Hướng tới các mục tiêu tăng trưởng dài hạn và phát triển bền vững, một số nước Đông Nam Á đang từng bước thắt chặt dòng vốn đầu tư của nước ngoài vào khai thác khoáng sản nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia.
Thu hẹp dần ưu đãi
Khi thế giới đang đứng trước thách thức cạn kiệt tài nguyên và xu thế cạnh tranh toàn cầu về tài nguyên khoáng sản, nhiều quốc gia chậm phát triển hoặc đang phát triển nhưng có lợi thế về tài nguyên đang trở thành đối tượng để các quốc gia và các tập đoàn khai khoáng có tiềm lực gây ảnh hưởng và giành quyền khai thác tài nguyên.
Đông Nam Á, khu vực giàu tài nguyên khoáng sản vào loại bậc nhất thế giới, luôn là đích ngắm của nhiều công ty, tập đoàn khai thác lớn trên thế giới.
Trước tình hình đó, nhiều quốc gia đã bắt đầu tiến hành cùng với việc điều chỉnh luật và các chính sách liên quan cho ngành công nghiệp khai khoáng để bảo đảm việc duy trì nguồn tài nguyên của mình cũng như loại bỏ dần vai trò độc tôn của các doanh nghiệp nước ngoài.
Ngày 20/3 vừa qua, chính phủ Philippines vừa tuyên bố sẽ nâng thuế khai thác đối với việc khai khoáng của các công ty nước ngoài. Tương tự nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Philippines là quốc gia có trữ lượng tài nguyên địa chất vào loại nhiều nhất thế giới. Ước tính, Philippines xếp thứ 3 thế giới về trữ lượng đồng, Quốc gia này cũng có rất nhiều mỏ vàng, niken và kẽm. Đây hiện cũng đang là một trong những quốc gia có thị trường nóng nhất thế giới. gần bằng với Trung Quốc.
Hiện tại, Philippines đang chuẩn bị điều chỉnh tăng thuế đối với các dự án khai thác khoáng sản, nhằm tăng cường chất lượng của ngành công nghiệp và thu thêm tiền về cho chính phủ. Quy định mới cũng sẽ loại bỏ những ưu đãi thuế mà các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng trước đây khi tiến hành khai thác tại Philippines.
Người biểu tình phản đối khai khoáng đốt hình nộm của Tổng thống Philippines Benigno Aquino III trên nóc một chiếc xe tại Manila tháng 9/2011 (Ảnh: WSJ) |
Cesar Purisima, Bộ trưởng Tài chính của Philippines phát biểu, “Luật khai thác khoáng sản của Philippines hiện vẫn còn quá tự do so với các quốc gia khác trên thế giới như Australia hay Canada. Chúng tôi đang cố gắng duy trì việc bảo vệ môi trường trong khi khai thác cũng như tăng cường các khoản thu cho chính phủ. Điều này sẽ giúp chúng tôi đầu tư nhiều hơn vào việc bảo vệ môi trường, giáo dục và đào tạo.”
Bất chấp việc các doanh nghiệp nước ngoài tại Philippines tỏ ra không đồng tình và cho rằng quy định mới sẽ ảnh hưởng tới việc mở rộng các mỏ mới, ông Purisima khẳng định, dù quyết định này sẽ có thể gây ra một số tác động tiêu cực ngắn hạn cho ngành công nghiệp khai khoáng của Philippines, nhưng quốc gia này hiện đang hướng tới những mục tiêu dài hạn hơn và vẫn “ủng hộ việc khai khoáng”.
Giảm dần vai trò DN nước ngoài
Philippines không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có động thái thắt chặt các quy định về khai khoáng đối với các doanh nghiệp nước ngoài trong bối cảnh bùng nổ hàng hóa hiện nay.
Hồi đầu tháng 3, Indonesia cũng tuyên bố sẽ giảm dần cổ phần của các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực khai thác khoáng sản từ 80% xuống còn 49%.
Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á hiện nắm giữ một số mỏ khoáng sản giàu nhất thế giới, như mỏ vàng Grasberg lớn nhất thế giới đang do tập đoàn Mỹ Freeport khai thác. Lĩnh vực khai khoáng hiện đóng góp khoảng 12% GDP của Indonesia.
Sức ép đòi nhà nước kiểm soát nhiều hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước đã gia tăng ở Indonesia kể từ khi giá hàng hóa tăng mạnh trong thập kỷ vừa qua. Chính phủ Indonesia đã tiến hành các quy định nhằm hạn chế xuất khẩu thiếc, đồng thời cấm xuất khẩu một số quặng kim loại chưa qua chế biến vào năm 2014, nhằm tạo điều kiện cho ngành khai khoáng trong nước phát triển và nâng cao giá trị gia tăng của các mặt hàng xuất khẩu.
Hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, nhiềunước Đông Nam Á đang thắt chặt dòng vốn đầu tư nước ngoài vào khai thác khoáng sản nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên của mình. |
Hành động này của Indonesia nằm nỗ lực gia tăng sự kiểm soát của nhà nước cũng như nâng cao lợi nhuận từ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Chính phủ Indonesia vừa đưa ra quyết định buộc tất cả các công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng ở nước này phải bán bớt cổ phần tại các cơ sở đã hoạt động 10 năm, với số lượng sao cho sở hữu trong nước của Indonesia ít nhất là 51%.
Hiện tại, chính phủ Indonesia cũng đang tiến hành đàm phán lại hợp đồng với các công ty khai khoáng lớn của nước ngoài hiện đang hoạt động ở nước này, như Freeport McMoRan Copper & Gold Inc, BHP và Newmont Corp.
Một số nhà phân tích cho rằng việc giới hạn sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực khai khoáng của Indonesia và Philippines có thể ảnh hưởng đến một số mỏ đang khai thác hiện nay, cũng như có thể gây tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào các mỏ khai thác có trữ lượng dồi dào của các quốc gia này.
Tuy nhiên, cả Indonesia lẫn Philippines đều đang hướng tới những mục tiêu lâu dài. Kurtubi, chuyên gia kinh tế của Indonesia thì cho rằng, những năm qua các doanh nghiệp nước ngoài đã thu về khoản lợi nhuận khổng lồ từ tài nguyên của Indonesia mà chỉ phải trả các khoản thuế thấp.
“Những quy định mới sẽ không ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài, bởi kể cả khi họ giảm bớt cổ phần của mình, họ vẫn thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ”, Kurtubi nhận định.
VEF