Home Đời sống Bộ phim kinh dị: Ngôi nhà trong hẻm

Bộ phim kinh dị: Ngôi nhà trong hẻm

by admin

Từ ngày 14/2/2012, Megar Star giới thiệu Bộ phim tâm lý kinh dị Ngôi nhà trong hẻm.   

Đạo diễn Lê Văn Kiệt Trần Trọng Dần Kịch bản Lê Văn Kiệt Giám đốc hình ảnh Joel Spezeski Công ty sản xuất Nhà sản xuất Créa TV. Diễn viên: Ngô Thanh Vân , Trần Bảo Sơn,  Bích Hằng, Bùi Văn Hải,  Phan Như Thảo. Bộ phim thuộc thể loại tâm lý đầy kịch tính, được xây dựng trong bối cảnh nói về tầng lớp trung lưu của Sài Gòn hiện đại.

 Bi kịch xảy đến với một cặp vợ chồng trẻ khi họ mất đi đứa con đầu lòng do người vợ bị sẩy thai. Trở về ngôi nhà của mình sau một thời gian dài nằm viện, người vợ bị dằn vặt vì sự mất mát lớn lao đó, cô bắt đầu có những hành động kỳ quặc. Cũng trong thời gian này, ngôi nhà họ sinh sống cũng bắt đầu có những thay đổi lạ thường. Để mọi việc có thể trở lại như cũ, người chồng đã cố gắng giúp vợ mình vượt qua giai đoạn đầy khó khăn này, tuy nhiên dường như tất cả những cố gắng đó lại làm cho mọi chuyện ngày càng trở nên tồi tệ và đáng sợ hơn. Đến khi mọi thứ trở nên vượt ngoài tầm kiểm soát, đôi vợ chồng đã buộc phải chiến đấu tới cùng để cứu vãn hạnh phúc của họ và hoá giải những bí ẩn tại “ngôi nhà trong hẻm” trước khi quá muộn.

Giám đốc Lê Văn Kiệt và nhà sản xuất Trần Trọng Dần đã gặp nhau vào năm 2009, thời điểm Trần Trọng Dần đang tổ chức một Hội thảo chuyên đề đặc biệt về điện ảnh Việt Nam – Hoa Kỳ và Lê Văn Kiệt là một trong những tham luận viên tại hội nghị này. Hội thảo chuyên đề đó được đặt tên là Sóng Mới (New Wave), bao hàm ý nghĩa về làn sóng mới của những bộ phim do các đạo diễn Mỹ gốc Việt thực hiện, nhân dịp kỷ niệm 10 năm sau thành công vang dội của bộ phim Ba mùa (Three Seasons) do đạo diễn người Mỹ gốc Việt Tony Bùi thực hiện. Sau đó, Trần Trọng Dần cùng công ty Coco Paris LLC của anh đã quảng bá rộng rãi bộ phim Bụi đời (Dust of Life) – tác phẩm đầu tay trong vai trò đạo diễn của Lê Văn Kiệt trên khắp nước Mỹ.

Năm 2010, cặp đôi nhà sản xuất – đạo diễn này đã về Việt Nam để tìm hiểu nền điện ảnh nước nhà và bắt tay vào thảo luận những đề án phim có thể tiến hành sản xuất ở đây. Tại Việt Nam, họ đã thể hiện mong muốn được xem những bộ phim giải trí của các khán giả trẻ. Mặc dù cả hai người vốn yêu thích dòng phim nghệ thuật, nhưng bộ đôi này vẫn muốn tạo ra những bộ phim giải trí nhằm đáp ứng nhu cầu của những khán giả trẻ. Họ muốn làm một bộ phim mà ngay cả bản thân họ cũng mong ước được xem.

Bộ phim đầu tay mà họ hợp tác sản xuất là phim Bẫy Cấp 3 dự kiến sẽ ra mắt đầu năm 2012. Đây là một bộ phim kinh dị dành cho khán giả trẻ, nội dung kể về một nhóm bạn đã quyết định trốn học và tránh xa khỏi Sài Gòn náo nhiệt để cùng nhau đi du ngoạn ở Đà Lạt. Những chuyện kỳ lạ liên tiếp xảy ra đối với nhóm bạn, kéo theo là những hậu quả rất nặng nề. Trần Trọng Dần đã luôn mong muốn thực hiện bộ phim đầu tiên của mình tại Đà Lạt – mảnh đất nơi anh sinh ra, lớn lên – và việc thực hiện bộ phim Bẫy Cấp 3 phần nào đã giúp anh được  toại nguyện.

Trong thời gian sống ở Sài Gòn, Trần Trọng Dần và Lê Văn Kiệt Kiệt đôi khi cũng thảo luận về những bộ phim tâm lý kinh dị trong tương lai. Thật tình cờ, lúc đó hai người đang sống chung trong một ngôi nhà ở quận 3. Ngôi nhà này nằm trong một hẻm nhỏ, rất khác biệt so với các ngôi nhà xung quanh. Đó là một ngôi nhà cổ thiết kế theo phong cách của Pháp, có mái ngói, cửa ra vào kiểu Pháp cùng cách bố trí rất độc đáo với một khoảng sân rộng và những bụi tre cao. Mặt tiền của ngôi nhà to gấp ba lần các ngôi nhà khác, nhưng chỉ cao hai tầng, thay vì ba hay bốn tầng bình thường như những ngôi nhà hàng xóm. Những chi tiết kỳ lạ về ngôi nhà đã đem đến cho những người sống ở đây một cảm giác lo ngại, có đôi phần bất an. Trần Trọng Dần và Lê Văn Kiệt đã quyết định làm một bộ phim lấy bối cảnh là chính ngôi nhà này.

Cốt truyện của bộ phim rất xuyên suốt. Sau khi trải qua thảm kịch, một cặp vợ chồng đã cố gắng hết sức để quay trở lại cuộc sống bình thường. Người vợ quay về với những công việc nội trợ thường nhật, gặp gỡ bạn bè, còn người chồng tiếp tục công việc tại công ty của mình, luôn làm mọi điều để người mẹ của mình hài lòng. Nhưng rồi anh bắt đầu nhận thấy những thay đổi của vợ mình. Lúc đầu, anh nghĩ rằng cô đang phải trải qua một thời kỳ rất khó khăn để có thể trở lại như trước, nhưng sau đó anh đã phát hiện một điều gì đó rất kỳ lạ. Ngôi nhà có vấn đề gì đó không ổn, và anh phải giải quyết những rắc rối đó ngay lập tức để có thể cứu vợ của mình trước khi quá muộn.

Nhà sản xuất tiết lộ: Tiền đề tạo ra Ngôi nhà trong hẻm là một không gian hẹp, chính không gian thiếu vận động đó sẽ gây ra sự căng thẳng và làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người và người trong bộ phim. Để có thể tồn tại cùng nhau, giữa mỗi người phải tạo ra một khoảng cách tối thiểu. Một khi khoảng cách tối thiểu này bị thu hẹp lại, nó sẽ gia tăng độ căng thẳng, và làm thay đổi các mối quan hệ, đặc biệt là các mối quan hệ trong cuộc sống hiện đại. Ngôi nhà trong hẻm cũng đề cập đến mối quan hệ giữa vợ và chồng, con trai và mẹ đẻ, giữa mẹ chồng và nàng dâu…

 Nhà sản xuất cho biết: “Bộ phim cũng chỉ ra một biến cố đột ngột có thể phá vỡ nhịp sống bình thưởng như thế nào, biến cố này sẽ lần lượt kéo theo các sự cố khác ra sao.Khi đó con người sẽ cần phải có một tình yêu và một sức mạnh lớn lao tới mức nào mới có thể giúp nó trở lại bình thường”. Bên canh đó, hình ảnh ngõ hẻm như một phép ẩn dụ về cuộc sống hiện đại ở Sài Gòn. Những con người nơi đây phải vượt qua những khoảng không chật chội trong một thành phố lớn để có thể chạm được tới đích đến của họ. Những con hẻm này sẽ đưa bạn về nhà, tới những điểm đến mới, và tới những câu trả lời mà bạn đang kiếm tìm.

 Lê Văn Kiệt viết bản thảo kịch bản đầu tiên vào cuối năm 2010 và đến đầu năm 2011, anh bắt đầu lưu hành một số lượng bản thảo nhất định nhằm khảo sát phản hồi. Kịch bản này nhanh chóng thu hút được sự chú ý của rất nhiều cá nhân, bao gồm cả Ngô Thanh Vân – nữ diễn viên đã tạm rời xa môn nghệ thuật thứ bẩy sau vai diễn trong phim Bẫy Rồng cùng Johnny Trí Nguyễn từ năm 2009, và Trần Bảo Sơn – một doanh nhân đóng phim – từng tham gia vai chính trong phim Giao Lộ Định Mệnh của đạo diễn Victor Vũ.

Ngô Thanh Vân là một diễn viên điện ảnh rất quen thuộc với khán giả Việt Nam. Cô đã đóng vai chính trong các phim Sài Gòn tình ca (đạo diễn Ringo Le) và 2 trong 1 (đạo diễn Đào Duy Phúc). Cô cũng tham gia vai chính trong bộ phim gây tiếng vang lớn của điện ảnh Việt Nam Dòng máu anh hùng (The Rebel) do đạo diễn Charlie Nguyễn thực hiện năm 2007, và bộ phim Bẫy Rồng (Clash) năm 2009. Dự án phim Ngôi Nhà Trong Hẻm đánh dấu sự trở lại với nghệ thuật thứ bẩy của Ngô Thanh Vân sau hai năm vắng bóng.

Bộ phim là câu chuyện về Thảo (Ngô Thanh Vân), một người phụ nữ kết hôn với một doanh nhân thuộc tầng lớp trung lưu ở Sài Gòn hiện đại. Cô sống trong một ngôi nhà chưa kịp hoàn thiện do chồng cô quá bận rộn với công việc kinh doanh. Nhanh chóng có bầu sau khi kết hôn, Thảo không đi làm và chỉ ở nhà lo công việc nội trợ. Sống tại một thành phố lớn như vậy nhưng thực sự Thảo chỉ có một người bạn duy nhất – đó là Dung – một cô gái ham vui, cá tính và hay gây ầm ĩ – khác biệt hoàn toàn với cô, nhưng họ dường như rất hiểu nhau. Dung là người đã mang lại chút ánh sáng nhỏ nhoi cho Thảo trong những tháng ngày cô đơn. Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu của Thảo cũng không tốt đẹp được như mong muốn khi cô không thể hoà hợp với bà mẹ chồng luôn thích kiểm soát mọi việc.

Ở phần đầu của bộ phim, sau khi bị sảy thai, nhân vật Thảo do Ngô Thanh Vân đóng đã cố gắng quay trở lại cuộc sống bình thường của mình, nhưng vì một vài lí do nào đó, cô không thể thích nghi được với cuộc sống như mình hi vọng. Thảo cảm thấy rất cô đơn và nhớ mẹ. Những khi ở nhà một mình lo việc nội trợ đợi chồng đi làm về, cô bắt đầu nghe thấy, nhìn thấy những chuyện rất lạ xảy ra trong nhà mình và quanh khu hàng xóm. Bên cạnh đó, nỗi đau mất con trong cô vẫn chưa thể nguôi ngoai vì vậy Thảo vẫn giữ xác của con mình trong một chiếc quan tài nhỏ đặt trong phòng ngủ mà vẫn chưa đem đi chôn cất. Cô đã cố gắng tâm sự với chồng mình và gần gũi với anh, nhưng vì một lẽ gì đó điều này thật khó khăn khiến cô không sao làm được. Chính việc luôn bảo vệ chiếc quan tài chứa xác con mình cùng với ám ảnh rằng người chồng luôn tìm cách để kéo chiếc quan tài đó ra khỏi vòng tay mình đã khiến Thảo ngày càng suy sụp và chìm sâu vào sự hoảng loạn.

Trong phim, chính Ngô Thanh Vân đã tự đóng các pha nguy hiểm nhằm đẩy mạch cảm xúc đến mức tột cùng cho khán giả. Đoạn cuối phim, cảnh Thảo lao qua cửa cũng là do cô tự đóng mà không cần dùng đến một kỹ xảo đặc biệt hay sự hỗ trợ của người đóng thế. Khi quay xong cảnh này thì cả cơ thể Ngô Thanh Vân đã bị bầm tím. Đây là một trong những thời khắc hiếm hoi mà khán giả có thể nhìn thấy một diễn viên ngôi sao đã cống hiến hết mình cho vai diễn như thế nào.

Vai diễn đầu tiên của Trần Bảo Sơn trong phim Huyền Thoại Bất Tử (The Legend is Alive) cùng với Dustin Nguyen năm 2009 đã mang lại cho anh giải Diễn viên phụ xuất sắc nhất tại giải thưởng Cánh diều vàng Việt Nam. Sau đó vào năm 2010, anh tiếp tục hơp tác với đạo diễn Victor Vũ trong bộ phim kinh dị gây được tiếng vang lớn Giao Lộ Định Mệnh (Inferno). Trước đó tại Việt Nam, Bảo Sơn vốn chỉ được biết đến với tư cách một doanh nhân thành đạt. Tuy nhiên anh đã tìm thấy một niềm đam mê lớn với điện ảnh và đã nỗ lực hết mình cho từng vai diễn được giao. Cùng với một ngoại hình ấn tượng và sức hút bẩm sinh, anh lựa chọn con đường đi theo những vai diễn mới mẻ, giúp anh thể hiện được hết khả năng diễn xuất của mình.

Trần Bảo Sơn là một trong số những người đầu tiên đọc kịch bản bộ phim Ngôi Nhà Trong Hẻm và ngay lập tức, anh đã nhận ra đất diễn cho nhân vật mà anh đang mong đợi. Người thủ vai Thành cần phải có một tính cách dễ chịu, khiến khán giả đồng cảm và ủng hộ, một diện mạo giúp khán giả có thể nhanh chóng thấu hiểu được những cảm xúc mà anh đang cố truyền đạt trên màn ảnh. Bảo Sơn đã tham gia bộ phim một cách rất nghiêm túc và làm việc cực kỳ chăm chỉ cho vai diễn của mình. Với anh, điều này ý nghĩa hơn tất cả những gì anh từng làm trước đây, vì bộ phim này vừa là một thử thách, vừa là một trải nghiệm đáng quý.

Cốt truyện của bộ phim không chỉ xoay quanh cặp vợ chồng Thảo và Thành, mà còn nói về mối quan hệ của họ với gia đình và bạn bè của mình. Những vai phụ trong phim là bà Nga – mẹ chồng Thảo, Dung – bạn thân thiết của Thảo, và Minh – trợ lý, đồng thời là người bạn trung thành của Thành.

Tác giả kịch bản, Đạo diễn Lê Văn Kiệt đã tốt nghiệp khoa Điện ảnh Truyền hình tại Đại học UCLA. Anh được trao giải Phim sinh viên xuất sắc nhất cho phim ngắn “Sự yên lặng” (The Silence). Vào năm 2010, Lê Văn Kiệt cùng ê-kíp của mình đã thực hiện bộ phim truyền hình dài 50 tập “Cuối Đường Băng” cho Nhà sản xuất – Trần Trọng Dần là nhà sáng lập và là Giám đốc điều hành của công ty truyền thông Coco Paris LLC tại Nam California. Đảm nhận vị trí Phó chủ nhiệm và là thành viên Hội đồng quản trị Hội Văn học Nghệ thuật Việt – Mỹ (VAALA) – đơn vị tổ chức Đại hội điện ảnh Việt Nam Quốc tế (ViFF) tại Nam California diễn ra hai năm một lần. Thành viên Ban Cố vấn tại Hội thảo chuyên đề Điện ảnh lần thứ 5 tại Đại học UCLA vào tháng 4 – 2010.

                                                                               T. Tùng  

Related Articles

Leave a Comment