Home Đời sống Cho vay đóng tàu theo nghị định 67 Chính phủ: Giảm thiểu rủi ro, va vấp

Cho vay đóng tàu theo nghị định 67 Chính phủ: Giảm thiểu rủi ro, va vấp

by admin

Nghị định 67 đang được triển khai rộng rãi với chính sách ưu đãi đặc biệt. Đây không phải lần đầu, lợi ích của cộng đồng ngư dân được quan tâm chăm chút. Tuy nhiên, đã từng có bài học không thành công.

Đi 1 ngày, tốn 26 lít xăng, thu 1 triệu đồng tiền gốc

Hơn 10 năm. Những bộ hồ sơ cho vay được xếp lại, cất kỹ trong gian nhà kho bụi bặm nhưng ông Lê Văn Ngự, Phó Giám đốc NHTMCP Đầu tư – Phát triển, chi nhánh Bình Định (BIDV Bình Định) vẫn nhớ rành mạch họ tên, bản quán từng vị khách hàng: “Chúng tôi đang theo dõi 2 trường hợp. Tàu ông Nguyễn Văn Rịt ở Mỹ Thắng, Phù Mỹ sang lại từ người chủ đầu là ông Lê Nhơn (phường Hải Cảng, TP.Quy Nhơn), mỗi bên nhận nợ 50%. 

Ông Rịt hiện còn 59 triệu đồng tiền gốc. Người vẫn đó, làm ruộng, nuôi heo, đi bạn nhưng con tàu không biết giấu đâu (?). Nhờ Chi cục Khai thác – Bảo vệ nguồn lợi thủy sản hỗ trợ thì được biết 4 – 5 năm nay, ông Rịt không làm thủ tục đăng kiểm phương tiện. Chỉ còn mỗi cách là lâu lâu, chờ vợ ông dưới quê bán lứa heo, chúng tôi theo xuống. Thu, có khi 500 – 1 triệu đồng, cũng có khi quay về tay trắng. Người thứ 2 là ông Nguyễn Việt Tuấn, Đề Gi, Phù Cát…”.

Những năm 1998 – 1999, ông Nguyễn Ngọc Anh (Mỹ Thắng, Phù Mỹ) vay Ngân hàng Đầu tư – Phát triển Bình Định 700 triệu, đóng mới con tàu 110 CV. Làm ăn gần 10 năm mà nợ nần chẳng thấy đả động gì. Tàu ông Anh biền biệt tận vùng biển cực nam suốt thời gian dài trong hành trình trốn nợ. Năm 2007, lúc này ông Anh đã 70 tuổi, tung tích con tàu mới lộ ra ở Rạch Giá. 

Phối hợp cơ quan thẩm định giá, phía chủ nợ tiến hành thủ tục phát mãi. Khi một ngư dân khác đồng ý mua lại, bầu đoàn kéo vào Kiên Giang nhận tàu thì gia đình ông Anh quay sang cản trở. Giằng co suốt hơn tháng trời, “thương vụ” trên cuối cùng cũng thành công. Con tàu chỉ còn 1/3 giá trị vốn vay. Giám đốc BIDV Bình Định Lê Thanh Đức kể lại những hành trình thu nợ “mòn đường chết cỏ” như sau: “Có lần chúng tôi từ Quy Nhơn ra vùng biển Phù Mỹ, đi về tốn 26 lít xăng, trầy trật cả ngày nhưng thành quả chỉ vỏn vẹn 1 triệu tiền gốc. 

Thậm chí, tàu ông La Thành Khôn (Hoài Hải, Hoài Nhơn) trốn tuốt trong Phan Thiết, khi chúng tôi tìm được, phải bỏ tiền mua dầu thì chủ tàu mới chịu đưa phương tiện về quê”. Cơ quan ông Đức cho vay 35 trường hợp (26,7 tỉ đồng), chỉ 2 trả được nợ gốc. 33 trường hợp buộc phải áp dụng phương án bán thu hồi vốn với giá trị còn lại rất thấp. “Ngân hàng mất vốn. Hậu quả tới nay vẫn treo lơ lửng, phải chuyển qua hạch toán ngoại bản, xử lý riêng, chờ chỉ đạo của Chính phủ” – ông Ngự nói.

Cũng “cay đắng” với thất bại từ chương trình cho vay đánh bắt xa bờ là BIDV Bình Định. Một báo cáo dừng lại ở thời điểm tháng 10.2007 của Sở Thủy sản (cũ) cho thấy: BIDV Bình Định cho vay 22,8 tỉ đồng song chỉ thu hồi nợ gốc hơn 5,3 tỉ; phần lãi phát sinh chưa trả lên đến gần 11 tỉ đồng. Tình hình không sáng sủa hơn với Agribank Bình Định, nơi “dính chưởng” với gói cho vay khắc phục hậu quả bão Linda. 

Theo giám đốc Agribank Bình Định Phan Đình Trung, trước sau, đã có 110,6 tỉ đồng giải ngân cho 558 hộ trải dài từ Quy Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ đến Hoài Nhơn. Gói này hiện “đọng” tới 55,4 tỉ đồng quá hạn. Khả năng hoàn trả (chỉ phần gốc thôi) được đánh giá là rất thấp.

Bài học chưa xa

Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác – Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định Nguyễn Công Bình cho rằng: “Nói chương trình đánh bắt xa bờ thất bại là không đúng. Chương trình đã tạo ra phong trào đóng mới, cải hoán, nâng cấp phương tiện khá sôi nổi. Ngư dân Bình Định xưa di chuyển ngư trường, vào Nam ra Bắc cũng chỉ loanh quanh gần bờ chứ mấy ai đủ sức tiếp cận ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa? 

 

Dù thu hồi nợ khó khăn, Bình Định vẫn xem đánh bắt xa bờ là chương trình giúp “kích hoạt phong trào” đóng tàu lớn tại địa phương. Ảnh: X.N 

 

Năm 1997 nếu đội tàu đánh bắt cá ngừ đại dương chỉ có 200 chiếc thì 2007 đã hơn 700 chiếc và đến nay, số tàu trên 90 CV đã tới con số gần 3.000”. Dù sao, thất bại là… thất bại, đặc biệt ở phương diện quản lý và hiệu quả tín dụng. 

Xin dẫn đánh giá giấy trắng mực đen của chính Sở Thủy sản Bình Định hồi 2007: “Chủ dự án trây ỳ, coi nhẹ trách nhiệm trả nợ. Một số hộ còn yếu kém trong quản lý và tổ chức sản xuất xa bờ dẫn tới thua lỗ kéo dài, không có khả năng trả nợ. Việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ hậu cần còn hạn chế; sản phẩm đánh bắt được bị tư thương ép cấp, ép giá. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp còn rời rạc, lỏng lẻo”. 

Giám đốc Agribank Bình Định Phan Đình Trung cũng quy trách nhiệm hàng đầu cho tâm lý trây ỳ, “người này nhìn ngó người khác; có người ăn nên làm ra, mua sắm thêm nhiều phương tiện nhưng nợ nần thì né tránh”. 

Ông Trung bổ sung: “Nhiều trường hợp sau khi con tàu đã hư hỏng mới giao ngân hàng xử lý bán. Việc bán tàu qua hội đồng định giá của tỉnh rất khó khăn, thời gian kéo dài (hơn 10 năm), bán không có người mua, tiền thu nợ rất ít. Việc thế chấp bằng tài sản hình thành trên vốn vay – tức con tàu – trong điều kiện tái tục bảo hiểm của ngư dân còn nhiều vướng mắc cũng đẩy bất lợi về phía chúng tôi”.

Ông Lê Thanh Đức cho hay: “Thủ tục, quy trình cho vay, điều kiện giải ngân tưởng chừng rất nghiêm ngặt, chặt chẽ nhưng thực tế lại rất khó thẩm định, đánh giá chính xác kết quả xét duyệt từ dưới lên. Không loại trừ tình trạng chủ dự án móc nối cơ sở đóng tàu và nhà cung cấp động cơ, ngư lưới cụ nâng giá trị con tàu để qua mặt ngân hàng. Ngân hàng thì không giám sát, kiểm soát được dòng tiền trả nợ.

Theo LĐ

Related Articles

Leave a Comment