Báo cáo đánh giá thực trạng sạt lở bờ biển và các giải pháp phòng, bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu của Viện Kỹ thuật biển (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện có sáu đoạn thường xuyên bị xói lở do tác động của tự nhiên cũng như các hoạt động của con người, bao gồm: Khu vực Trại Nhái (phường 12, TP Vũng Tàu), khu vực Phước Hải, Lộc An (huyện Ðất Ðỏ), khu vực Hồ Tràm – Hồ Cốc và Bình Châu (huyện Xuyên Mộc).
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, thực trạng xói lở tại các khu vực này đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng mặt từ 2 mét/năm trước đây lên đến 30 mét/năm; trong đó, có điểm sạt lở tới hàng trăm mét. Ðiển hình như tại khu vực Trại Nhái trong vòng mười năm, biển đã lấn vào đất liền 720 m, riêng trong ba năm gần đây, biển đã lấn hơn 80m. Phó Chủ tịch UBND phường 12 Huỳnh Tấn Dũng cho biết: “Theo bản đồ địa chính, từ năm 1993 đến năm 2002 thì biển lấn vào đất liền khoảng 320 m, từ năm 2002 đến nay lấn khoảng 250 m. Như vậy khoảng 20 năm qua, biển đã lấn khoảng 700 m, nếu không có giải pháp kịp thời thì khu vực này sẽ bị mất đi hoàn toàn”.
Theo các nhà khoa học của Viện Kỹ thuật biển, nguyên nhân khiến tình trạng biển xâm thực đang trở nên ngày càng nghiêm trọng ở Bà Rịa-Vũng Tàu chính là do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Qua khảo sát nhiều đoạn bờ biển thường xuyên bị xói lở hay một số bãi biển còn phát hiện loại hình dòng rip, một loại dòng chảy rút rất mạnh từ bờ ra biển. Bên cạnh đó còn là do hoạt động khai thác cát tràn lan.
Ðể khắc phục tình trạng trên, Viện Kỹ thuật biển đề nghị tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ bờ biển theo ba giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 từ năm 2014 đến 2016 tập trung xây dựng công trình bảo vệ tại ba khu vực trọng điểm, gồm: Trại Nhái (phường 12, TP Vũng Tàu), Lộc An (huyện Ðất Ðỏ) và Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc). Cũng theo Viện Kỹ thuật biển, trong khi chưa có biện pháp khả thi, chính quyền tỉnh cần quản lý chặt chẽ hoạt động nạo vét, hút cát ở các cửa sông, cửa biển, bảo vệ nghiêm ngặt rừng và đồi cát phòng hộ dọc bờ biển, tránh hiện tượng ngăn được chỗ này nhưng biển lại gây xâm thực ở chỗ khác.
Theo TN – MT