Cà Mau là tỉnh cuối trời cuối Tổ quốc và là tỉnh duy nhất của cả nước có 3 mặt Đông – Tây – Nam tiếp giáp biển với chiều dài 254 km, chiếm 34,5% chiều dài bờ biển toàn vùng ĐBSCL, 7,8% bờ biển cả nước.
Vùng biển Cà Mau là một trong bốn ngư trường lớn nhất của nước ta
Vùng biển nơi cuối đất này là 1 trong 4 ngư trường lớn nhất của nước ta, rộng trên 71..000 km2, có tiềm năng, trữ lượng lớn về dầu khí. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành công trình trọng điểm quốc gia – Trung tâm công nghiệp khí – điện – đạm. Cà Mau còn có hơn 100.000 ha rừng, bao gồm rừng ngập mặn ở khu vực Mũi Cà Mau và rừng tràm U Minh hạ đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Các cụm đảo gần bờ: cụm đảo Hòn Khoai, đảo Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc có vị trí chiến lược, là cầu nối để khai thác kinh tế biển, phát triển du lịch và là điểm tựa tiền tiêu của Tổ quốc.
Kinh tế biển Cà Mau được xác định là thế mạnh kinh tế của Cà Mau, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh và vùng ĐBSCL. Trong 10 năm qua (2001 – 2011), tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 13,5%/năm; quy mô nền kinh tế năm 2011 gấp 3,24 lần so với năm 2001; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 4 lần năm 2001; kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt 910 triệu USD, trong đó xuất khẩu thủy sản đạt 900 triệu USD, đứng đầu cả nước. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 163/2008/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể KT-XH tỉnh Cà Mau đến năm 2020 “Tập trung đầu tư phát triển mạnh về kinh tế biển gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường biển… Phát triển công nghiệp chế biến thủy sản, nông, lâm sản theo hướng tăng tỷ lệ hàng tinh chế, phát triển công nghiệp năng lượng trên cơ sở cụm công nghiệp khí – điện – đạm Cà Mau, đồng thời thu hút phát triển một số ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao”. Đảng bộ cũng xác định lấy vùng ven biển làm bệ phóng, hướng mạnh phát triển ra biển, xây dựng vùng biển, ven biển thành vùng kinh tế động lực; khai thác tài nguyên biển đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái biển để phát triển bền vững. Khu kinh tế Năm Căn – điểm nhấn nơi cuối đất đã được thành lập, có diện tích 11.000 ha cùng với Cụm công nghiệp Năm Căn hơn 200 ha cũng đã được tỉnh phê duyệt và đầu tư xây dựng. Các cảng cá, bến cá, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền và các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá đã được đầu tư, như Cảng cá Sông Đốc, Hòn Khoai, các khu neo đậu tàu thuyền trú, tránh bão ở Rạch Gốc, Khánh Hội, Cái Đôi Vàm… và nhiều hạng mục công trình dịch vụ hạ tầng nghề cá được đầu tư xây dựng, phát huy hiệu quả tích cực. Thị trấn Sông Đốc đang được tập trung đầu tư nâng cấp trở thành một thị xã miền biển để liên kết với các cụm kinh tế biển Khánh Hội, Cái Đôi Vàm, tạo thành thế liên hoàn, hình thành các trung tâm nghề cá ven biển mở hướng ra biển Tây.
Giai đoạn 2011-2020, tỉnh Cà Mau xác định tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp ven biển, bao gồm công nghiệp chế biến thủy sản tại các khu công nghiệp tập trung Sông Đốc, Năm Căn. Phát triển du lịch biển đảo và du lịch sinh thái ven biển trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó tập trung vào du lịch sinh thái rừng ngập mặn, rừng tràm, các cồn cửa sông, bãi ven biển và du lịch trên các cụm đảo gần bờ. Phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thực hiện các dự án tìm kiếm thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí; xây dựng hệ thống dự trữ, vận chuyển và phân phối sản phẩm dầu khí; phát triển vận tải và công nghiệp vận tải biển. Nghiên cứu xây dựng cảng nước sâu ở khu vực cụm đảo Hòn Khoai phục vụ xuất nhập khẩu của tỉnh, của vùng. Về phát triển lâm nghiệp, tỉnh chủ trương khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng ven biển nhằm tăng thêm và đi đến ổn định diện tích có rừng khoảng 110.000 ha. Khai thác tài nguyên rừng để kết hợp phát triển nuôi thủy hải sản, du lịch sinh thái, khai thác chế biến gỗ trong đó đặc biệt bảo vệ, phát triển 2 khu vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh hạ có giá trị lớn về bảo tồn, nghiên cứu khoa học. Về thương mại, dịch vụ, từng bước hình thành một số trung tâm kinh tế dịch vụ ven biển như Sông Đốc, Năm Căn, Khánh Hội, Cái Đôi Vàm, Rạch Gốc; nghiên cứu đầu tư xây dựng một trung tâm dịch vụ kinh tế biển tại cụm đảo Hòn Khoai phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch và các dịch vụ cứu hộ cứu nạn. Phát triển xã hội gắn với biển theo hướng quy hoạch xây dựng các làng cá ven biển để sắp xếp tái định cư cho các hộ dân ở ngoài đê biển và các cửa sông vào phía trong; xây dựng kết cấu hạ tầng ven biển và trên các đảo, chú trọng đến phát triển giáo dục, y tế, văn hóa thông tin vùng ven biển phục vụ kinh tế biển và quốc phòng, an ninh. Nâng cấp tuyến đê biển Tây; xây dựng tuyến đê biển Đông; mở các tuyến giao thông đường bộ nối từ trong nội địa ra các cụm kinh tế ven biển (Tắc Thủ – Rạch Ráng – Sông Đốc; Năm Căn – Đất Mũi, Cái Nước – Cái Đôi Vàm; Đầm Dơi – Tân Thuận…); xây dựng tuyến đường ven biển dọc theo đê biển, đường trên các cụm đảo, đường đến trung tâm các xã ven biển… Nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau theo quy hoạch của Bộ Giao thông Vận tải. Khôi phục nâng cấp sân bay ở đảo Hòn Khoai và thị trấn Năm Căn phục vụ thăm dò khai thác dầu khí, du lịch và các mục tiêu an ninh, quốc phòng.
Vùng Biển Đông thuộc khu vực ĐBSCL với thềm lục địa và hải phận rộng lớn giàu tiềm năng thủy sản, dầu khí và lợi thế từ luồng hàng hải nối liền Đông – Tây, nơi có nhiều nền kinh tế lớn của thế giới (mà hầu hết đều tham gia APEC). Vùng biển Cà Mau cần được đầu tư, khai thác gắn với chiến lược kinh tế biển của đất nước để ĐBSCL không chỉ là vựa lúa, trái cây mà còn là vùng mạnh về biển, giàu lên từ biển.
Theo ĐĐK