Home Kinh tế biển Đà Nẵng: Chọn du lịch hay nghề cá?

Đà Nẵng: Chọn du lịch hay nghề cá?

by admin

Từ đề xuất quy hoạch xây dựng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá mới ở vịnh Mân Quang đặt ra cho Đà Nẵng bài toán rất khó giữa bảo vệ môi trường, phát triển du lịch với trở thành trung tâm nghề cá của quốc gia!

Mối nguy ô nhiễm nghiêm trọng

Địa điểm quy hoạch xây dựng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá mới ở vịnh Mân Quang theo đề xuất của Sở NN-PTNT Đà Nẵng (Ảnh: HC)

Sở Xây dựng Đà Nẵng cho hay, Sở NN-PTNT TP đề xuất quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá mới này tại khu vực vịnh Mân Quang với diện tích mặt nước 20 – 30ha, diện tích mặt đất từ 2 – 3ha. Sau khi rà soát toàn bộ khu vực vịnh Mân Quang, Sở Xây dựng Đà Nẵng cho rằng không còn vị trí nào để có thể quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá ở đây.

Hiện có hai dự án là khu đô thị vịnh Mân Quang và khu đô thị cầu Mân Quang đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu thu hồi hai dự án này sẽ khó khăn. Ngoài ra, việc xây dựng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp với cảng cá mới sẽ kéo tàu cá của các địa phương khác tập trung về đây, gây ô nhiễm môi trường và cũng sẽ rất khó khăn trong việc kiểm soát sau này.

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng cũng cho rằng việc xây dựng khu neo đậu tàu thuyền kết hợp với cảng cá mới ở khu vực vịnh Mân Quang sẽ rất “nguy hiểm”. Theo ông, sau khi di dời cảng cá Thuận Phước về khu dịch vụ thủy sản Thọ Quang đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho khu vực này. Tàu thuyền của các tỉnh, thành trong vùng tập trung về, xả toàn bộ chất thải xuống cảng cá Thọ Quang. Do vậy, việc xây dựng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá mới ở khu vực vịnh Mân Quang cũng sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm rất lớn.

Tủi thân cho bà con ngư dân

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng Huỳnh Vạn Thắng cho hay, tàu thuyền của ngư dân TP khoảng 1.800 chiếc (công suất 20CV trở lên), nhưng âu thuyền Thọ Quang chỉ có thể đáp ứng cho 1.200 chiếc vào tránh trú bão, còn lại 600 chiếc do không có chỗ trú đậu nên phải “lang thang”. Khi có bão, Sở NN-PTNT phải xin Vùng 3 Hải quân, Hải đội 2 Biên phòng… cho số tàu thuyền này vào trú ẩn, khi bão tan thì bị đuổi đi. “Chúng tôi cảm thấy rất tủi thân cho bà con ngư dân, đi đâu cũng bị đuổi cả!” – ông Huỳnh Vạn Thắng nói.

Ông cho hay, trước tình hình đó, cuối năm 2013, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết cùng lãnh đạo Bộ đội Biên phòng TP, UBND quận Sơn Trà, Sở Xây dựng cùng các ngành hữu quan khác đã đi khảo sát và đã chọn đúng vị trí theo đề xuất của Sở NN-PTNT, nằm giữa hai  khu đô thị vịnh Mân Quang và cầu Mân Quang, vì xét thấy không còn chỗ nào để neo đậu số tàu thuyền kể trên. Theo ông Huỳnh Van Thắng: “Tàu thuyền vào tránh trú bão thì chỉ nằm trong khu vực vịnh Mân Quang chứ không đi đâu được hết, vì ra ngoài thì sóng gió rất lớn!”.

Ông cũng nêu rõ, theo tinh thần Nghị quyết 33 và Kết luận 75 của Bộ Chính trị về phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ CNH – HĐH, sẽ xây dựng Đà Nẵng thành một trong những trung tâm nghề cá của cả nước. Bộ NN-PTNT cũng xác định Đà Nẵng sẽ là một trong 5 trung tâm nghề cá lớn của Việt Nam. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt thêm cho Đà Nẵng một khu tránh trú bão và cảng cá cấp quốc gia. Do đó, phát triển kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đối với cả nước mà Đà Nẵng “không thể từ chối được”. Và Thành ủy Đà Nẵng cũng đã có kế hoạch hành động nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 33 và Kết luận 75 của Bộ Chính trị.

“Thực ra tàu thuyền của ngư dân chúng ta và các tỉnh bạn vào Đà Nẵng vì đây là trung tâm nghề cá, có chất lượng dịch vụ tốt hơn. Sản phẩm họ đánh bắt được đều đem về cho Đà Nẵng chế biến. Khi họ ở đây, toàn bộ các dịch vụ phục vụ cho tàu thuyền hoạt động thì Đà Nẵng cũng nắm giữ. Như vậy là chúng ta cũng rất là lợi trong vấn đề này. Việc ô nhiễm môi trường là có và đòi hỏi chúng ta phải tăng cường công tác quản lý, chứ không phải vì chúng ta không quản lý được mà chúng ta không cho họ vô.

Nói gì thì nói, do Đà Nẵng là nơi trú bão tốt nên chúng ta có không cho họ vô thì họ vẫn vô. Đó là quyền của họ. Do đó chúng tôi tha thiết đề nghị lãnh đạo TP cố gắng tạo điều kiện quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão và cảng cá mới tại vị trí mà Sở NN-PTNT đề xuất. Còn nếu không cảng cá thì chỉ khu trú bão cũng được. Thực tế hiện nay ở khu vực vịnh Mân Quang có 400 – 500 tàu thuyền thường xuyên neo đậu, sau này các khu đô thị lên thì đuổi họ đi đâu? Nếu đuổi ở đây thì chắc chắn họ phải vô khu vực bờ Đông sông Hàn thôi, rồi cũng lại bị đuổi!” – ông Huỳnh Vạn Thắng phân tích.

Bài toán rất khó cho Đà Nẵng

Trước những tranh cãi này, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng cần cân nhắc kỹ việc phát triển kinh tế của TP. Phát triển trung tâm nghề cá, về nguyên tắc, là chủ trương của trung ương. Tuy nhiên phải xét mũi nhọn kinh tế của Đà Nẵng là cái gì? Thực tế của TP hiện nay ra làm sao để tiếp nhận chủ trương này.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, ở gần khu vực vịnh Mân Quang, Đà Nẵng đã quy hoạch xây dựng Công viên đại dương tầm cỡ quốc tế. Nếu đưa mấy trăm tàu thuyền vào đó thì sẽ không còn gì công viên nữa. Cũng trong khu vực này có luồng tàu ra vào của khu cảng chiến lược đã được TP quy hoạch nhằm di dời cảng Sông Hàn ra đây. Chưa kể, quanh đó còn phát triển nhiều khu đô thị mới như đã nêu trên.

“Vì vậy việc xây dựng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá mới cần phải cân nhắc kỹ, phải nhìn một cách tổng thể để xác định, chứ không khéo chúng ta được trung tâm nghề cá song lại mất rất nhiều cái nếu chúng ta nghiên cứu không sâu vấn đề này. Cho nên tôi đề nghị nên tạm dừng việc quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá mới ở khu vực vịnh Mân Quang, giao cho các cơ quan, ban ngành của TP tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc một cách cụ thể rồi mới có ý kiến!” – ông Nguyễn Ngọc Tuấn nói.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cũng đồng thuận việc “tạm thời chưa thống nhất vị trí theo đề xuất của Sở NN-PTNT”. Đồng thời ông yêu cầu Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch, Sở NN-PTNT phối hợp với các ngành hữu quan tìm vị trí mới để có chỗ cho ngư dân neo đậu tàu thuyền.

Ông Văn Hữu Chiến nhấn mạnh: “1.800 chiếc nhưng âu thuyền Thọ Quang mới chứa được 1.200 chiếc, mà đó mới là tàu thuyền của ngư dân Đà Nẵng, chưa kể tàu thuyền vãng lai của các tỉnh bạn. Cứ đuổi miết thì họ biết đi đâu? Trong khi đó, định hướng phát triển Đà Nẵng là một trong 5 trung tâm nghề cá của quốc gia, nghĩa là rất lớn. Vậy thì trung tâm này nằm ở đâu?.

Cái này phải nghiên cứu hết sức kỹ, tổng thể, nằm trong một quy hoạch rất đẹp từ sông Hàn ra biển. Nếu làm lơ mơ sẽ phá vỡ hết cảnh quan, phá vỡ hết du lịch và gây ra ô nhiễm môi trường. Mấy chỗ neo đậu tàu thuyền nếu không kiểm soát kỹ thì người ta sẽ xả thải lung tung, gây ô nhiễm cho toàn bộ khu vực. Nhưng cũng phải có chỗ để đậu tàu thuyền. Một bài toán hết sức khó khăn trong điều kiện thực tế của Đà Nẵng. Đề nghị Sở Xây dựng chủ trì nghiên cứu tổng thể vấn đề này một cách tích cực, nhanh chóng!”.

Theo Infornet

Related Articles

Leave a Comment