Trong phiên họp toàn thể tại hội trường ngày 29-10 vừa qua, thừa sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trình bày Tờ trình Dự án Luật Giáo dục quốc phòng -an ninh (QP-AN) trước Quốc hội khóa XIII.
Tạo ra những bước phát triển trong giáo dục QP -AN
Sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục QP -AN, bên cạnh việc đạt được những kết quả quan trọng như đã tạo sự chuyển biến tích cực; nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên các cấp, các ngành, học sinh, sinh viên và các đối tượng khác về giáo dục QP -AN được nâng lên…, thì công tác này còn bộc lộ một số khuyết điểm, yếu kém. Cụ thể như việc quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục QP -AN có nơi chưa sâu, chưa đầy đủ, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ chủ chốt về công tác giáo dục QP -AN chưa toàn diện; cá biệt một số bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp còn xem nhẹ công tác này, vì vậy việc tổ chức thực hiện còn hạn chế, thiếu toàn diện, chất lượng không cao. Đại tướng, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: Công tác bồi dưỡng kiến thức QP -AN cho các đối tượng thuộc các bộ, ngành Trung ương chưa được quan tâm đúng mức. Giáo viên, giảng viên giáo dục QP -AN thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, phương pháp tổ chức thực hiện còn hạn chế; thiết bị dạy học, cơ sở vật chất bảo đảm cho môn học còn thiếu, chất lượng môn học giáo dục QP -AN cho học sinh, sinh viên có nơi còn thấp. Giáo dục QP -AN toàn dân chưa thường xuyên, chưa rộng khắp. Một số cơ quan thông tấn, báo chí chưa đầu tư thích đáng cho công tác tuyên truyền về QP -AN.
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp Quốc hội sáng 29-10 vừa qua. Ảnh: TTXVN |
Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giáo dục QP -AN của ủy ban QP -AN của Quốc hội, thực tiễn đang tồn tại những bất cập làm hạn chế chất lượng, hiệu quả giáo dục QP -AN. Tình hình đó do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là công tác quản lý nhà nước về giáo dục QP -AN chưa theo kịp với sự vận động của thực tiễn. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về giáo dục QP -AN thiếu đồng bộ, thống nhất, tính pháp lý chưa cao, chưa toàn diện; việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện còn chậm, một số nội dung thiếu rõ ràng gây khó khăn trong thực hiện.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời thể chế hóa kịp thời quan điểm chỉ đạo của Đảng về “đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục đào tạo”, thì việc ban hành Luật Giáo dục QP -AN là cần thiết.
Bồi dưỡng kiến thức QP -AN là yêu cầu bắt buộc đối với cán bộ, công chức
Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật Giáo dục QP -AN gồm 6 chương, 42 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, mục tiêu, nguyên tắc, chính sách của nhà nước, quyền, trách nhiệm của công dân về giáo dục QP -AN, các hành vi bị cấm… Ngoài Chương I: “Những quy định chung”, còn có các chương: Chương II: “Giáo dục quốc phòng – an ninh trong nhà trường”; Chương III: “Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh”; Chương IV: “Phổ biến kiến thức quốc phòng – an ninh”; Chương V: “Bảo đảm cho hoạt động giáo dục quốc phòng – an ninh”; Chương VI: “Điều khoản thi hành”.
Liên quan đến những nội dung cụ thể, trong Chương II: “Giáo dục quốc phòng – an ninh trong nhà trường”, đã quy định về nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục QP -AN cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, cho học sinh, sinh viên từ trung học phổ thông đến đại học, cho học viên trong các trường cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.
Để phù hợp với lứa tuổi, trình độ nhận thức và yêu cầu giáo dục QP -AN, Dự thảo Luật quy định, đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở, giáo dục QP -AN được thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học để hình thành những cơ sở, hiểu biết ban đầu về quốc phòng, an ninh, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, công an nhân dân, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc; ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, yêu Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đối với các trường trung học phổ thông; trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng, đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, giáo dục QP -AN được xác định là môn học chính khóa trong chương trình giáo dục. Dự thảo Luật xác định nội dung cơ bản giáo dục QP -AN cho từng loại đối tượng.
Trong Chương III: “Bồi dưỡng kiến thức QP -AN” quy định về đối tượng, nội dung, phương pháp bồi dưỡng kiến thức QP -AN cho đối tượng trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, người quản lý doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo; chế độ, quyền lợi đối với đối tượng bồi dưỡng kiến thức QP -AN.
Trong Dự thảo Luật cũng quy định rõ các nhóm đối tượng bồi dưỡng kiến thức QP -AN. Theo đó, đối với cán bộ trong các cơ quan, tổ chức nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, Chính phủ thấy rằng, việc bồi dưỡng cho các đối tượng này không chỉ nhằm mục tiêu giáo dục QP -AN nói chung, mà còn góp phần nâng cao năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ QP -AN theo vị trí, lĩnh vực được phân công phụ trách. Từ thực tiễn kiểm nghiệm, Dự thảo Luật quy định bồi dưỡng kiến thức QP -AN là yêu cầu bắt buộc đối với cán bộ, công chức, viên chức quản lý, kết quả bồi dưỡng là một trong những tiêu chí để xem xét bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức nhà nước.
“Luật hóa” việc bồi dưỡng kiến thức QP -AN với doanh nhân, chức sắc các tôn giáo
Với nhóm đối tượng là người quản lý ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, Tờ trình Dự án Luật của Chính phủ xác định, doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có vị trí quan trọng của nền kinh tế – xã hội, là yếu tố góp phần chuyển dịch các cơ cấu của nền kinh tế quốc dân, góp phần cung cấp dịch vụ công cho xã hội. Việc bồi dưỡng kiến thức QP -AN cho các đối tượng này là cần thiết.
Về việc bồi dưỡng kiến thức QP -AN cho chức sắc các tôn giáo, Tờ trình của Chính phủ xác định, Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo. Trên toàn quốc hiện nay có 13 tôn giáo, 33 tổ chức tôn giáo được chính quyền công nhận với hơn 20 triệu tín đồ, trong đó có khoảng 6, 4 vạn chức sắc, nhà tu hành. Chức sắc, nhà tu hành có vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của các tín đồ tôn giáo. Qua bồi dưỡng kiến thức QP -AN, các chức sắc, nhà tu hành sẽ nắm được kiến thức QP -AN và tạo sự đồng thuận đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trên thực tế, việc bồi dưỡng kiến thức QP -AN cho đối tượng này trong thời gian qua đã được triển khai ở 56 tỉnh, thành phố đều cho thấy kết quả tích cực và ổn định (tính đến 30-6-2012, đã bồi dưỡng được 34.385/63.466 chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo). Dự thảo Luật quy định theo hướng Nhà nước tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP -AN cho chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo với nội dung và hình thức thích hợp và đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện, thẩm quyền triệu tập bồi dưỡng kiến thức QP -AN cho đối tượng trên.
Theo Báo cáo thẩm tra Dự án luật của ủy ban QP -AN của Quốc hội, đa số ý kiến trong ủy ban đề nghị Dự thảo Luật cần bổ sung quy định cụ thể và chặt chẽ về yêu cầu, nội dung, hình thức và cơ chế tổ chức hoạt động xã hội hóa theo hướng thu hút sự tham gia rộng rãi của cơ quan, tổ chức và cá nhân nhằm huy động tổng hợp nguồn lực xã hội cho công tác này, đề cao trách nhiệm công dân tự giác học tập và thực hiện nhiệm vụ QP -AN, hạn chế những quy định mang tính hành chính bắt buộc.
Đặc biệt, tờ trình đề cập đến nội dung cụ thể, được quy định tại khoản 1 (Điều 16): “Nhà nước tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP -AN cho chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo với nội dung và hình thức thích hợp”. Qua thảo luận, có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của dự thảo Luật. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, quy định bồi dưỡng kiến thức QP -AN cho chức sắc, nhà tu hành tôn giáo cần được cân nhắc để bảo đảm tính khả thi. Có ý kiến đề nghị bổ sung “già làng”, “trưởng bản” vào Điều này. Đa số ý kiến trong ủy ban QP -AN của Quốc hội cho rằng, chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo, già làng, trưởng bản là những người có ảnh hưởng rất lớn trong cộng đồng dân cư, nếu tham gia vào công tác phổ biến kiến thức QP -AN cho toàn dân sẽ có tác dụng tích cực. Tuy nhiên, việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP -AN cho chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo mới thực hiện thí điểm trong thời gian ngắn ở một số địa phương, chưa đủ điều kiện để đánh giá một cách toàn diện. Vì vậy, Dự thảo Luật nên quy định chung theo hướng Nhà nước thực hiện bồi dưỡng kiến thức QP -AN đối với những người có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng dân cư, còn cụ thể sẽ do Chính phủ quy định tùy theo tình hình thực tế.
“Trong quá trình xây dựng Dự án Luật Giáo dục QP -AN, Chính phủ đã chỉ đạo tổng kết thực tiễn 10 năm thực hiện công tác giáo dục QP -AN (2001-2010) từ cơ sở đến Trung ương; tiến hành nghiên cứu, tổng hợp các văn bản pháp luật có liên quan; nghiên cứu các đề tài khoa học, chuyên đề, bài viết, tài liệu, báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà quản lý về giáo dục QP -AN. Tổ chức khảo sát tại các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, các quân khu, các học viện nhà trường. Tổ chức nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm giáo dục quốc phòng của một số nước: Nga, ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc”. (Nguồn: Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Giáo dục QP -AN) |