Home Đời sống Hà Nội đã từng có một tượng Thần Tự do trên nóc Tháp Rùa

Hà Nội đã từng có một tượng Thần Tự do trên nóc Tháp Rùa

by admin

Ít người biết rằng, Hà Nội- Thủ đô của Việt Nam cũng đã từng có một tượng Thần Tự do giống hệt như tượng Thần Tự do ở New York, nhưng với kích thước nhỏ hơn.  

Khi trao tặng tượng Thần Tự do khổng lồ cho nước Mỹ, người Pháp có giữ lại cho mình một phiên bản nhỏ (cao 11m), cũng bằng đồng, đặt cạnh chiếc cầu bắc qua sông Seine. Đồng thời cũng có một phiên bản khác nhỏ hơn nữa (chiếm tỷ lệ 1/16 của pho tượng chính, tức khoảng 2,85m) đưa sang triển lãm năm 1887 tại Hội chợ Đấu xảo Hà Nội (nay là Cung Văn hoá Hữu nghị). Triển lãm xong, pho tượng Thần tự do này được tặng cho Hà Nội và được dựng tại vị trí vườn hoa Cửa Nam, sau một vài lần dịch chuyển.

Khi làm pho tượng tặng cho nước Mỹ, Bartholdi đã khéo léo giải quyết vấn đề giãn nở của kim loại qua tấm váy loè xoè của pho tượng. Người Hà Nội lúc ấy không quan tâm đến lịch sử của pho tượng mà chỉ gọi là tượng Bà đầm xoè.

Cho tới nay người ta mới chỉ biết đến tượng Bà đầm xoè đặt ở vườn hoa Cửa Nam trước Cách mạng tháng Tám. Vào cuối thế kỷ XIX, trước khi người Pháp cho chuyển pho tượng này đến đây, chỗ ấy là Quảng Văn Đình, nơi triều đình nhà Nguyễn cho tụ họp mọi người đến nghe giảng về các chủ trương, thông báo của Triều đình. Khi đưa tượng Bà đầm xoè sang đây, nơi này đã biến đổi. Người ta có câu ca:

Nhớ Quảng Văn Đình tớ đến nghe

Câu Kê chẳng thấy, thấy Đầm xoè

Thập điều bặt tiếng ê a giảng

Choáng óc kèn tay rúc ti toe…

Thế nhưng ít người biết rằng trước khi được chuyển vườn hoa Cửa Nam, tượng Đầm xoè còn có một vài lần dịch chuyển khác, và nó đã từng được đặt trên nóc Tháp Rùa.

Số là sau khi đưa pho tượng phiên bản thu nhỏ, cao chừng 2,85m, bày ở Triển lãm Đấu xảo Đông Dương tại Hà Nội năm 1887, pho tượng được đặt ở vườn hoa trước cửa nhà Ngân hàng Đông Dương, tức vườn hoa Chí Linh, nơi đặt tượng Lý Thái Tổ bây giờ. Dịp Quốc khánh nước Pháp 14/7/1890, Chính phủ Bảo hộ muốn đặt tượng Pôn Be (Paul Bert) là Thống sứ đầu tiên của Nhà nước bảo hộ, chết năm 1886 ở Hà Nội. Người Pháp lấy chỗ của tượng Thần Tự do để làm chỗ cho tượng Pôn Be. Vậy là phải tìm chỗ khác để đặt tượng Thần Tự do. Có ý kiến đề xuất là đặt ở chỗ Ga xe điện Bờ Hồ trước đây, nay là đài phun nước nhà Thuỷ Tạ và đầu phố Hàng Đào.

Nhưng một kỹ sư Daurelle đề nghị đặt ngay trên nóc Tháp Rùa mà người Pháp gọi là Ngôi đền nhỏ hay Quy Sơn Tháp. Chi tiết này được viết rất rõ trong cuốn “Bắc kỳ xưa” của Claude Bourin, viết về xứ Bắc Kỳ trong các giai đoạn từ 1890 đến 1894 (nhà in IDEO, Hà Nội, 1941, tr. 48 – 49). Lúc ấy báo chí Pháp thảo luận rất nhiều về vị trí đặt pho tượng này. Có nên đặt nó trên nóc Tháp Rùa không? Và nếu đặt thì tượng Thần Tự do sẽ quay mặt về hướng nào? Cuối cùng thì tượng Thần Tự do vẫn được đặt trên nóc Tháp Rùa, mặt quay về vườn hoa Paul Bert, tức quay về tượng Lý Thái Tổ bây giờ, và lưng quay về phía Nhà thờ Lớn.

Có 2 tấm hình trong cuốn sách “Bắc Kỳ xưa” minh hoạ cho điều đó. Hình thứ nhất là toàn cảnh Hồ Gươm, nhìn từ phía tượng Pôn Be, cho thấy Tháp Rùa, trên có tượng Thần Tự do. Hình thứ hai là hình Thần Tự do, do Césard vẽ, phía sau có nhà thờ Lớn, với ghi chú Liberté sur le Pagodon du Petit – Lac à Hanoi (Tượng Tự do trên nóc Tháp Rùa ở Hà Nội). Điều này cho thấy ít nhất Tượng Thần Tự do cũng đã nằm trên nóc Tháp Rùa trong 6 năm, từ 1891 đến 1896, trước khi được chuyển về vườn hoa Cửa Nam và mang tên “Bà Đầm xoè”. Ngoài ra còn một số ảnh khác nữa chứng minh cho điều trên.

Năm 1945, trước khi cách mạng tháng 8 nổ ra, ngày 31/7/1945, thị trưởng Hà Nội của Chính phủ Trần Trọng Kim lúc ấy là Trần Văn Lai, có lẽ đã không biết đến ý nghĩa lịch sử của pho tượng, nên đã liệt “Bà Đầm xoè” vào số những tàn tích nô lệ của thực dân Pháp và đã ký lệnh cho giật đổ pho tượng này cùng một số tượng khác, trong đó có tượng Pôn Be.

Tượng Thần Tự do là một công trình nghệ thuật và kiến trúc tuyệt đẹp của nước Pháp tặng cho nước Mỹ nhân dịp kỷ niệm 100 năm bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ. Chúng ta khó mà ngờ rằng Hà Nội đã thực sự có một phiên bản thu nhỏ của pho tượng, và nó đã từng đứng trên nóc Tháp Rùa.

                                                                    Nguyễn Phúc Giác Hải (theo VOV)

  

Related Articles

Leave a Comment