Tìm phương cách để người dân định cư lâu dài, bền vững tại các đảo đang được các nhà khoa học tích cực nghiên cứu để vừa phát triển kinh tế vùng đảo xa vừa bảo đảm an ninh quốc phòng trên biển.
Những điểm “vướng”
Trong số hơn 3000 đảo và quần đảo, chỉ một số ít đảo đảm bảo các điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng để người dân có thể sinh sống. Việc nghiên cứu, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng hòn đảo cũng còn bất cập, chưa bám sát thực tế nên việc điều chỉnh chính sách hỗ trợ, đầu tư cho người dân chưa kịp thời.
Mặt khác, Quyết định 193/2006/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006 – 2011 và định hướng 2015” đưa ra mục tiêu, 5 năm di chuyển 75 nghìn hộ (trung bình mỗi năm 15 nghìn hộ) là vượt quá khả năng thực hiện trong tình hình hiện nay trong việc bố trí đất đai và nguồn vốn khi chỉ trông chờ vào ngân sách. Kinh nghiệm thực hiện các dự án di dân, tái định cư vừa qua cho biết, di chuyển cho 3000 hộ ra khỏi vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn là 100 triệu đồng/hộ và 10.000 hộ dân di chuyển đến vùng biên giới, hải đảo (250 triệu đồng/hộ) đã đòi hỏi phải tiêu tốn ít nhất trên 5.000 tỷ. Hiện vốn dành cho công tác di dân, tái định cư trên các đảo mới chỉ đáp ứng được 30 – 40% so với nhu cầu thực tế. Chính vì vậy, tình trạng thiếu vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đền bù đất ở các dự án tái định cư đang là một khó khăn lớn ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả Chương trình.
Hệ thống chính sách, đặc biệt là các văn bản pháp luật hiện hành cũng chưa đề cập đầy đủ các vấn đề liên quan đến đời sống cho dân định cư ở đảo, hải đảo trong các lĩnh vực cần thiết như văn hóa, y tế, sinh hoạt cộng đồng… Tại đa số các đảo, dịch vụ xã hội, đặc biệt là mạng lưới y tế biển đảo còn manh mún, chủ yếu dựa trên cơ trở các trạm quân y, chưa có đầu tư hợp lý… gây tâm lý lo ngại cho người dân có nguyện vọng ra đảo sống, sản xuất và kinh doanh, không tạo được sự hấp dẫn cũng như ổn định của người dân sau khi định cư trên đảo.
Quân và dân cùng xây dựng đảo
Đề tài nghiên cứu cơ sơ khoa học và thực tiễn nhằm định cư tại các hải đảo Việt Nam do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đề xuất và thực hiện đã tìm hiểu thực tiễn cũng như rà soát, đánh giá hệ thống chính sách và thực thi chính sách về định cư cho dân ở hải đảo. Nhóm tác giả đã đề xuất một số định hướng và giải pháp cụ thể cho việc thực thi chính sách di dân ra đảo.
Theo đó phải gắn chặt mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội với việc giữ vững chủ quyền bảo vệ an ninh quốc phong. Cần có chính sách ưu tiên, quy hoạch, bố trí dân cư, sản xuất kinh doanh phục vụ mục tiêu cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cho các đảo, cụm đảo, tiền tiêu, biên giới. Các huyện đảo tiền tiêu cần được ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng và bố trí dân cư phục vụ việc đánh bắt cá và giao thông hàng hải. Các huyện đảo tuyến trong phải tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế và tạo điều kiện tốt phục vụ quốc phòng. Chính sách di dân ra đảo cần được cụ thể hóa phù hợp với từng nhóm đảo, huyện đảo.
Chính sách di dân phải nhất quán với việc định cư, ổn định lâu dài trên đảo nhằm phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Theo đó, xây dựng và hoàn hiện cơ sở hạ tầng trước hết là đường giao thông nội bộ trên đảo, giữa các đảo và đất liền bao gồm đường sá, cầu tàu, bến tàu…, nước sạch, điện và các cơ sở vật chất khác như chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa…khuyến khích đầu tư hỗ trợ vốn, tạo mọi điều kiện cho các ngành, các tổ chức, cá nhân phát triển kinh tế chú trọng ưu tiên các ngành khai thác, chế biến thủy hải sản, dịch vụ.
Người dân định cư trên đảo sẽ được nhận hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước, cùng với thu nhập từ công việc trên đảo, đảm bảo một mức thu nhập tốt hơn công việc tương đương trên đất liền. Ngoài ra việc đưa dân ra đảo cũng được kết hợp bộ đội biên phòng, hải quân, cảnh sát biển trên một số đảo nhằm giữ vững an ninh, trật tự xã hội trên đảo và trên vùng lãnh hải. Xây dựng Chương trình đào tạo kiến thức biển, đảo cho người dân, giúp họ nhận thức rõ hơn về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải để an tâm lao động.
Hy vọng rằng, với sự dày công nghiên cứu và tâm huyết của nhóm tác giả, khi đề tài khoa học này được nghiệm thu và đi vào thực tiễn, sẽ là những đề xuất kiến nghị về chính sách mang tính khoa học, khung pháp lý phù hợp với thực tiễn, phục vụ công tác quản lý cũng như phát triển kinh tế biển, đảo của Tổ quốc một cách bền vững.
K.Liên
Nguồn: Hội HD học