Biêntoancanh xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của nữ Luật sư Nguyễn Thị The, Công ty luật Nhân Thành JSC để cung cấp thêm những kiến thức pháp luật về chủ quyền biển đảo.
PART 1: THEO CÔNG ƯỚC LUẬT BIỂN 1982.
Công ước Luật Biển 1982 là Công ước của Liên Hợp quốc về luật Biển được ký kết ngày 10 tháng 12 năm 1982. Hiện nay đã có 150 quốc gia tham gia Công ước Luật Biển 1982, các quốc gia tham gia công ước này đều mong muốn “giải quyết, trên tinh thần hiểu biết, hợp tác với nhau, các vấn đề liên quan đến luật biển. Và ý thức được tầm vóc lịch sử của Công Ước là một cống hiến quan trọng vào việc giữ gìn hòa bình, công lý và tiến bộ cho tất cả các dân tộc trên thế giới” – trích phần mở đầu Công ước Luật Biển 1982.
Lãnh hải và Vùng tiếp giáp lãnh hải
Khi nhắc đến đường biên giới của một Quốc gia thì gần như người ta nghĩ ngay đến vùng tiếp giáp của Quốc gia đó với một quốc gia khác trên đất liền mà ít ai chú ý đến một phần biên giới rất quan trọng nữa đó chính là đường biên giới trên biển. Tuy nhiên đây lại là một đường biên giới vô cùng quan trọng đối với các quốc gia ven biển về các mặt như kinh tế, quân sự, …
Dựa trên quy định của Công ước Luật Biển 1982 thì “Chủ quyền quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoãi
LS Nguyễn Thị The Th lãnh thổ và nội thủy của mình, và trong trường hợp một quốc gia quần đảo, ra ngoài vùng nước quần đảo, đến một vùng biển tiếp liền gọi là lãnh hải (Merterritoriale). Chủ quyền này được mở rộng đến vùng trời trên lãnh hải, cũng như đến đáy và lòng đất của biển này” . Chiếu theo quy đình này thì hình dạng của đất nước Việt Nam của chúng ta không còn là hình chữ S như cách hiểu thông thường.
Lãnh hải có ranh giới được xác định bởi chiều rộng của lãnh hải, tất cả các quốc gia đều có quyền tự ấn định chiều rộng lãnh hải của mình và chiều rộng đó không được vượt quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở được vạch theo đúng công ước. Cách xác định đường cơ sở của mỗi quốc gia cũng không hoàn toàn giống nhau mà căn cứ theo hình dạng đường bờ biển của quốc gia ven biển.
Thông thường đường cở sở được tính là ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển. Tuy nhiên trong trường hợp đảo có cấu tạo bằng san hô hoặc đảo có đá ngầm ven bờ bao quanh thì đường cơ sở được tính là ngấn nước triều thấp nhất ở bờ phía ngoài cùng của các mỏm đá. Trong trường hợp các quốc gia có bờ biển cấu tạo đặc biệt như lồi lõm, bị khoét sâu, bờ biển cực kỳ không ổn định … thì đường cơ sở được xác định bằng phương pháp đường cơ sở thẳng. Phương pháp xác định đường cơ sở thẳng là nối liền các điểm thích hợp có thể được sử dụng để kẻ đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải.
Khi hai quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia, trừ khi có sự thỏa thuận ngược lại. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng trong trường hợp do có những danh nghĩa lịch sử hoặc có các hoàn cảnh đặc biệt khác cần phải hoạch định ranh giới lãnh hải của hai quốc gia một cách khác. Như vậy trong trường hợp hai hoặc nhiều quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau mà việc ấn định chiều rộng lãnh hải không đủ 12 hải lý thì phải tuân theo nguyên tắc này. Mặc dù vậy việc cụ thể hóa nguyên tắc này trong thực tế thì vẫn còn nhiều bất cập gây tranh cãi giữa các quốc gia có chung vùng biển.
Việc ấn định chiều rộng lãnh hải mang lại lợi ích to lớn cho các quốc gia ven biển trong việc giữ gìn an ninh quốc gia và các lợi ích về thương mại. Để các lợi ích này của các quốc gia được đảm bảo thì Công ước cũng quy định một vùng Tiếp giáp với lãnh hải, trong trường hợp việc đi lại của tàu thuyền không đáp ứng được điều kiện đi qua không gây hại trong vùng lãnh hải thì vùng tiếp giáp lãnh hải sẽ là một giải pháp hợp lý.
Vùng tiếp giáp lãnh hải không được mở rộng quá 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Trong vùng tiếp giáp các quốc gia ven biển có thể thi hành sự kiểm soát cần thiết nhằm ngăn ngừa những phạm vi đối với các luật và quy định hải quan, thuế khóa, y tế hay nhập cư trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình; và Trừng trị những vi phạm đối với các luật và quy định nói trên xảy ra trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình.
Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa
Nếu như trong lãnh hải các quốc gia ven biển có quyền định đoạt bằng việc “đi qua không gây hại” đối với tàu thuyền, phương tiện vận chuyển khác của các quốc gia khác nhằm bảo vệ vùng biển của mình thì tại Vùng đặc quyền kinh tế các quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển và các quyền tự do của các quốc gia khác đều do các quy định thích hợp của Công ước điều chỉnh.
Vùng đặc quyền về kinh tế là một vùng nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải nhưng không được mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Tại vùng này các quốc gia ven biển có các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. Và có quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của Công ước về việc: Lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình; Nghiên cứu khoa học về biển; Bảo vệ và gìn giữ môi trường biển. Ngoài ra các quốc gia ven biển còn có các quyền và các nghĩa vụ khác do Công ước quy định.
Tuy nhiên, trong vùng đặc quyền về kinh tế, khi thực hiện các quyền và làm các nghĩa vụ của mình theo Công ước, quốc gia ven biển phải tính đến các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác dù có biển hay không có biển và hành động phù hợp với Công ước.
Theo quy định trong công ước thì trong vùng đặc quyền về kinh tế, tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển, trong những điều kiện trong những quy định thích hợp của Công ước trù định, được hưởng các quyền tự do hàng hải và hàng không, quyền tự do đặt dây cáp ngầm, cũng như quyền tự do sử dụng biển vào những mục đích khác hợp pháp về mặt quốc tế và gắn liền với việc thực hiện các quyền tự do này và phù hợp với các quy định khác của Công ước, nhất là những khuôn khổ việc khai thác các tàu thuyền, phương tiện bay và dây cáp, ống dẫn ngầm.
Ngoài ra, khi khai thác tài nguyên biển trong vùng đặc quyền kinh tế quốc gia ven biển có quyền ấn định số lượng khai thác tuy nhiên phải tính đến quyền lợi các quốc gia không có biển hoặc các quốc gia bất lợi về địa lý nằm trong cùng khu vực. Các quốc gia dù không có biển nhưng vẫn được phép khai thác tài nguyên biển trong vùng đặc quyền kinh tế ở một mức độ nhất định và phải đảm bảo quyền lợi cho quốc gia ven biển trong cùng khu vực theo quy định của Công ước.
Việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diên nhau được thực hiện bằng con đường thỏa thuận theo đúng với pháp luật quốc tế. Trong trường hợp chưa thỏa thuận được các quốc gia phải đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoán quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến hoạch định cuối cùng.
Tại Lãnh hải và Vùng đặc quyền về kinh tế các quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển mới chỉ được thể hiện ở Vùng nước thì Thềm lục địa sẽ là bộ phận quan trọng để các quốc gia ven biển thể các quyền và quyền tài phán ở đáy biển và lòng đất dưới đáy biển.
Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ờ khoảng cách gần hơn.
Quốc gia ven biển thông báo những thông tin về ranh giới các thềm lục địa của mình, khi thềm này mở rộng quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, cho ủy ban ranh giới thềm lục địa được thành lập theo Phụ lục II, trên cơ sở sự đại diện công bằng về địa lý. Ủy ban gửi cho các quốc gia ven biển những kiến nghị về các vấn đề liên quan đến việc ấn định ranh giới ngoài thềm lục địa của họ. Các ranh giới do một quốc gia ven biển ấn định trên cơ sở các kiến nghị đó là dứt khoát và có tính chất bắt buộc.
Quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình. Đây được coi là đặc quyền của các quốc gia ven biển đối với thềm lục địa, các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không phụ thuộc vào sự chiếm hữu thực sự hay danh nghĩa, cũng như vào bất cứ tuyên bố rõ ràng nào. Mặc dù vậy các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không đụng chạm đến chế độ pháp lý của vùng nước ở phía trên hay của vùng trời trên vùng nước này.
Việc quốc gia ven biển thực hiện các quyền của mình đối với thềm lục địa không gây thiệt hại đến hàng hải hay các quyền và các tự do khác của các nước khác đã được công ước thừa nhận, cũng không được cản trở việc thực hiện các quyền này một cách không thể biện bạch được.
Việc hoạch định ranh giới thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau được thực hiện bằng con đường thỏa thuận theo đúng luật pháp quốc tế. Trong trường hợp chưa thỏa thuận được thì đi đến các giải pháp tạm thời có tính chất thực tiễn và để không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến việc hoạch định cuối cùng. Quốc gia ven biển công bố theo đúng thủ tục các bản đồ hay các bản kê các tọa độ địa lý và gửi đến Tổng thư ký liên hợp quốc một bản để lưu chiểu, và đối với các bản đồ hay các bản kê các tọa độ địa lý vị trí của ranh giới ngoài của thềm lục địa, thì gửi đến Tổng thư ký của Cơ quan quyền lực một bản để lưu chiểu.
LS. Nguyễn Thị The,
Nhân Thành JSC
104 – 4B Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội
R 303-C, Nhiêu Tu 1 Apartment, P. 7, Q. Phú Nhuận, TP HCM