Nằm ở vùng duyên hải Nam Trung bộ, tỉnh Khánh Hòa có bờ biển dài 385km tính theo mép nước với nhiều đầm, vịnh và gần 100 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có nhiều vịnh nước sâu như Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang. Xa hơn nữa là quần đảo Trường Sa – tiền tiêu của Tổ quốc trên biển Đông. Với tiềm năng và thế mạnh đó, Khánh Hòa có đủ điều kiện thuận lợi để vươn ra biển lớn phát triển kinh tế hiện đại và bền vững.
Lung linh Vinpearl trên đảo Hòn Tre.
Trong những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã tập trung triển khai nhiều biện pháp đầu tư phát triển kinh tế biển theo định hướng hiện đại hóa. Rõ nét nhất là đầu tư công nghiệp đóng tàu, vận tải biển, trung chuyển dầu khí, đánh bắt thủy sản xa bờ, du lịch biển đảo, khoa học môi trường…
Trong số 5 thương cảng ở Khánh Hòa, cảng Cam Ranh vận chuyển các loại hàng hóa, cảng Hòn Khói là đầu mối xuất khẩu muối, cảng Đầm Môn chuyên trách xuất khẩu cát, cảng Nha Trang không chỉ vận chuyển hàng hóa mà còn là nơi đưa đón khách du lịch biển đảo và cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong là nơi có tiềm năng kinh tế lớn nhất, đủ khả năng tiếp nhận tàu vận chuyển container tải trọng 17.000 TEU với khối lượng hàng hóa thông qua cảng mỗi năm khoảng 14,5 đến 17 triệu TEU.
Ở đó, trong tương lai không xa sẽ là trung tâm điều phối hàng hóa vận tải bằng đường biển ở Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á với cảng trung chuyển container quốc tế nối liền với một thành phố du lịch cảng hiện đại. Từ khi Khu kinh tế Vân Phong thành lập (2006), một số dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư hướng tới phát triển kinh tế biển.
Đó là cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong giai đoạn khởi động 6.117 tỷ đồng, Tổ hợp lọc hóa dầu nam Vân Phong 4,5 tỷ USD, Trung tâm điện lực Vân Phong 1 khoảng 2 tỷ USD, căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí Vân Phong 1,3 tỷ USD. Trong chiến lược phát triển Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2030 là “Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp hóa lọc dầu, trung chuyển dầu và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành kinh tế khác”.
Lung linh Vinpearl trên đảo Hòn Tre. |
Khánh Hòa là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của nền kinh tế biển. Du lịch biển đảo là thế mạnh nổi bật với những điểm đến giàu sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như khu du lịch Hòn Ông ở vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh; Ninh Vân, Hòn Thị, Hòn Lao, Dốc Lết ở thị xã Ninh Hòa; thủy cung Trí Nguyên, Hòn Mun, Hòn Tằm, Sông Lô, Vinpeal Land trên đảo Hòn Tre… đã đưa du lịch dịch vụ trở thành mũi nhọn kinh tế của Khánh Hòa với mức tăng trưởng mỗi năm hơn 15%, hoạt động du lịch – dịch vụ chiếm tỷ trọng 45,5% trong cơ cấu kinh tế. Chỉ riêng năm qua, Khánh Hòa đã đón 2,15 triệu lượt du khách, trong đó có 440.000 khách quốc tế với tổng doanh thu du lịch 2.200 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm trước.
Bên cạnh hoạt động của những cảng biển gắn kết công nghiệp đóng tàu, dầu khí và mũi nhọn kinh tế du lịch, Khánh Hòa vươn ra biển lớn từ hoạt động đánh bắt, nuôi trồng đến chế biến và xuất khẩu thủy sản. Với 10.100 tàu thuyền, trong đó có gần 500 chiếc tàu có công suất trên 100CV đủ sức vươn ra khơi xa đánh bắt dài ngày trên biển, đưa tổng sản lượng thủy sản khai thác đạt 76.000 tấn. Và với 44 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, Khánh Hòa đã đứng thứ 4 trong nước về kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 310 triệu USD. Trên một số đảo ở vịnh Nha Trang, trong năm qua Công ty yến sào Khánh Hòa thu được 3.153kg sản phẩm tự nhiên, còn ở ven bờ biển cũng thu được 7.500 tấn hải sản từ 5.000 ha ao đìa nuôi trồng thủy sản, 1.500 tấn tôm hùm từ gần 30.000 lồng bè và sản xuất 3,5 tỷ con tôm giống…
Trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội trong những năm tới, tỉnh Khánh Hòa đã đề ra chương trình phát triển kinh tế biển giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn đến năm 2020 với mục tiêu chiếm 55 – 60% GDP toàn tỉnh, tỷ trọng xuất khẩu của kinh tế biển chiếm 65 – 70%, doanh thu từ du lịch biển đảo đạt 7.000 tỷ đồng.
Để thực hiện được mục tiêu đó, Khánh Hòa đang tạo bước đột phá mới trong tư duy và chiến lược phát triển kinh tế biển, tập trung cho các ngành vận tải, cảng biển, công nghiệp đóng tàu, du lịch biển đảo, khai thác tài nguyên biển, nuôi trồng thủy sản gắn kết với bảo vệ an ninh – quốc phòng và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
CANDO