Cuối năm là thời điểm các phương tiện đường thủy phục vụ du lịch và vận chuyển hàng hóa ở ĐBSCL vào mùa cao điểm. Tuy nhiên, hàng ngàn phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không dụng cụ cứu sinh, người điều khiển không có chứng chỉ chuyên môn vẫn ngày đêm hoạt động “chui”, thiếu an toàn đang là nỗi lo chung của các địa phương.
Sợ đò “chui”, ớn du thuyền
Là trung tâm vùng ĐBSCL nên vào thời điểm này lượng khách tham quan, du lịch về TP Cần Thơ khá đông. Hầu hết khách đến Cần Thơ đều chọn những tour tham quan sông nước miệt vườn như chợ nổi hay lênh đênh trên những nhà hàng nổi, du thuyền, vừa thưởng thức ẩm thực vừa nghe đờn ca tài tử. Nắm bắt nhu cầu đó, các phương tiện phục vụ du lịch và du thuyền ở Cần Thơ ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, trong số các phương tiện đang hoạt động có rất nhiều phương tiện “4 không” (không đăng ký, đăng kiểm, không bằng chứng chỉ chuyên môn, không dụng cụ cứu sinh…); còn các du thuyền, nhà hàng nổi cũng chưa đảm bảo an toàn và không có những phương án dự phòng khi xảy ra sự cố.
Nhắc đến nhà hàng du thuyền, nhiều người ở Cần Thơ vẫn còn “run” khi nhớ lại vụ chìm nhà hàng nổi Mỹ Khánh vào ngày 8-1-2011, khi 225 thực khách đang ăn tất niên. Tai nạn bất ngờ đã khiến những người có mặt trên du thuyền hoảng loạn xô đẩy, chen lấn để thoát thân. Rất may, nhà hàng neo đậu gần bờ nên chỉ có 2 người bị thương, những thực khách còn lại được ứng cứu kịp thời. Qua xử lý, cơ quan chức năng phát hiện phương tiện này chưa đăng ký, chưa được cấp phép hoạt động nhưng vẫn nhận tổ chức tiệc hoành tráng.
Theo thượng tá Nguyễn Hữu Lập, Phó Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy Công an TP Cần Thơ, hiện nay các du thuyền, nhà hàng nổi trên sông chính là những phương tiện tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Đáng lo ngại nhất là chiếc du thuyền của Công ty CP Du lịch Cần Thơ hoạt động ở khu vực bến Ninh Kiều. Chiếc du thuyền này có 3 tầng, trước đây được cấp phép với sức chứa 400 người nhưng không hiểu sao trong lần đăng kiểm gần đây lại được phép tăng số lượng lên 600 người. Ông Lập lo lắng: “Du thuyền Cần Thơ luôn rất đông khách, nhất là khách ở xa; lại xuất bến vào ban đêm chạy trên sông Hậu. Trường hợp có xô xát, hoặc la hét báo tin giả khiến thực khách hoảng loạn, hậu quả sẽ rất khó lường. Vì vậy chúng tôi đang xem xét lại giờ xuất bến của chiếc du thuyền này”.
Tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang hiện cũng có khá nhiều nhà hàng nổi du thuyền; trong đó phải kể đến những du thuyền của nhà hàng Hai Lúa. Theo một nhân viên, gọi là du thuyền cho “sang”, thực chất chỉ là những chiếc trẹt (loại phà nhỏ) gắn động cơ và trang hoàng, bắc bàn ghế thành nhà hàng nổi. Tương tự, ở Tiền Giang, Vĩnh Long hiện cũng có hàng chục nhà hàng nổi, du thuyền hoạt động trên sông Tiền, lúc nào cũng nườm nượp khách.
Ngoài nỗi lo du thuyền, ở bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) hay các tỉnh Tiền Giang, Cà Mau, An Giang, Hậu Giang hiện còn có hàng ngàn phương tiện tàu, ghe làm du lịch hoặc đưa rước khách “chui”; nhiều nhất là đò chèo có gắn máy, ghe chở rau quả, chuyển công năng sang chở khách… Đây là những phương tiện, ngành chức năng không thể quản lý.
Thực tế đã có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến những phương tiện “chui” này. Tháng 3-2009, trên sông Cần Thơ, chiếc tàu du lịch chở 12 khách nước ngoài tham quan chợ nổi Cái Răng bất ngờ đụng phải sà lan tải trọng lớn đang lưu thông làm 2 người chết. Thực chất chiếc tàu này là một vỏ lãi cũ kỹ, được sơn phết và trang bị mái che, băng ghế sơ sài, không biển số, tài công không bằng lái, phương tiện không có giấy đăng ký, đăng kiểm…
Kiểm đâu, sai đó
Anh Tài, chủ một tàu du lịch tại Cần Thơ, cho biết: “Trước khi xuất bến đưa khách đi tham quan phải trình giấy tờ đàng hoàng. Quy định tàu này chở 12 người và phải trang bị đầy đủ áo phao”. Tuy nhiên, tất cả áo phao trên tàu của anh Tài đều được “giấu” kỹ trong giỏ để phía sau tàu. Ở những tàu khác, áo phao được cột chặt trên nóc tàu hoặc dưới gầm ghế. Trường hợp sự cố xảy ra, hành khách không thể nào kịp lấy áo phao mặc vào. Thượng tá Nguyễn Hữu Lập cho biết theo quy định, không có chế tài xử phạt người đi đò không mặc áo phao nên chỉ tuyên truyền vận động là chính. Hơn nữa, người chạy đò “chui” đa số là lao động nghèo và thu nhập chính của họ từ việc chở khách nên khi kiểm tra cơ quan chức năng thường chỉ nhắc nhở.
Trong năm 2011, cảnh sát đường thủy, Công an TP Cần Thơ kiểm tra 5.390 trường hợp thì có đến gần 4.000 trường hợp bị lập biên bản xử phạt hành chính; 369 trường hợp bị nhắc nhở; tổng số tiền xử phạt lên đến trên 3,6 tỷ đồng. Lỗi vi phạm chủ yếu là chở quá tải và phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, người lái không chứng chỉ chuyên môn.
Đối với du thuyền, nhà hàng nổi, qua kiểm tra 19 phương tiện cơ quan chức năng đã lập biên bản 5 phương tiện có phòng nghỉ qua đêm hoạt động trên tuyến sông Hậu, trong đó có 2 phương tiện chở từ Tiền Giang. Các du thuyền này mắc lỗi không giấy phép kinh doanh, không đăng ký dịch vụ cho khách nghỉ qua đêm (lưu trú ngắn hạn) và không trang bị dụng cụ cứu sinh…
Năm 2011, Cảnh sát đường thủy Đồng Tháp đã xử phạt 14.768 trường hợp vi phạm an toàn giao thông thủy, trong đó lỗi chủ yếu vẫn là chở quá tải, quá số người quy định; người điều khiển phương tiện không bằng lái, phương tiện không đăng ký đăng kiểm hoặc đã hết hạn.
Năm 2011, tại Cà Mau có đến 25 vụ tai nạn đường thủy, làm chết 21 người, bị thương 9 người, tăng 78,6% về số vụ, tăng 40% về số người chết so với năm 2010. Hiện Cà Mau có khá nhiều phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm nhưng vẫn hoạt động công khai, phổ biến nhất là những loại phương tiện nhỏ có công suất máy từ 5 – 15 CV.
Theo Trung tâm Đăng kiểm thủy nội địa Sở GTVT tỉnh Cà Mau, tính từ năm 2007 đến nay, cơ quan đăng kiểm thực hiện việc kiểm tra được trên 37.400 phương tiện trên tổng số gần 94.000 phương tiện đang hoạt động, bình quân chỉ đạt khoảng 39%. Đáng ngại là rất nhiều phương tiện tự phát, thiếu an toàn ở Cà Mau, An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ hàng ngày vẫn vô tư đưa rước học sinh.
Từ thực tế trên cho thấy, ý thức người dân khi tham gia lưu thông còn chủ quan và khâu quản lý ở nhiều địa phương lỏng lẻo. Vì vậy đường thủy nội địa ở ĐBSCL vẫn là những điểm nóng thường xuyên xảy ra những vụ tai nạn chết người. Giải quyết vấn nạn này, đòi hỏi phải có sự chung tay của cả xã hội, trong đó chủ phương tiện đóng vai trò hết sức quan trọng.
Theo SGGP