Home Kinh tế biển Đưa ngư dân, nông dân đi học nước ngoài

Đưa ngư dân, nông dân đi học nước ngoài

by admin

“Tôi thấy cần cắt giảm tối đa đối tượng là những cán bộ công chức đi nhiều lần mà chẳng đưa ra được đề xuất cải tiến gì được ứng dụng trong thực tế. Thay vào đó, hãy đưa những nông dân, ngư dân lanh lợi, thạo nghề, giỏi “độ” máy móc thiết bị, có khả năng tổ chức sản xuất…đi học hỏi ở các nước tiên tiến”.

 

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 diễn ra ngày 29-12-2014, Thủ tướng nói: “Tôi đề nghị lãnh đạo các bộ, các địa phương khi tính toán đi nước ngoài phải hết sức cân nhắc, hiệu quả, tiết kiệm vì đất nước còn nghèo”.

Hiện nay, hàng năm số lượng các đoàn cán bộ từ các bộ ngành trung ương và địa phương ra nước ngoài công tác bằng tiền ngân sách rất lớn. Theo số liệu được công bố trên báo chí thì năm 2013 có khoảng 2.300 đoàn, năm 2014 số lượng các đoàn trung ương ra nước ngoài giảm khoảng 20% so với năm trước, các đoàn địa phương giảm trên 8%.

Việt Nam đang hội nhập sâu, đã tham gia hàng trăm tổ chức khu vực và quốc tế, vì vậy chuyện các bộ ngành, các tỉnh thành cử các đoàn ra nước ngoài công tác là bình thường. Nhưng người dân đòi hỏi các đoàn được cử ra nước ngoài phải cố gắng học tinh hoa của các nước phát triển, chọn những điều phù hợp với mình để về hiện đại hóa đất nước, từ đó nhanh chóng đuổi kịp các nước, trước mắt là các nước trong khu vực. Cần có tinh thần của Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Lộ Trạch, Bùi Viện khi cử người ra nước ngoài. Làm được như vậy, thì chi phí đi nước ngoài chính là chi đầu tư phát triển chứ không phải chi tiêu hành chính.

Đi nước ngoài để về góp phần đổi mới đất nước

Nông dân và ngư dân Việt Nam lăn xả trên ruộng đồng và bám biển nên luôn có những mong muốn rất cụ thể, thấy được, sờ được, đếm được. Đó là tổ chức sản xuất thật hiệu quả để năng suất lao động ngày càng tăng cao; là bảo quản sản phẩm đúng cách theo yêu cầu ngày càng gắt gao của thị trường, nhất là các thị trường khó tính; là sử dụng thiết bị ít tốn nhiên liệu nhưng vẫn bảo đảm công suất… Đây là các vấn đề kỹ thuật rất cụ thể, người nông dân, ngư dân học hỏi trực tiếp tại môi trường sản xuất thực tế ở nước bạn sẽ hiệu quả hơn là học thông qua cán bộ trong môi trường sản xuất tại Việt Nam.

Năm 2014, để giúp ngư dân nâng cao giá trị con cá ngừ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã nhiều lần sang Nhật nhờ giúp đỡ, sau đó tỉnh cử bốn người,  trong đó hai người là cán bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sang Nhật học rồi về hướng dẫn lại cho ngư dân. “Tuy nhiên, đi học về họ lấy cớ bận công tác quản lý để không ra biển. Họ cử hai cán bộ khác ở Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định đi thay, mà hai người này có được học đâu. Ra biển đã không giúp được gì cho ngư dân, thậm chí còn say sóng”, ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, cho biết (Báo Đất Việt ngày 13-10-2014).

Tóm lại, bố trí ngân sách để đưa nông dân, ngư dân giỏi, năng động đi học hỏi ở nước ngoài rồi họ về hướng dẫn lại cho những nông – ngư dân khác là một hướng quan trọng để đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

(Theo TBKTSG)

Related Articles

Leave a Comment