Home Bạn đọc viết Giám sát và phản biện thực chất chứ không làm hời hợt bên ngoài

Giám sát và phản biện thực chất chứ không làm hời hợt bên ngoài

by admin

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Chủ tịch Hội Khoa hoc Kỹ thuật và Kinh tế Biển TP. HCM khẳng định: “Mặt trận nói tiếng nói của nhân dân để làm sao cho đất nước thực sự phát triển bền vững”.

Ông Lê Kế Lâm

Ảnh: Hoàng Long

1. Có nhiều bạn bè cùng nghỉ hưu như tôi đôi khi cho rằng những ý kiến góp ý nói mãi người ta không nghe thì bây giờ nói làm gì. Riêng tôi thì nghĩ, cần phải kiên trì nói vì người nói có quyền có trách nhiệm của người nói và người nghe cũng có quyền và trách nhiệm của người nghe. Do đó, người nghe cũng phải có chọn lọc. Trong việc chọn lọc nghe ấy thấy cái gì tiếp thu được thì họ sẽ tiếp thu. Do đó, người nói cũng cứ mạnh dạn nói hết nhưng cũng đừng hi vọng mình nói ra là người ta nghe hết cả.  

Bởi thế, trong giám sát – phản biện xã hội đòi hỏi đức tính của người làm giám sát – phản biện đó là sự trung thực, thẳng thắn và mạnh dạn, nhưng không vạch lá tìm sâu mà phải đi vào cốt lõi của đường lối chính sách có lợi cho đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII MTTQ Việt Nam là “Mặt trận là người phản biện sắc sảo, chân tình”. Tôi nghĩ rằng nên như vậy. Trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam 2013 có chương nói về quyền con người rất rõ. Nhưng làm thế nào để thực thi được quyền con người theo Hiến pháp, đòi hỏi Mặt trận phải tham gia vào, vì Mặt trận đại diện cho quyền lợi của nhân dân, phải bảo vệ quyền lợi cho nhân dân và tạo điều kiện cho họ đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Ngày xưa ông cha ta đã nói “quốc gia lâm nguy thất phu hữu trách”, thì đó là trách nhiệm của toàn dân đối với xã hội. Và như vậy, làm thế nào để cho thất phu hữu trách? Cái đó Đảng, Nhà nước phải phát huy được sức lực, trí tuệ và tin tưởng nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Tôi nghĩ rằng, đất nước ta có đặc thù mặt hướng ra biển, lưng dựa Trường Sơn. Chúng ta có bờ biển dài hơn 3.000 km, theo Luật Biển quốc tế và theo tập quán của nước ta, chúng ta có một vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng gấp 3 lần đất liền. Vậy thì trách nhiệm bảo vệ biển đảo là trách nhiệm của toàn dân. Mặt trận cần phải có tiếng nói, Mặt trận cần phải hiến kế để đưa sự nghiệp phát triển kinh tế biển đảo, bảo vệ chủ quyền biển đảo và bảo vệ môi trường biển đảo lên một tầm vóc mới. Cái đó có phần trách nhiệm của Mặt trận. Phải huy động sức mạnh tổng lực của mọi người dân Việt Nam, đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài chúng ta mới bảo vệ được chủ quyền đất nước.

Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam. Một phần những quần đảo ấy đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Bây giờ họ ra sức xây dựng ở đó để phát triển kinh tế, quốc phòng của họ. Cái này mình phải đấu tranh, còn làm thế nào để lấy lại là công việc rất lớn của cả đất nước, cả dân tộc. Đấu tranh trong vấn đề Biển Đông không phải chỉ vì quyền lợi của nước ta, thế giới đứng bên chúng ta vì đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam còn là đảm bảo cho môi trường Biển Đông hòa bình, tạo điều kiện để Biển Đông yên ổn, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trên biển. 

3. Nói đến biển đảo không chỉ có việc bảo vệ biển. Hai nhiệm vụ chiến lược của đất nước ta là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như vậy trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có rất nhiều việc phải làm, trong đó có xây dựng phát triển kinh tế. Trong chiến lược phát triển kinh tế đến 2020, kinh tế biển chiếm 50 – 53% GDP. Như vậy nếu đến năm 2020 chúng ta có trên 200 tỉ đô la GDP chẳng hạn, thì 53% là có trên 100 tỉ đô la rồi… Có thể thấy, việc đó hết sức to lớn mà phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển là rất quan trọng. Kinh tế biển không chỉ đơn thuần là khai thác tài nguyên biển mà chúng ta phải nhân lên tiềm năng từ biển. Kinh tế biển có rất nhiều ngành nghề vì thế nếu có chiến lược phát triển sẽ đưa GDP đi lên, đi kèm với đó là đời sống nhân dân cũng phải được nâng lên, môi trường sống phải được tốt hơn và bảo vệ được những nguồn lợi biển của chúng ta, đảm bảo để ngư dân Việt Nam có quyền khai thác trên ngư trường của mình…

 Chúng ta phải có lực lượng để thể hiện quyền quốc gia trên biển. Khai thác chỉ là một phần, thậm chí cần phải phát triển những đô thị biển tầm vóc, phát triển các tiềm năng lớn khác theo nhiều hướng khác. Hiện nay chúng ta đã làm nhưng chưa có chiến lược dài hạn và tổng quát mà theo tôi là rất đang manh mún, mạnh ai người ấy làm. Từng địa phương làm theo kiểu riêng. Đó cũng là sáng tạo nhưng trong cái sáng tạo đó là phải theo một quy hoạch chung, chiến lược chung của đất nước. Tôi nghĩ rằng vai trò của Nhà nước, của Chính phủ phải đặc biệt quan tâm vấn đề bảo vệ chủ quyền biển và đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. 

4. Chúng ta nhớ lại thời điểm trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 – khi nhân dân đang ở trong xiềng xích của chủ nghĩa thực dân, nhưng nhờ đường lối sáng suốt, đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam cho nên chúng ta đã tập hợp được, lôi cuốn được đại bộ phận nhân dân Việt Nam làm Cách mạng, lúc đó cả nước có khoảng 25 triệu người. Bây giờ trình độ nhân dân đã khác xa so với thời điểm ấy, dân trí cao hơn nhiều, điều kiện phát triển tốt hơn rất nhiều nhưng trong hoàn cảnh ngày nay việc kêu gọi đại đoàn kết lại khó hơn ngày xưa. Vậy nên việc tập hợp đoàn kết nhân dân ngày nay phải có phương thức mới phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Đừng dùng những hình thức cũ mà phải thực sự đi vào lòng người, đi vào các tầng lớp nhân dân để kêu gọi sự cống hiến vì dân, vì nước của họ. Tôi nghĩ rằng, chúng ta có đủ niềm tin vào nhân dân, sức mạnh của nhân dân là vô bờ!

Muốn có niềm tin của nhân dân, muốn lòng dân không suy giảm thì Đảng, Nhà nước phải làm thế nào cho thật trong sạch bộ máy. Như hồi kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tất cả đồng cam cộng khổ, chiến đấu như nhau, hi sinh như nhau thì người ta sẽ tin và góp sức cùng các nhà lãnh đạo đưa đất nước đi lên. Để xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, giám sát và phản biện của Mặt trận phải góp một phần quan trọng. Giám sát, phản biện phải làm một cách thực chất chứ không phải hời hợt bên ngoài. Làm hời hợt bên ngoài thì người ta nói vài câu là xong. Quan trọng là phải làm thế nào thực chất, phát huy trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Lần đầu tiên tôi tham gia vào Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tôi sẽ cố gắng góp sức mình, trí tuệ của mình, tiếng nói của mình trong Mặt trận về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển. Trước hết phải khẳng định chủ quyền của nhân dân Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa, thềm lục địa cũng như vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và phải làm thế nào bảo vệ cho được chủ quyền của mình.

Để xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, giám sát và phản biện của Mặt trận phải góp một phần quan trọng. Giám sát, phản biện phải làm một cách thực chất chứ không phải hời hợt bên ngoài. Làm hời hợt bên ngoài thì chỉ cần nói vài câu là xong. Quan trọng là phải làm thế nào thực chất, phát huy trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. 

Theo ĐĐK

Related Articles

Leave a Comment