Home An ninh biển đảo Chính sách biển khó lường của TQ

Chính sách biển khó lường của TQ

by admin

 Chính sách sai trái của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông không có dấu hiệu dừng lại khi nước này lại khởi công xây trạm giám sát tổng hợp khí quyển quốc gia ở quần đảo Hoàng Sa. 

 

Một hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Vietnam+

Thông tin trên được mạng Tân Hoa ngày 10/12 đăng tải, với một khẳng định bất chấp dư luận rằng mục đích của trạm này là triển khai công tác bảo vệ môi trường Biển Đông, cung cấp các dịch vụ công cộng về giám sát môi trường phục vụ cái gọi là “nhu cầu thực hiện chủ quyền quốc gia và quản lý các công việc liên quan đến lãnh thổ”.

Ngày 4/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết bộ này đã gửi công hàm một ngày trước đó để phản đối Trung Quốc về những hành động sai trái gần đây, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Người phát ngôn Lương Thanh Nghị khẳng định phía Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những việc làm sai trái đó và không để tái diễn những hành động tương tự.

Ngày 27/11, tỉnh Hải Nam thông qua bản sửa đổi “điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam”, trong đó đã đưa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam vào phạm vi áp dụng.

Trước đó, ngày 23/11, Trung Quốc cho xuất bản bản đồ “Tam Sa” phạm vi bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Gần đây nhất, sáng sớm ngày 30/11, trong khi tàu Bình Minh 02 của Việt Nam đang thăm dò địa chấn bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam (tại tọa độ 17độ26,2’ vĩ tuyến Bắc, 108độ 02’ kinh tuyến Đông, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam, chỉ cách đảo Cồn Cỏ (Việt Nam) khoảng 43 hải lý) thì bị 2 tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 16025 và 16028 cố tình cản trở và gây đứt cáp, bất chấp các lực lượng chức năng của Việt Nam đã phát tín hiệu cảnh báo.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Những hành động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam; vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011; trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Tuyên bố cấp cao kỷ niệm 10 năm DOC, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp”.


Vị trí tàu Bình Minh 02 bị phá cáp theo thông tin của Tập đoàn dầu khí VN (PVN) và phần cáp bị đứt (ảnh nhỏ) – Đồ họa: Hồng Sơn

 Ông Lương Thanh Nghị cho biết, ngày 3.12.2012, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm kiên quyết phản đối những việc làm nói trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt ngay những việc làm sai trái đó và không để tái diễn những hành động tương tự

Tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 11.12, đã đăng tải bài bình luận ngang ngược vu cáo Việt Nam “ăn cắp” dầu khí của Trung Quốc đồng thời cổ vũ cho các hành động gây hấn và phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông.

Trong bài bình luận có tựa “Việt Nam xem nhẹ ý chí bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc”, tờ báo thường xuyên thể hiện giọng điệu hiếu chiến nhắc lại vụ tàu cá Trung Quốc phá cáp tàu Bình Minh 02 và kêu gọi Trung Quốc tiếp tục sử dụng những hành động có “cường độ nhẹ” để quấy phá hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam ở biển Đông, đồng thời tung hỏa mù về cách phản ứng của Trung Quốc.

Ấn phẩm phụ của tờ Nhân dân Nhật báo bộc lộ rõ thái độ hung hăng qua đoạn: “Chúng tôi không biết liệu tàu Trung Quốc có cố ý cắt cáp thăm dò gắn phía sau tàu Việt Nam hay không. Nhưng ngay cả khi họ cố ý, thì người dân Trung Quốc vẫn ủng hộ cách hành xử này”.

Tờ báo này còn rêu rao rằng Việt Nam là nước bạo dạn nhất trong việc khai thác dầu ở biển Đông so với các nước khác và vu cáo Việt Nam “ăn cắp” dầu khí của Trung Quốc thông qua sự hợp tác với các công ty dầu khí từ “một nước thứ ba”.

Thời báo Hoàn cầu khẳng định Trung Quốc hiện cương quyết bảo vệ chủ quyền hơn bao giờ hết và dọa dẫm Việt Nam và Philippines đừng trông đợi Trung Quốc thoái lui dưới “cái gọi là áp lực quốc tế”.

Bài bình luận cũng mạo danh toàn thể nhân dân Trung Quốc với đoạn: “Họ phải hiểu dư luận quần chúng Trung Quốc là trên hết. Bảo vệ chủ quyền Trung Quốc là ý chí chung của 1,3 tỉ công dân Trung Quốc”.

Tàu ngư chính lớn nhất Trung Quốc làm gì gần Senkaku?

Tàu ngư chính lớn nhất của Trung Quốc, Yuzheng 206, ngày 11-12 thực hiện chuyến tuần tra biển đầu tiên của mình, chạy từ thành phố Thượng Hải tới vùng biển gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku tranh chấp với Nhật Bản.

Tàu ngư chính lớn nhất của Trung Quốc, Yuzheng 206, ở cảng Thượng Hải. Ảnh: Xinhua.

 Yuzheng 206 dài 130m, trọng tải 5.872 tấn là tàu ngư chính lớn nhất và thuộc hàng hiện đại nhất của Trung Quốc, Cục Quản lý Ngư nghiệp ở biển Hoa Đông (Bộ Nông nghiệp) thông báo ngày 12-12.

“Việc đưa tàu tuần tra mới vào hoạt động là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang gia tăng quyền lực biển. Gần đây, Trung Quốc thường xuyên đưa tàu ngư chính và tàu hải giám tới vùng biển Điếu Ngư/Senkaku, đồng thời đóng thêm tàu mới. Điều này phản ảnh chính sách của Trung Quốc đối với Điếu Ngư/Senkaku”, Giáo sư Yang Bojiang chuyên ngành Nhật Bản học tại Đại học Quan hệ Quốc tế ở Bắc Kinh, nói.

Ba tàu hải giám TQ vào lãnh hải Nhật

 Chiều 12-12, ba tàu hải giám Trung Quốc đi vào vùng biển Nhật Bản, gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản thông báo. Kể từ tháng 9, đây là lần thứ 16 tàu Trung Quốc đi vào vùng biển này. Hôm qua, ba tàu hải giám Trung Quốc ở trong lãnh hải Nhật Bản gần một tiếng rưỡi.

Ông Zhao Xingwu, Giám đốc Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc) nói: Tàu ngư chính Yuzheng 206 sẽ đóng vai trò tích cực trong việc thường xuyên tuần tra vùng biển gần Điếu Ngư/Senkaku.

 Trung Quốc tăng cường tuần tra trên biển Hoa Đông từ tháng 9, khi Nhật Bản mua ba đảo thuộc Điếu Ngư/Senkaku từ một chủ sở hữu tư nhân.

Ông Liang Yunxiang, giáo sư quan hệ quốc tế ở Đại học Bắc Kinh, nói rằng, Trung Quốc và Nhật Bản đều nhận thấy rằng, việc thể hiện sức mạnh của họ trong tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku đã chuyển từ số lượng tàu thuyền sang cạnh tranh về công nghệ và độ bền của tàu tuần tra. Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch tuần tra quanh Điếu Ngư/Senkaku một cách thường xuyên và lâu dài.

Nguồn tin từ Lực lượng Hải giám Trung Quốc nói rằng, số tàu hải giám sẽ tăng mạnh trong bối cảnh có tranh chấp phức tạp về chủ quyền biển đảo. Tính đến cuối năm ngoái, nước này có hơn 300 tàu hải giám.

Chính sách mập mờ

Vào thời điểm cộng đồng quốc tế nhìn về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và là một siêu cường đang trỗi dậy nhanh chóng với mong muốn sở hữu vị thế xứng đứng trên vũ đài quốc tế, thì chính sách ngoại giao mập mờ của Trung Quốc đang gây ra những sự hỗn loạn và leo thang căng thẳng trong khu vực.

Việt Nam và Philippines – những nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cùng với Brunei và Malaysia – đã phản đối mạnh mẽ những quy định mới mà tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đưa ra.

Ấn Độ tuần trước tuyên bố đã sẵn sàng điều động tàu hải quân tới khu vực để đảm bảo các lợi ích của mình. Mỹ công khai yêu cầu Trung Quốc làm rõ phạm vi và ý nghĩa của quy định mới. “Nó thực sự không rõ ràng, tôi cho rằng với mọi quốc gia”, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke nói.

Giới phân tích cho rằng, thực tế là một chính quyền tỉnh có thể đơn phương làm xấu đi một trong những vấn đề ngoại giao nhạy cảm nhất của Trung Quốc, thậm chí có khả năng gây rủi ro lớn trong việc hoạch định chính sách cho khu vực này. “Nó thể hiện một chính sách đối ngoại hỗn độn thế nào của Trung Quốc khi đề cập tới Biển Đông”, một quan chức ngoại giao phương Tây tại Trung Quốc nói.

Theo một báo cáo của Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) hồi đầu năm nay, có không ít hơn 11 cơ quan chính phủ từ quản lý du lịch tới hải quân Trung Quốc – tham gia đóng vai trò ở Biển Đông. Tất cả, ICG cảnh báo, đều có khả năng hành động làm tổn hại nỗ lực ngoại giao.

Tuyên bố chủ quyền

Đó chính là những gì xảy ra trong trường hợp quy định mới của Hải Nam.

Ngô Thế Xuân – quan chức cấp cao trong văn phòng đối ngoại tỉnh này nói, ông nghĩ quy định mới được hội đồng lập pháp địa phương thông qua và không chắc Bắc Kinh có nắm rõ điều này hay không. Phần lớn các nhà phân tích tin rằng, nỗ lực phối hợp giữa vô số cơ quan quản lý chính sách biển tại Trung Quốc đã thất bại trong khi ngày càng có nhiều thừa nhận trong tầng lớp quan chức Trung Quốc rằng, khi một vấn đề tồn tại thì khó có khả năng thay đổi nhanh chóng.

Trong khi đó, cuộc tranh chấp trên Biển Đông tiếp tục gia tăng. Sau ê5c 2 tàu cá Trung Quốc cố tình cản trở và gây đứt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Báo cáo của ICG nhấn mạnh, các tàu cá Trung Quốc trong một số trường hợp được chính quyền tỉnh “thúc ép” hoạt động xa hơn.

Không lâu trước khi ban hành quy định mới, cả khu vực đã lên tiếng bất bình vì một bản đồ in trên hộ chiếu mới của Trung Quốc. Bản đồ này thể hiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với hầu hết Biển Đông. Chu Phong, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, Đại học Bắc Kinh cho hay, tấm hộ chiếu mới được Bộ Công an (MPS) Trung Quốc phát cho dân thường. “Tôi nghĩ rằng, MPS thấy họ cần làm gì đó để thể hiện sự ủng hộ với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, nhưng tôi không nghĩ họ có được sự ủng hộ từ bộ Ngoại giao”, ông nói.

Trong khi đó, bộ Ngoại giao Trung Quốc cấp hộ chiếu cho quan chức chính phủ, và những tấm hộ chiếu ấy không mang hình bản đồ nói trên.

Ở đây xuất hiện một phần lớn của vấn đề: bộ Ngoại giao Trung Quốc có nhiệm vụ phối hợp giữa các bên, nhưng ảnh hưởng lại chưa đủ lớn để làm việc này một cách hiệu quả. Trong cuộc họp báo gần đây, người phát ngôn của bộ này là Hồng Lỗi dường như không có nhiều thông tin về quy định mới của Hải Nam. Một phóng viên đã hỏi về trách nhiệm điều phối chính sách Biển Đông của bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn họ Hồng trả lời: “Trung Quốc quản lý biển theo quy định của pháp luật”.

Đường 9 đoạn

Một nhân tố phức tạp khác trong cuộc cạnh tranh chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông là việc Bắc Kinh tự mình thể hiện tham vọng trên cái gọi là “bản đồ 9 đoạn”. Bản đồ này lượn sát bờ biển các nước khác trong cái gọi là phân định chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

Nhưng nó không đơn giản là như vậy. Carlyle Thayer, một chuyên gia về Biển Đông tại Đại học New South Wales ởi Australia, cho hay, trong 26 hội thảo ông tham dự suốt hai năm qua, các câu hỏi được lặp đi lặp lại với các học giả Trung Quốc chỉ là về đường 9 đoạn và không hề có câu trả lời rõ ràng. “Không một người nào ở Trung Quốc có thể nói cho bạn nó nghĩa là gì”, ông nhấn mạnh.

Các cơ quan chính phủ Trung Quốc cũng có những quan điểm khác nhau. Một quan chức Đông Nam Á ở Bắc Kinh cho hay. “Trung Quốc thậm chí không có tọa độ chính xác về yêu sách mở rộng chủ quyền trong khu vực, khiến vấn đề trở nên khó khăn khi phải xác định nơi chủ quyền của họ bắt đầu và kết thúc”, ông nói. “Chúng tôi đã hỏi họ về tọa độ chính xác và họ không thể trình bày cho chúng tôi”.

Một số nhà phân tích lập luận, sự mơ hồ đôi khi giúp Bắc Kinh “rảnh tay” trong việc thương thảo ở một số khu vực tranh chấp. Nhưng “mặt khác”, theo ông Thayer, “họ cũng đối mặt với áp lực to lớn” hiện tại để truyền tải rõ ràng và cụ thể về vị trí của Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc thừa nhận cần có sự phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan, nhưng có rất ít tiến triển.

Trong tương lai gần, tầng lớp lãnh đạo mới dưới sự dẫn dắt của ông Tập Cận Bình sẽ tập trung nhiều vào các vấn đề trong nước. Stephanie Kleine-Ahlbrandt, tác giả – thuộc Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế – báo cáo chính sách Biển Đông của Trung Quốc nhận định. “Trong bối cảnh ấy, hầu như sẽ không có thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc”.

Theo Vietnam+, TTXVN, VNN, TP  

Related Articles

Leave a Comment