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho các bộ, ngành và các địa phương ven biển chủ động hơn trong kế hoạch hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ cảnh quan môi trường biển, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển thương hiệu “biển Việt Nam” và phát triển kinh tế biển bền vững…
Ðể bảo tồn các hệ sinh thái biển, từng bước nâng tầm giá trị thương hiệu biển Việt Nam, TS Phạm Ngọc Sơn cho rằng: Trước hết cần hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về biển và hải đảo, trong đó tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2012, nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước trên thế giới. Khuyến khích các nguồn lực của các thành phần kinh tế, có sự hỗ trợ, quản lý của Nhà nước về xây dựng thương hiệu cho các khu bảo tồn biển, thương hiệu các sản vật, sản phẩm biển trong các khu bảo tồn để bảo vệ môi trường biển và phát triển kinh tế biển.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và các địa phương ven biển; có sự phân công, phân cấp rõ ràng trong quản lý các khu bảo tồn biển nhằm giải quyết chồng chéo, trùng lắp như thời gian qua. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn thông qua việc xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển, đào tạo nguồn nhân lực đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về bảo tồn biển, cũng như ban hành các chế độ, chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với cán bộ làm công tác bảo tồn biển. Ðồng thời, cần phát triển các mô hình quản lý cộng đồng do cộng đồng, dân cư địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia xây dựng và quản lý khu bảo tồn biển, nhằm khai thác, sử dụng các khu bảo tồn có hiệu quả, tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư. Qua đó, sẽ góp phần trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời là tiền đề để chúng ta xây dựng thương hiệu “biển Việt Nam” trong tương lai không xa.
KHÁNH HUY
Theo ND