Home Bạn đọc viết Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế Biển TP. HCM kiến nghị về việc sử dụng mặt bằng Nhà máy Ba Son sau khi dừng hoạt động

Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế Biển TP. HCM kiến nghị về việc sử dụng mặt bằng Nhà máy Ba Son sau khi dừng hoạt động

by admin

Ban chấp hành Hội Biển TP. HCM vừa có kiến nghị lên UBND Thành phố để sử dụng hợp lý mặt bằng Nhà máy Ba Son sau khi dừng hoạt động và di dời. Xin giới thiệu với bạn đọc nội dung của kiến nghị này.

         Do sự phát triển về lâu dài của thành phố Hồ Chí Minh, để quy hoạch chỉnh trang lại khu Trung tâm thành phố (khu Sài Gòn cũ) nhà máy đóng tàu Ba son có lịch sử gần 250 năm tuổi (Xưởng Chu Sư được vua Gia Long cho thành lập vào năm 1774) nằm trong kế hoạch di rời ra vùng ngoại ô (Hiệp Phước). Đây là việc làm hợp lý về mặt quy hoạch một đô thị rộng lớn với hơn 2.000 km2 về diện tích và dân số tới trên 10 triệu người.

Di dời nhà máy đóng và sửa chữa tàu Ba Son không có nghĩa là xóa đi di tích lịch sử có một không hai trong ngành đóng tàu và hàng hải của nước Việt Nam với hàng nghìn năm lịch sử. Chúng tôi được biết, các cấp quản lý Ba Son có dự định để lại “Khu bảo tàng Ba Son” chỉ khoảng 100m2/ 26ha. Nếu sự thật là như thế thì Hội Khoa học –  Kỹ thuật & Kinh tế Biển thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Hội Biển TP. HCM) hoàn toàn không tán thành việc làm trên vì những lý do sau đây:

– Nhà máy đóng tàu Ba Son có nguồn gốc từ xưởng Chu Sư- do Chúa Nguyễn Ánh – vua Gia Long cho thành lập vào năm 1774, nằm dọc bờ sông Tân Bình (Gia Định) trên vị trí xưởng Ba Son ngày nay. Chiếc ụ Antoine được xây dựng năm 1863, ngày nay dùng để chữa tàu 1.000 tấn. Chiếc ụ chìm lớn 10.000 tấn được xây dựng từ năm 1884 và khánh thành ngày 5 tháng 12 năm 1888, với chiều dài 156m, rộng 21m, sau mở rộng thành 25m; sâu hơn 10m, do kỹ sư Paviller nghiên cứu thiết kế và chỉ đạo thi công.

– Nhà máy đóng tàu Ba Son là hạt nhân tạo nên ngành hàng hải Việt Nam, là nền tảng để hình thành sự phồn vinh thành phố Sài Gòn xưa (Hòn ngọc Viễn Đông). Con tàu mang tên Albert Sararut (1872-1962) với tổng trọng tải 3.100T được đóng tại Ba Son đã được chạy thử ngày 23/3/1922 là tàu hàng quốc nội Việt Nam đầu tiên.

– Những công dân Việt Nam ưu tú từng làm việc ở nhà máy đóng tàu Ba Son có công lớn trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước Việt Nam và đã được đặt tên cho các đường phố Thành phố Hồ Chí Minh như: Chủ tịch Tôn Đức Thắng, ông Ngô Văn Năm, ông Trần Đình Xu (Quận I); ông Lý Chính Thắng (Quận 3); ông Đoàn Văn Bơ (Quận 4); bà Nguyễn Thị Nhỏ (Quận 5, quận 11); ông Nguyễn Đình Chính (Quận Phú Nhuận); ông Nguyễn Văn Nghi, ông Nguyễn Bảo, ông Nguyễn Văn Lượng (Quận Gò Vấp).

– Trong những năm sau 30/4/1975 khi nước Việt Nam liền một giải, nhà máy đóng tàu Ba Son tập trung vào đóng và sửa chữa các loại tàu phục vụ cho Hải quân Việt Nam để bảo vệ biển đảo của đất nước và sửa chữa các tàu hàng loại trên 5.000 tấn đăng ký trong nước và quốc tế, đặc biệt sửa chữa loại tàu chiến hộ vệ săn ngầm lớp 159A7 với mức nước gần 7m sâu có bầu sonar gần giữa đáy tàu chỉ có ụ chìm (dock chìm) Ba Son mới đưa lên dock sửa chữa được. Riêng việc này đã tránh đưa lớp tàu 159A7 (5 chiếc) hàng năm sang sửa chữa tại vùng Viễn Đông Nga, rất tốn kém cả ngoại tệ và thời gian khai thác sử dụng.

Với truyền thống trên, nhà máy đóng tàu Ba Son là một di tích công nghiệp quân sự và hàng hải hiếm có không chỉ ở Việt Nam và cả ở Đông Nam Á. Vì vậy Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế Biển TP. HCM kiến nghị với lãnh đạo các cấp có trách nhiệm liên quan nên suy tính toàn diện có trước có sau, vừa kinh tế kết hợp quốc phòng an ninh, vừa phát triển đô thị hài hòa với di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, sông nước sạch đẹp hiện đại. Bằng mọi cách phải giữ lại 2 ụ tàu (1.000T và 10.000T) cùng với trang thiết bị vận hành để đưa con tàu ra- vào dock một cách tự nhiên như chức năng vốn có của nó. Bên cạnh đó là xưởng cơ khí gắn liền với việc sửa chữa tàu cấp dock. Nên biến khu vực này thành khu “Bảo tàng Hàng hải Việt Nam và Bảo tàng Tôn Đức Thắng – Ba Son”. Nên đầu tư chuyên nghiệp vào đây để biến thành khu Bảo tàng sinh động tầm cỡ khu vực, vừa có ý nghĩa lịch sử, vừa giáo dục trực quan sinh động cho mọi thế hệ hiện tại và mai sau.

Mục tiêu của Bảo tàng không chỉ lưu trữ, giới thiệu công nghiệp đóng tàu mà cả truyền thống ngành hàng hải Việt Nam với các loại tàu, ghe, mảnh, thuyền… xưa nay và cách hành nghề của ngư dân toàn cõi Việt Nam; truyền thống gần 250 năm của công xưởng Ba Son huyền thoại.

Bảo tàng nhằm giáo dục thế hệ trẻ tinh thần hướng ra biển lớn, vươn lên sánh vai với năm châu bốn biển như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần phát triển kinh tế biển của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam.

 

Related Articles

Leave a Comment