Home Kinh tế biển Đổi thay ở vùng cát ven biển Bình Minh

Đổi thay ở vùng cát ven biển Bình Minh

by admin

Xã vùng cát ven biển Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam vốn là vùng “tâm bão trên đất liền” với 87 ngư dân chết và mất tích trong cơn bão Chanchu tháng 5.2006.

Giờ đây, những làng chài đã phục hồi nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và tấm lòng nhân ái của đồng bào cả nước, trong đó có phần hỗ trợ rất lớn của Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động. Tuy nhiên, dặm trường sóng gió ra khơi vẫn chưa yên ổn, bởi ngư dân Bình Minh vẫn đang đối diện với bao khó khăn chồng chất. Họ cần lắm sự hỗ trợ “đúng tầm” để không chỉ vươn khơi làm kinh tế, mà còn cứu nạn – cứu hộ, góp phần bảo vệ biên cương trên biển của tổ quốc – một đề xuất đột phá về tàu xa bờ “2 trong 1”.
Khó chồng lên khó
Vùng cát Bình Minh đã gượng dậy sau 5 năm kể từ “đại tang” Chanchu. Ngày ấy, cả nước hướng về “tâm bão trên đất liền Bình Minh”, bởi đây là xã bị thiệt hại nặng nề nhất cả về người lẫn của. Đội tàu xa bờ cùng lực lượng ngư dân cốt cán gần như bị “xóa sổ” do bão Chanchu. Lúc đó, cùng với Nhà nước và đồng bào cả nước, Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động đã hỗ trợ tổng cộng hàng tỉ đồng vừa giúp đỡ các gia đình bị nạn và xây trường học cho xã Bình Minh. Vượt lên nỗi đau thương mất mát, Bình Minh đã đứng dậy.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, những nỗ lực của chính quyền và ngư dân Bình Minh vẫn chưa đủ để “đương đầu” với rất nhiều khó khăn đang dội xuống. Ông Trương Công Hùng – Bí thư Đảng ủy xã Bình Minh – cho biết, ở xã có hơn 100 tàu có công suất dưới 45CV khai thác nghề lưới vây. Nghề này có ngư trường cách bờ từ 30 – 40 hải lý, mỗi chuyến ngư dân ra khơi bám biển hàng tháng trời, chi phí hàng trăm triệu đồng. Gần đây, do giá dầu tăng cao và do áp lực của chi phí sản xuất nên họ không dám mở rộng ngư trường, dẫn đến việc khai thác không đạt hiệu quả. Đã có 10 phương tiện nằm bờ, sang nhượng chuyển đổi ngành nghề.
Cần nguồn lực cho đề xuất mới
Đặc biệt, cuộc vươn khơi đánh bắt xa bờ càng cần sự hỗ trợ hiệu quả hơn. Bình Minh hiện có khoảng 400 lao động đánh bắt xa bờ (chủ yếu là câu mực khơi), nhưng hầu hết là “đi bạn” (làm thuê) trên các phương tiện ở các địa phương khác. Việc phát triển đội tàu xa bờ để thu hút lao động địa phương đang là nhu cầu bức xúc của nhiều ngư dân. Tuy nhiên, để đóng mới một tàu câu mực khơi xa bờ đòi hỏi phải có vốn hơn 1 tỉ đồng, trong khi đó theo quyết định của UBND tỉnh (số 20/2010/QĐ-UBND, ngày 8.9.2010) thì tối đa chỉ cho vay hỗ trợ 500 triệu đồng đối với trường hợp đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ.
Các ngư dân Trương Công Chín, Hoàng Thanh Đường, Trần Đình Họp – từng “đi qua” cơn bão Chanchu – thẳng thắn tâm sự: “Muốn thực sự hiệu quả, vươn khơi xa, bám biển dài ngày, an toàn, thì tàu phải lớn, khoảng 200-400CV mới “xinhê”; nhưng vốn hỗ trợ vay chỉ 500 triệu, thì phải đóng tàu nhỏ, thà không vay còn hơn, bởi khó thoát cái vết xe đổ chương trình đánh bắt xa bờ ngày trước. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ để tính chuyện làm ăn lớn, thực sự yên tâm, mạnh dạn vươn khơi. Đó không chỉ là bài toán hiệu quả kinh tế, mà còn là tình yêu biển cả của chúng tôi, những ngư dân quanh năm bôn ba trên vùng biển Đông của đất nước”.
Các ngư dân này đang đề xuất một phương án chưa có tiền lệ, để phát triển đội tàu xa bờ “2 trong 1”: Vừa đánh bắt xa bờ, vừa làm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ, bám biển biên cương. Theo ông Hùng, nếu bây giờ chọn lựa ra một lực lượng “ngư dân tinh nhuệ” sẵn sàng làm nhiệm vụ “2 trong 1”, hỗ trợ họ vay 100% vốn để đóng mới các tàu xa bờ “2 trong 1”, thì xã sẵn sàng bảo lãnh và chắc chắn tàu “2 trong 1” sẽ phát huy hiệu quả. Lý do, họ là những người có kinh nghiệm bám biển, thông thuộc ngư trường, hơn nữa vì được vay vốn ưu đãi nên chi phí mỗi chuyến biển thấp xuống, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn.
“Bình Minh trước mắt cần 2 tàu “2 trong 1”, nhu cầu vốn 2 tỉ đồng, với khoảng 50-60 ngư dân tham gia. Phương án, tâm huyết của ngư dân đều sẵn sàng; nhưng cái “nút thắt” về vốn thì ngoài tầm tay”- ông Hùng nói.
                                                                Theo LĐ

Related Articles

Leave a Comment