Home Bạn đọc viếtViết bài HẠT GẠO VIỆT NAM

HẠT GẠO VIỆT NAM

by admin

Dân tộc Việt trải qua gần 4.000 năm dựng nước, giữ nước và phát triển đi lên, chủ yếu dựa vào nền Nông nghiệp. Trong Nông nghiệp lấy việc trồng lúa nước làm đầu. Câu thành ngữ “Thực túc binh cường” được đúc kết từ thực tế khách quan của quá trình đấu tranh đó.  

Ngày nay, khi đất nước ta bước vào thế kỷ XXI, trong tư thế một đất nước “Hoà bình – Thống nhất – Độc lập – Tự do” đã từng bước hội nhập với thế giới, đã tham gia WTO từ năm 2003. Kinh tế Việt Nam nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng đã có bước phát triển khá nhanh và đạt được thành tựu đáng nể, tuy rằng chưa thật bền vững và đồng đều trên nhiều ngành, nghề và toàn lãnh thổ.

Trong bài viết này xin chỉ dành cho hạt gạo Việt Nam, mà chủ yếu là hạt gạo của vựa lúa số một nước ta – Đồng bằng Sông Cửu Long nổi tiếng. Diện tích trồng lúa của cả nước: 6,5986 triệu ha, Đồng bằng sông Cửu Long có 3,3079 triệu ha, bằng 50,13% của cả nước (sách Nam bộ xưa và nay tr.84). Sản lượng lúa Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm gần 52% của cả nước (Năm 2011 dự kiến đạt gần 22triệu tấn/ 41 triệu tấn của cả nước). Nghĩ lại thời kỳ những năm của thập kỷ 80 thế kỷ XX (1980 – 1989) trở về trước năm nào cũng thiếu lương thực, đồng bào miền Bắc và miền Trung đến kỳ giáp hạt là nháo nhác vì miếng ăn (riêng năm 1988 nước ta còn phải nhập khẩu 450 ngàn tấn gạo). Thế mà đến năm 1990 ta đã xuất khẩu được hơn 1,6 triệu tấn gạo và năm 2011 này dự kiến xuất khẩu hơn 7 triệu tấn, ĐBSCL chiếm hơn 2/3 số gạo xuất khẩu đó.

Bên cạnh việc xuất khẩu gạo, ta vẫn giữ đựơc “An ninh lương thực” khá bền vững, mặc dầu năm nào trên cả nước các vùng miền thay nhau hứng chịu nhiều thiên tai như: bão, lũ, hạn hán, nước mặn xâm nhập nội đồng, sâu bệnh bất thường… Hơn ba chục năm qua đất nước trong cảnh “An bình – Phát triển” có thể nói công đầu là từ nền nông nghiệp, mà sản lượng lúa mỗi năm một tăng (từ 3 – 5%) lại là công đầu của công đầu đó. Tiền nhân đã từng đúc kết: “Cơ hàn sinh đạo tặc”, thật thế, nếu dân đói, rét thì xã hội sẽ chẳng còn bình an, loạn lạc sẽ nổi lên khắp nơi, xã tắc lâm nguy từ đấy.

Nho gia đã từng viết “Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi tiên”, Bác Hồ kính yêu của chúng ta vận dụng triết lý đó đã từng nói: “Nước phải lấy dân làm gốc, bao nhiêu quyền lợi phải dành cho dân”. Có người nói: “làm nông nghiệp không giàu được” điều đó chỉ đúng một nửa. Nếu chỉ dựa vào thuần nông thì không giàu được, nhưng trên cơ sở nông nghiệp phát triển để giữ cho xã hội “An bình”, “lòng dân đồng thuận” đó là cái gốc của “xã tắc”. Rồi từ Nông nghiệp phát triển đi lên toàn diện, vững chắc, đưa khoa học – công nghệ vào Nông nghiệp và tất cả các ngành nghề phụ trợ đi theo Nông nghiệp như: cơ khí nông nghiệp; chế biến sản phẩm nông nghiệp (vô cùng đa dạng, phong phú); sinh học nông nghiệp; du lịch nông thôn – sinh thái; năng lượng nông nghiệp (rất đa dạng và giàu tiềm năng)…và rất nhiều những ngành nghề “ăn theo” và phục vụ Nông nghiệp khác mà không thể kể hết trong một bài viết ngắn này.

Cũng xin nói thêm một chút: sản phẩm nông nghiệp mà trước hết là hạt gạo, loại hạt mà đời nào, người nào, lúc nào cũng cần có nó dưới các dạng thức ăn chế biến khác nhau, vì không ăn thì không có năng lượng để sống và để lao động, vài ngày không có ăn thì đã khó chịu lắm rồi. Vì vậy sản phẩm lúa gạo nói riêng và nông nghiệp nói chung giữ vai trò to lớn trong tổ hợp sản phẩm lương – thực luôn luôn cần đến nó để nuôi sống gần 7 tỉ sinh linh của cộng đồng loài người trên hành tinh này. Hàng công nghiệp ở mọi loại hình đều rất cần và ngày càng tinh vi, phong phú, nhưng đến một chừng mực nào đó sẽ bão hoà, thừa ế và lạc hậu rồi cần phải cải tiến nâng cao. Một chiếc “Bô ing 787” có giá hơn bốn trăm triệu USD tương đương với khoảng tám trăm ngàn tấn gạo, đúng là sự chênh lệch quá lớn. Nhưng đến bao giờ Việt Nam mới đóng được cái tàu bay “Giấc mơ” đó và thiết nghĩ cũng không nên mơ đến vì nếu ta đóng được thì giá của nó sẽ hạ xuống nhiều lần và rất có thể sẽ ế ẩm như chiếc xe con hiện nay. Dĩ nhiên không cực đoan chỉ nghĩ về kinh tế nông nghiệp mà phải phát triển toàn diện. Hãy tự hào với Việt Nam là nước xuất khẩu gạo và các sản phẩm nông nghiệp khác nhất, nhì thế giới một cách bền vững và giá trị gia tăng ngày càng cao.

Để kết thúc bài viết này xin có một vài kiến nghị:

  1. Để phát triển Nông nghiệp ĐBSCL một cách toàn diện, bền vững có sức cạnh tranh cao trên thế giới cần có một cuộc “Tổng điều tra xã hội” trong toàn vùng và vùng lân cận. Trên kết quả điều tra toàn diện đó, Viện Chiến Lược phát triển ĐBSCL” sẽ phân tích, xử lý số liệu một cách khoa học, khách quan để đề xuất cơ cấu lại chiến lược phát triển kinh tế của vùng lấy Nông nghiệp hiện đại làm gốc. 
  2. Nhà nước phải quyết liệt trong việc giữ diện tích sản xuất lúa của ĐBSCL ở mức từ 2,7 đến 3,0 triệu ha, phấn đấu đạt năng suất 6 đến 7 tấn/ha/vụ, mỗi năm  làm 2 vụ, còn lại thời gian để cho đất nghỉ và đón phù sa của lũ (nếu có), đồng thời để nông dân làm nghề phụ, hưởng thụ văn hoá cộng đồng, cập nhật tri thức sản xuất và cuộc sống… từng bước tri thức hoá nông dân để tiến kịp thời đại. (Nếu tính thấp ước đạt 6T/ha/vụ x 2 vụ x 3­­­triệu ha sẽ có 36 triệu tấn lúa với khoảng 18 triệu tấn gạo mỗi năm. Như vậy hàng năm xuất khẩu khoảng 10 triệu tấn gạo trong tầm tay). Còn đất dành cho các lĩnh vực khác cần tính kỹ, thật cần thiết sẽ chọn vùng thích hợp, tuyệt đối không dùng đất lúa cho “sân gôn” dù cho nhà tư bản có “ve vãn” cũng cương quyết từ chối.
  3. Cái lợi thế trời cho đối với ĐBSCL là khí hậu ôn hoà, mưa nắng nhiều, rất ít bão lớn và sông, rạch chằng chịt, rất thuận lợi cho giao thông thuỷ và tưới tiêu đồng ruộng. Cần tận dụng hết lợi thế này để quy hoạch lại vùng trồng lúa chuyên canh: có loại đặc sản, loại chất lượngg cao và loại trung bình phục vụ toàn bộ nền kinh tế và bảo đảm “An ninh lương thực”. Ở ĐBSCL nên lấy giao thông thuỷ làm chính, giao thông bộ ở vị trí thứ 2. Như vậy việc cải tạo chỉnh trang sông, rạch, kênh trong vùng sẽ là rất lớn, vừa làm sạch, đẹp, thuận lợi dòng chảy, vừa lấy đất làm đê, đường tôn cao nền làm công trình phúc lợi và dân cư… Hãy tưởng tượng khi người dân ra khỏi nhà là xuống du thuyền hay “canô tắcxi”, lướt nhẹ trên dòng sông để đến các nơi sinh hoạt cộng đồng. Khí hậu thật mát mẻ, không gian êm đềm, đồng lúa xanh rồi vàng trải rộng hết tầm mắt. Người dân đô thị sẽ đến lúc ghen với nông dân đồng bằng trù phú. Muốn được như vậy tất nhiên phải đầu tư nhiều tiền bạc, công sức và quan trọng nhất là trí tuệ và quyết tâm của toàn vùng và toàn quốc.

Còn nhiều lắm việc phải làm và phải luôn luôn điều chỉnh cho thích ứng với thời cuộc và ước vọng của toàn dân. Luôn luôn thấy không vừa lòng để vươn lên một tầm cao mới đó là đặc tính của con người Việt Nam giàu lòng yêu nước và yêu đồng bào. Nhất định người ĐBSCL sẽ đi lên giàu mạnh và hạnh phúc bằng chính “hạt gạo thông minh” do chính tay mình làm ra.

                                                                     

                                                          NGND.PGS.TS Lê Kế Lâm  

                                                Chủ tịch Hội KHKT và Kinh tế Biển TPHCM 

Leave a Comment