Nỗi lo toàn cầu. Nhưng ASEAN vẫn còn xem nhẹ ứng phó với biến đổi khí hậu BĐKH (BĐKH).
BĐKH toàn cầu là thảm hoạ thời đại của loài người. Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm, bằng những hành động cứu trợ tiền bạc, khoa học – công nghệ hiện đại và vật chất cho những nước đang bị đe doạ.
Theo tổ chức Liên chính phủ về BĐKH của Liên Hiệp Quốc (UNFCCC) xác định thì có 6 quốc gia phải gánh chịu nặng nề nhất: Bangladesh, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Thailan và Pakistan …
Gần đây, sau một năm kể từ siêu bão Haiyan đổ bộ tàn phá một số nước ASEAN như Philippines, Việt Nam, Tổ chức nhân đạo và phát triển quốc tế (OXFAM) có phát hành một báo cáo lấy tên “Không thể chờ đợi”. Báo cáo đánh giá: các quốc gia tại Châu Á chưa chú trọng đúng mức công tác giảm nhẹ rủi ro, thảm hoạ, bất chấp những cảnh báo rằng khu vực này sẽ còn chịu nhiều thiệt hại hơn nữa trong tương lai do BĐKH, đồng thời khuyến nghị chính phủ các quốc gia như Bangladesh, Việt Nam, Indonesia, Pakistan, Phillippines cần đầu tư hơn cho việc nâng cao năng lực bảo vệ con người.
Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) dự báo thêm: “Nếu không hành động quyết liệt để chống lại BĐKH thì Indonesia, Phillippines, Việt Nam và Thailand đến 2100 có thể bị mất đến 6,7% GDP hàng năm (gấp đôi thiệt hại bình quân của thế giới). Điều này sẽ đẩy lùi bước tiến của nhiều nền kinh tế Châu Á có mức tăng trưởng bình quân 6% GDP/năm kể từ 2012, có nghĩa là quá trình phát triển sẽ chậm lại và nổ lực xoá đói giảm nghèo của khu vực coi như không đạt kết quả mong muốn.
Mở rộng hợp tác quốc tế và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để hạn chế thảm hoạ BĐKH toàn cầu.
Ngay từ đầu, Chinh phủ và nhân dân Việt Nam đã hợp tác có hiệu quả với Tổ chức UNFCCC triển khai đại trà kế hoạch thích ứng, đồng thời hợp tác với một số nước có khả năng cao về khoa học – công nghệ như Hà Lan, Na Uy để giải quyết những vấn đề bức xúc như: Qui hoạch châu thổ sông Mêkông (Đồng bằng sông Cửu Long – ĐBSCL), nghiên cứu những giống cây con thích hợp cho vùng thường xuyên ngập mặn .v.v… Năm 2013, tổ chức sơ tán 800.000 dân vùng bị bão Haiyan tàn phá đến nơi an toàn. Tuy nhiên, “lực bất tòng tâm”, là một quốc gia trung bình đang phát triển, tiềm năng kinh tế và khoa học – công nghệ của đất nước chưa đáp ứng được những yêu cầu và diễn biến nhanh chóng của tình hình BĐKH toàn cầu. Nếu không có sự hợp tác quốc tế toàn diện và sự chi viện của các quốc gia giàu mạnh thì chỉ đơn độc, một nước nào đó khó có thể hạn chế được thảm hoạ thiên tai do BĐKH gây ra.
Việt Nam đã chi cho chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH của quốc gia hơn 2.000 tỷ đồng (chưa kể chương trình của các ngành, các địa phương). Hiện tại, chúng ta đang cần các nguồn lực quốc tế chi viện (đã sơ bộ nhất trí) là 309,5 triệu USD. Trong đó, Mỹ 40 triệu, Đức 180 triệu, Úc 15 triệu, Nauy 4,5 triệu và ADB 70 triệu.
Ngoài ra, tiềm năng huy động còn rất lớn vì các quốc gia và các quỹ quốc tế sẵn sàng ủng hộ Việt Nam. Mong rằng ở Hội nghị bàn về thích ứng và giảm nhẹ thiên tai của Liên Hiệp Quốc vào cuối năm 2014 tại Peru, Việt Nam cũng sẽ được dành một kinh phí thoả đáng trong quỹ Khí hậu Xanh (GCF) lên đến 15 tỷ USD.
Những việc cấp bách cần làm ngay trong quá trình thích ứng BĐKH
Chương trình, mục tiêu Hành động quốc gia ứng phó với BĐKH do Chính phủ công bố đang được thực hiện và chuẩn bị triển khai ở một số địa phương theo ba hướng đi phù hợp với khuyến cáo của quốc tế và khả năng của đất nước:
Một là thích ứng, hai là khắc phục ở những nơi cho phép, ba là kết hợp biện pháp một và hai.
BĐKH ở Việt Nam xảy ra ở ĐBSCL, Đồng bằng sông Hồng và vùng thấp ở duyên hải miền Trung, đôi khi xảy ra ở các tỉnh vùng cao miền Bắc như lũ quyét, lũ ống … Thông thường kết hợp khi có bão lớn, lũ lụt nhiều ngày, mưa lớn, triều cường, gió mùa Đông Bắc, áp thấp nhiệt đới . v. v…
Dự báo từ 2030 trở đi, đất canh tác sẽ bị nhiễm mặn 45%, tác động đến sản xuất lương thực ở hai vùng đồng bằng, làm giảm năng suất 9%, đây là một thảm hoạ thiên tai chẳng những của dân tộc mà cả thế giới phải chịu, vì Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu 6 – 7 triệu tấn gạo/ năm.
Hơn ai hết, Việt Nam đang mong muốn có chi viện quốc tế để hạn chế rủi ro cũng như thích ứng với tình hình BĐKH toàn cầu. Chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức thời đại, đó là trình độ dân trí đang còn thấp so với các nước trong khu vực, khoa học – công nghệ đang yếu kém chưa đủ khả năng chế ngự thiên tai. Song, ý chí vươn lên để chiến thắng thiên tai trở thành một nước hàng hải – công nghiệp mạnh ở Biển Đông và khu vực luôn là tiêu chí của dân tộc Việt Nam.
Xuất phát từ hoàn cảnh thực tiễn, chúng tôi xin kiến nghị những việc cần làm sau đây:
1/ Ở tầm quốc gia cần tăng cường liều lượng chỉ đạo chương trình, mục tiêu hành động quốc gia ứng phó với BĐKH toàn cầu, nhất là năng lực bảo vệ con người, bảo vệ cộng đồng dân cư.
2/ Về phương diện tuyên truyền và giáo dục nhân dân, cần làm cho những người ở vùng sâu, vùng xa biết và hiểu tác động khủng khiếp của BĐKH toàn cầu. Đối với những người bị uy hiếp trực tiếp, cần tổ chức và huấn luyện kỹ năng đề phòng, đối phó với thiên tai cho họ. Báo chí và phương tiện thông tin đại chúng hiện mới chỉ nêu hậu quả và ít đi sâu vào khắc phục sự cố. Vì thiếu thông tin cụ thể nên một bộ phận dân chúng thờ ơ, thực hiện chủ trương có phần chậm trễ.
3/ Đề nghị thành lập một bộ phận chuyên sâu về BĐKH, lo nghiên cứu tác động đối với địa phương để tham mưu cho các cấp chính quyền xử lý kịp thời bất cập. Bộ phận này có thể hoạt động độc lập hay lồng ghép với Ban chỉ đạo phòng tránh bão lụt địa phương, tuỳ theo sự cần thiết do cấp trên quyết định. Nhân sự của bộ phận này phải gồm những người hiểu biết về BĐKH và môi trường sinh thái và có kinh nghiệm chống thiên tai.
4/ Ở những vùng thường xuyên xảy ra tai nạn, thảm hoạ thời tiết, nên xây dựng hoại hình nhà ở, nhà tránh lụt, tránh bão cho dân cư (đã có mô hình gợi ý của chuyên gia Pháp và của nhiều kiến trúc sư Việt Nam). Vận động dân tự xây hoặc với sự tài trợ của Nhà Nước, của các mạnh thường quân. Nơi nào không đủ điều kiện thì Nhà nước dùng Nhà công ich như bệnh Viện, trường học, trụ sở cơ quan… được xây kiên cố hoặc gia cường để làm nơi lánh nạn cho cư dân.
5/ Về nguyên tắc là xử dụng 4 tại chỗ ở địa phương để khắc phục hậu quả. Nhưng cơ bản là phải tăng cường đầy đủ kho tàng, chỗ xếp dỡ thuận lợi để lực lượng ứng cứu triển khai cứu trợ, không nên nặng cho khâu tuyên truyền quá mức, gây phản cảm cho nhân dân vùng khác khi xem hình ảnh trên TV.
6/ Nếu có Quỹ cứu trợ thiên tai thì nên công bố cho nhân dân biết. Hạn chế lễ hội không cần thiết, để tích luỹ cho Quỹ ngày một phong phú hơn./.
Ngô Lực Tải
PCT. Hội KHKT & KT Biển TP. HCM