Home Pháp luậtVăn bản mới Đề án Tăng cường năng lực quản lý chất lượng nông – lâm – thủy sản và muối

Đề án Tăng cường năng lực quản lý chất lượng nông – lâm – thủy sản và muối

by admin

Đề án Tăng cường năng lực quản lý chất lượng nông – lâm – thủy sản và muối giai đoạn 2011-2015, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 809/QĐ-TTg đang được các bộ, ngành và các cấp triển khai. 

Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính phù hợp hệ thống quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nông – lâm – thủy sản và muối theo hướng nâng cao mức độ tự chủ, song song với đảm bảo từ ngân sách nhà nước. Các cơ chế chính sách khuyến khích thúc đẩy xã hội hoá theo hướng mở rộng mô hình hợp tác công tư, khuyến khích đầu tư của các tổ chức xã hội nghề nghịêp, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện các dịch vụ tư vấn, đào tạo, kiểm nghiệm, chứng nhận đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nông – lâm sản và muối cũng sẽ được nghiên cứu. Bên cạnh đó, sẽ hoàn thiện các quy định về thu, nộp và lệ phí quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông – lâm – thủy sản và nghề muối đảm bảo đồng bộ và thống nhất trong toàn quốc.

Đẩy mạnh phân cấp, xã hội hoá công tác kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm đối với nông – lâm – thuỷ sản và muối, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hành chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới, tăng cường hợp tác quốc tế cũng là những giải pháp sẽ được chú trọng được nêu trong Đề án.

Đặc biệt, Đề án đã đưa ra các dự án ưu tiên thực hiện. Đó là các dự án “Đầu tư tăng cường năng lực kiểm nghiệm chất lượng, an toàn thực phẩm nông – lâm –  thủy sản từ Trung ương đến địa phương”; “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin cảnh báo nguy cơ về an toàn thực phẩm nông –  lâm – thủy sản và muối chuyên ngành”; “Tăng cường đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quản lý chất lượng nông – lâm- thủy sản và muối” và Dự án “Tăng cường năng lực phân tích, quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm nông, lâm thủy sản và muối”.

Được biết, nhu cầu kinh phí thực hiện đề án vào khoảng 1.500 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách Trung ương chiếm khoảng 40%, dành ưu tiên đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, các trang thiết bị, công nghệ của các phòng kiểm nghiệm, kiểm chứng, phòng kiểm nghiệm chuyên ngành của cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương; kiện toàn bộ máy hệ thống cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đào tạo, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho các đối tượng công chức, viên chức ở Trung ương và địa phương; nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành.

Nguồn vốn từ ngân sách địa phương chiếm 37% sẽ đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị của các phòng kiểm nghiệm của cơ quan quản lý địa phương… Khoản vốn huy động từ các tổ chức cá nhân sẽ được đầu tư xây dựng các phòng kiểm nghiệm để thực hiện quản lý quá trình sản xuất – kinh doanh hoặc thực hiện theo các hợp đồng dịch vụ tư vấn, chứng nhận về chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật…

Các giải pháp nêu trên sẽ được thực hiện đồng bộ nhằm kiện toàn và nâng cao năng lực của cơ quan quản lý, củng cố và phát triển lực lượng kiểm soát về chất lượng và an toàn thực phẩm nông –  lâm – thuỷ sản và muối từ Trung ương đến các địa phương, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với nông-  lâm – thủy sản và muối, đảm bảo phù hợp với các chuẩn  mực, cam kết quốc tế; đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng tiên tiến, hiện đại phục vụ yêu cầu của công tác quản lý và hội nhập trong giai đoạn mới

                                                                               (Theo baodautu.vn)  

Related Articles

Leave a Comment