Việt Nam có đông các dân tộc anh em cư trú, mỗi địa phương, mỗi vùng miền đều có nhiều lễ hội truyền thống. Mỗi lễ hội đều mang tính văn hoá tín ngưỡng truyền thống sâu sắc, khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước, ý thức hướng về cội nguồn.
Vùng Đông Bắc có Lễ hội mùa xuân của dân tộc Mông, dân tộc Dao. Lễ hội Lồng Tồng (hội xuống đồng) bắt đầu một năm mới chăm lo cấy cày, để ấm no luôn thóc đầy bồ, gà lợn đầy chuồng. Bắc Cạn có Hội xuân hồ Ba Bể với nhiều trò độc đáo (đua thuyền độc mộc, múa khèn, đấu bò, thi võ dân tộc…). Gạo trắng, thơm dẻo của Mường Lò tạo nên mùi nồng thơm của nếp tan, xôi Tú Lệ; những sắc màu thổ cẩm tươi mới, tinh tế, bí ẩn như người con gái Thái, thiếu nữ Mông với chiếc váy xoè rộng như cánh bướm; đường thêu hoa xanh viền quanh chân váy Thái và chiếc khăn piêu duyên dáng…; những sản phẩm thủ công mĩ nghệ tinh xảo từ cây rừng Tây Bắc còn nguyên vẻ hoang sơ… làm nên sắc xuân. Mùa Xuân ở nơi trời đất giao hoà trên độ cao hơn 1.300m của đỉnh Suối Giàng (Yên Bái), giữa không gian huyền bí, trong cái lành lạnh của tiết trời vùng cao Pang Cáng (làng cổ của người Mông) trong hội lễ cúng Giàng (tôn vinh cây chè cổ linh thiêng) được nhấp một ngụm chè Shan tuyết nổi tiếng thì còn gì bằng! Người Mông Suối Giàng còn gọi vườn chè là vườn trời, nếu uống chè Suối Giàng được pha bằng nước mưa thì như còn được hưởng dư vị của tiên giới. Trên đỉnh non cao, không chỉ có chè, các cô gái Mông rộn rã trong nhịp múa sạp. Các chàng trai say sưa thả tiếng khèn vào núi. Cả bản làng hò reo vang rộn với trò đẩy gậy, đánh quay, kéo co, ném còn, bắn nỏ hay mải mê trong lễ hội Gầu tào. Mùa Xuân về ở vùng núi Sapa, buổi sang sương mù dâng đầy thung lũng, trên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại có thể thấy dãy Hoàng Liên Sơn cao vút, nhấp nhô phía xa với dải mây trắng đục vắt qua đỉnh Fansipan. Khi những cây đào, mơ, mận nở hoa cũng là mùa lễ hội của người Mông và Dao. Nhìn bề ngoài, người Mông và người Dao đỏ khác nhau chỉ ở màu sắc y phục: người Mông mặc áo váy, quấn xà cạp màu đen với những dải hoa văn xanh, đỏ trang trí; còn người Dao đỏ nổi bật với chiếc khăn màu đỏ tươi quấn trên đầu. Chợ Xuân bày bán đủ món đồ thổ cẩm (mũ, áo, khăn, túi xách, bao gối, dây bùa…) đến sáo Mèo, kèn môi… Du khách xuống chợ Xuân được hoà mình vào các trò chơi dân gian vùng cao, được nếm những đặc sản do những cô gái Thái chế biến: cá xỉnh nướng, thịt trâu khô, xôi ngũ sắc, thắng cố, bánh dày…
Với các dân tộc Mường, Tày, H’mông, Thái…, Ném Còn là trò tín ngưỡng hấp dẫn nhất của trai gái trong dịp hội xuân. Với người Việt cổ xưa, trò chơi này thường dành cho giới nữ, con nhà quý phái, xưa kia là các mỵ nương, con gái Lạc hầu, Lạc tướng. Quả “còn” hình cầu to bằng nắm tay trẻ nhỏ, được khâu bằng nhiều múi vải màu, bên trong nhồi thóc và hạt bông (thóc nuôi sống con người, bông cho sợi dệt vải). Quả còn có các tua vải nhiều màu trang trí và có tác dụng định hướng trong khi bay. Sân ném còn là bãi đất rộng, ở giữa chôn một cây tre (hoặc vầu) cao, trên đỉnh có “vòng còn” hình tròn (khung còn) một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho mặt trời), mặt kia dán giấy vàng (biểu tượng cho mặt trăng). Cả mặt giấy là biểu tượng cho sự trinh trắng của người con gái. Người chơi đứng đối mặt với nhau qua cây còn, ném quả còn lọt qua vòng còn trên đỉnh cột là thắng cuộc.
Với dân tộc Kinh, một trong những điểm đầu tiên được các Phật tử và du khách chọn xuất hành đầu năm mới là Yên Tử (Quảng Ninh) nằm ở đông bắc Tổ quốc, để vãn cảnh chùa, cầu mong mọi sự tốt lành, bình an, hạnh phúc. Nằm chênh vênh trên độ cao 1.068 m, chùa Đồng – điểm đến cuối cùng trong quần thể di tích Trúc Lâm Yên Tử là sự thách thức lòng thành tâm của các thiện nam tín nữ và sự kiên nhẫn của các du khách vãn cảnh có mong muốn được thỉnh ba hồi chuông giữa chót vót mây vờn sương cuộn. Điểm đến nữa được yêu thích là Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh). Theo thần tích Bà Chúa Kho (khắc trên bia đá cạnh lối vào đền) thì Bà là một người phụ nữ đáng kính thời Lý. Tương truyền là người “có tài coi sóc triều chính, hòa hợp nhân tâm, gia tăng điền sản, phát triển nông trang. Bà có công chiêu dân lập ấp, khai khẩn đất hoang, tích trữ lương thực. Ðến mùa xuân năm 1077, đại quân Tống kéo sang cướp nước ta… Vùng này trở thành kho hậu cần quan trọng nhất, cung cấp vũ khí, lương thực, thực phẩm, chiến thuyền cho quân đội nhà Lý chống Tống thắng lợi mà Bà là người chỉ huy trực tiếp hậu cần, được vua Lý trọng thưởng. Sau khi Bà mất, nhà vua hạ chiếu phong thần, nhân dân nhớ ơn lập đền thờ bốn mùa hương hoa cúng lễ”.
Chọi trâu ở Hải Phòng là một lễ hội văn hóa truyền thống lâu đời của cư dân vạn chài Đồ Sơn. Vì nhiều lý do, lễ hội này bị mai một cho đến năm 1991 mới được khôi phục lại. Từ đó đến nay, Lễ hội được duy trì đều đặn hằng năm và trở thành 1 trong 15 lễ hội quốc gia độc đáo, hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham dự. Lễ hội chọi trâu truyền thống thường được tổ chức thành 2 vòng. Vòng loại diễn ra vào ngày 8/6 (âm lịch) và vòng chung kết diễn ra ngày 9/8 (âm lịch). Trâu có thể chọi được phải 8 -10 tuổi, là trâu tốt, phải là trâu đực. Việc chăm sóc trâu cũng rất công phu với chế độ ăn uống nghiêm ngặt. Theo phong tục, tất cả “ông trâu” sau khi chọi đều bị giết, xẻ thịt để bán. Ngoài Lễ hội chọi trâu, Lễ hội “chạy lợn” (Phú Xuyên, Hà Tây) cũng là một lễ hội mang nét sinh hoạt văn hóa độc đáo. Tương truyền đời Hùng Vương thứ 18 có một vị tướng tên húy là Nguyễn Hiển hành quân qua để đánh đuổi giặc. Các vị bô lão trong làng đã xin được làm cỗ khao quân. Vị tướng bằng lòng, nhưng yêu cầu phải làm sao thật nhanh để binh sĩ kịp hành quân. Từ đó hằng năm, cứ vào ngày 7/1 âm lịch, dân làng lại mở hội “chạy lợn” để nhớ về một truyền thống có ý nghĩa về tình quân dân. Từ “chạy” ở đây có ý nghĩa là “thật nhanh”. Con lợn được đem ra lễ hội phải được nuôi hết sức cẩn thận. Khi rước lợn vào đình, phải đặt lợn trong một cũi sơn đỏ.
Tới Hội Lim quan họ (Bắc Ninh), được tận hưởng các làn điệu dân ca Quan họ, đắm mình vào không gian êm đềm của những miền quê cổ xưa với những cây đa, bến nước, sân đình và câu dân ca cũng là thói quen của nhiều người. Cội nguồn sinh hoạt văn hoá của người “Kinh Bắc” là ca hát giao duyên. Quan họ được trình diễn trong mỗi dịp tết đến, xuân về, trong các lễ hội, đình đám của người dân Kinh Bắc, được xem là lối chơi trong sáu tỉnh, ngoài năm thành chỉ có Bắc Ninh: “Tỉnh Bắc có lịch, có lề / có nghề buôn bán, có nghề cửi canh / có nghề se chỉ học hành / có nghề tô vẽ tờ tranh bốn mùa… Tới Hội chùa Hương (Hà Tây), Hội chùa Keo (Thái Bình), người dân địa phương và du khách xa gần không chỉ cầu mong cho một năm mới may mắn, thịnh vượng mà còn để vui chơi, giải trí. Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và các huyện lân cận có khoảng 400 lễ hội làng, lớn nhỏ, tập trung từ tháng Giêng đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 âm lịch. Nhiều lễ hội lớn thu hút hàng vạn người đến tham dự: Hội Gò Đống Đa (mùng 5 tháng Giêng âm lịch), Hội Gióng, Sóc Sơn (từ mùng 6 đến 8), Hội Cổ Loa, Đông Anh ( mùng 6 đến 15), Hội đền Sái, Đông Anh (11-12 tháng Giêng), Hội làng Triều Khúc, Thanh Xuân (từ mùng 9 đến 12)…
Tỉnh Ninh Thuận hiện có hơn 73 nghìn đồng bào dân tộc Chăm, trong đó có gần 40 nghìn người theo đạo Bàlamôn. Katê là lễ hội quan trọng nhất trong năm của đồng bào Chăm mừng vụ lúa hè thu. Người Chăm ở An Giang có tháng Thánh lễ rất thiêng liêng gọi là Ramadan. Tháng ăn chay diễn ra từ ngày 1/9 đến 30/9 theo lịch Hồi giáo, là dịp để đồng bào, cả nam lẫn nữ từ năm tuổi trở lên tự kiểm điểm lại những hành động đúng – sai của mình trong từng ngày, từng tháng của năm qua để khắc phục, sửa chữa. Mỗi người trong suốt tháng này, từ rạng đông đến chạng vạng phải tuyệt đối nhịn ăn, nhịn hút thuốc lá, nhịn uống, cũng không được sát sinh. Trong thời gian thực hành tháng Thánh lễ, không được tổ chức vui chơi, hát xướng. Thức ăn truyền thống của đồng bào trong những buổi tiệc tùng là hai món cà ri và cà púa. Cà ri nấu với khoai; cà púa không nấu chung với món nào, với gia vị mạnh và cay hơn. “Những ngày hội” sau tháng Thánh lễ được diễn ra trong ba ngày, từ 1 đến 3 / 10 theo Hồi lịch. Tất cả những người vì sinh kế, đi làm ăn phương xa đều trở về đoàn tụ với gia đình. Người Chăm ở An Giang xem đây là những ngày vui nhất, gọi là tết Roya, như người Việt ăn Tết Nguyên đán.
Ngày hội của người Khmer Nam bộ (Ook om bok, đua ghe Ngo, Sene Dolta, Cholchnamthmay…) được coi là hội chung của cả ba dân tộc anh em ở đồng bằng sông Cửu Long. Các phần trình diễn trang phục dân tộc, sân khấu hóa các lễ hội rước Mahasangkran, cúng trăng, múa Rôbăm. thả đèn gió… không chỉ khái quát truyền thống văn hóa lâu đời của người Khơme mà còn để người xem hình dung về đời sống kinh tế nông nghiệp và tâm linh, tín ngưỡng, phong tục tập quán… Các phần thi đấu thể thao (Đua ghe ngo, Cờ ook, đẩy cây, kéo co…), nhất là Ngày hội đua bò truyền thống Bảy Núi tổ chức vào lễ Sene Dolta và được duy trì như một tập tục lâu đời trong cộng đồng người Khmer vùng núi An Giang, thu hút hàng năm rất nhiều khách trong và ngoài nước tới tham dự. Đua bò là dịp khẳng định khả năng nuôi dưỡng gia súc khỏe của từng nông hộ. Người điều khiển đôi bò ở hai vòng “hô” và vòng “thả” sẽ quyết định thắng bại.
Cùng với người Kinh, người Hoa là những cư dân sinh sống lâu năm ở Việt Nam, và vùng đất phương Nam. Bữa cơm Tết của người Hoa thường có món ngỗng quay và món canh “phát tài” (có nơi còn gọi là Tóc tiên). Món canh đặc biệt này được chế biến từ nguyên liệu chính là tảo biển. Tết của người Hoa không thể thiếu khoản phong bao lì xì và múa Lân. Trang phục của người múa lân là áo màu vàng hay màu đỏ; ông địa thì đầu nhỏ, bụng to, mặt nạ hình đầu người đang tươi cười hớn hở. Khi vào sân, lân quay vào nhà lạy ba lạy rồi múa. Có nhiều đội múa lân nổi tiếng, tham gia thi quốc tế của cả khu vực Đông Nam Á. Những nét văn hoá độc đáo, những lễ hội đậm sắc màu (Lân – sư – rồng, Lễ hội Nghinh Ông của cư dân vạn chài…), những món ăn nổi tiếng và được ưa thích nhất là vào dịp lễ tết; những phong tục truyền thống lâu đời của Người Hoa qua nhiều thế hệ vẫn được gìn giữ, bảo lưu.
Tây Nguyên không chỉ có Lễ hội đâm trâu, Lễ Cơm mới… mừng ngày mùa, mừng năm mới mà trong cuộc sống hiện đại ngày nay còn có những hội lễ mới: Lễ hội văn hoá Trà, Lễ hội Rau, Lễ hội Hoa… (Lâm Đồng), Lễ hôi Cà phê (Đắk Lắk)… Sẽ không còn là lễ hội Tây Nguyên nếu không có tiếng cồng, tiếng chiêng; không có ánh lửa cao nguyên của các Nhà Rông và điệu múa nhịp nhàng, uyển chuyển của các cô gái Banar, K’ho, Eđêr… với những bộ trang phục váy áo đẹp với nhiều màu sắc, các chàng trai đóng khố làm bằng vải thổ cẩm. Và cũng sẽ không là lễ hội Tây Nguyên nếu thiếu đi những ché rượu cần; thiếu đi những vị già làng đáng kính.
Lễ hội là nét đẹp văn hoá, tín ngưỡng lành mạnh; là nơi để mọi người hướng về cái tâm, cái đức; để con trẻ biết thêm về cội nguồn, nét văn hoá cổ xưa của tổ tiên. Song cũng đáng tiếc là ở không ít lễ hội đã xuất hiện những tiêu cực, tệ nạn, biến tấu…, làm mất đi sự tôn nghiêm, ý nghĩa văn hoá, tính thẩm mỹ của lễ hội. Tình trạng này cần được chính quyền địa phương cũng như ban tổ chức các lễ hội phải có ngay những biện pháp triệt để nhằm khắc phục. Đồng thời, phải biết khai thác những đặc sắc, độc đáo, kành mạnh trong lễ hội của từng vùng miền để lễ hội không trở nên tẻ nhạt, kém hấp dẫn và “na ná” nhu nhau.
Trong Lục