Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Chiều 7/8 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức cuộc họp báo thường kỳ. Tại cuộc họp báo này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã trả lời nhiều câu hỏi mà các phóng viên trong nước và quốc tế quan tâm.
Trả lời câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung tâm an toàn hàng hải “Nam Hải” của Trung Quốc vừa cho biết đã hoàn thành việc khảo sát và đo đạc thực địa tại 5 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm phục vụ cho công tác lựa chọn điểm xây dựng các ngọn hải đăng, ông Lê Hải Bình cho biết:
“Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tích cực xác minh thông tin này. Tuy nhiên như chúng tôi đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính vì vậy, mọi hoạt động của Trung Quốc ở hai quần đảo này là bất hợp pháp và vô giá trị”.
Trước đó, ngày 6/8, hãng tin Tân Hoa xã (Trung Quốc) cho biết, 5 đảo được tiến hành khảo sát là đảo Đá Bắc, Đá Hải Sâm, đảo Duy Mộng, Cồn Cát Nam và Hòn Tháp thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Phía Trung Quốc còn tuyên bố sẽ tiếp tục triển khai hoạt động đo đạc địa chất tại các đảo, thu thập mẫu địa chất tại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, nhằm thu thập số liệu xác thực nhất để xây dựng các ngọn hải đăng.
Cũng tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc sẽ đưa tàu khảo sát dầu khí nước sâu “Hải Dương Thạch Du 721” tham gia khảo sát địa chất, tìm nguồn dầu khí ở Biển Đông, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: Mọi hoạt động của các bên ở Biển Đông cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển
TQ khảo sát xây hải đăng ở 5 đảo thuộc Hoàng Sa
Theo công bố từ phía TQ, 5 đảo được tiến hành khảo sát là đảo Đá Bắc, Đá Hải Sâm, đảo Duy Mộng, Cồn Cát Nam và Hòn Tháp thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Trước thềm hội nghị Diễn đàn khu vực Đông Nam Á lần thứ 21 (ARF 21) và các hội nghị liên quan sẽ diễn ra tại Myanmar, trong khi một số nước tích cực tìm kiếm các giải pháp hạ nhiệt tình hình căng thẳng ở Biển Đông, như đề nghị tạm dừng tất cả các hoạt động thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, thì phía TQ không những không chấp nhận, mà còn cố tình tiến hành những hoạt động khiến tình hình phức tạp hơn, trong đó có việc công bố các địa điểm xây dựng hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ngày 6/8, Tân Hoa xã dẫn thông báo của Trung tâm an toàn hàng hải “Nam Hải” cho biết, cơ quan này đã hoàn thành việc khảo sát và đo đạc thực địa tại 5 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm phục vụ cho công tác lựa chọn điểm xây dựng các ngọn hải đăng.
Theo công bố của phía TQ, 5 đảo được tiến hành khảo sát là đảo Đá Bắc, Đá Hải Sâm, đảo Duy Mộng, Cồn Cát Nam và Hòn Tháp. Phía TQ còn tuyên bố sẽ tiếp tục triển khai hoạt động đo đạc địa chất tại các đảo, thu thập mẫu địa chất tại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, nhằm thu thập số liệu xác thực nhất để xây dựng các ngọn hải đăng.
Tuyên bố trên được đưa ra ngay trước thềm hội nghị Diễn đàn an ninh khu vực lần thứ 21 (ARF 21), khi mà một số nước trong đó có Mỹ và Philippines tuyên bố sẽ nêu các sáng kiến hạ nhiệt tình hình Biển Đông. Một trong những nội dung trong sáng kiến Mỹ và Philippines nêu ra là việc yêu cầu các bên ngừng tất cả các hoạt động thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.
Phản ứng trước những đề xuất nêu trên, phía TQ không những không chấp nhận mà còn tuyên bố sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động ở Biển Đông trong thời gian tới.
Phát biểu tại cuộc toạ đàm do Hội nhà báo TQ ngày 4/8 vừa qua, Phó vụ trưởng Vụ biên giới và hải đảo Bộ Ngoại giao TQ Dị Tiên Lương cho rằng đề xuất “đóng băng” các hành động ở Biển Đông là “không cần thiết và không hiện thực”.
Cùng với việc từ chối các giải pháp hạ nhiệt tình hình Biển Đông, ông Dị Tiên Lương còn ngang nhiên khẳng định các hoạt động của TQ cải tạo đảo đá ở Biển Đông gần đây “là hết sức hợp lý” và khẳng định “sẽ tiếp tục các hoạt động cải tạo các đảo ở Biển Đông căn cứ vào yêu cầu thực tế”.
Trung Quốc điều tàu khảo sát dầu khí nước sâu mới tới Biển Đông
Trung Quốc đã bàn giao tàu khảo sát dầu khí nước nước sâu “Hải Dương Thạch Du 721” để tham gia khảo sát địa chất, tìm nguồn dầu khí ở Biển Đông.
Theo Chinanews.com, “Hải Dương Thạch Du 721” được bàn giao cho cho Công ty China Oilfield Services Limited (COSL) tại nhà máy đóng tàu Thượng Hải, Trung Quốc ngày 7/8/2014.
Sau khi được bàn giao, tàu sẽ được công ty COSL đưa tới khu vực biển sâu ở Biển Đông để tiến hành hoạt động khảo sát địa chất, tìm nguồn dầu khí mới.
Chinanews.com cho biết thêm, “Hải Dương Thạch Du 721”, dài 107,4 m; rộng 24 m; cao 9,6 m, có khả năng khảo sát dầu ở độ sâu 3.000 mét, có thể hoạt động bình thường trong bão cấp 5.
Tàu còn được tích hợp các trang bị tiên tiến trên thế giới để phục vụ cho công tác khảo sát dầu khí, có hiệu quả cao trong việc thu thập số liệu tài nguyên dầu khí nước sâu, hỗ trợ nâng cao tốc độ khảo sát dầu khí dưới đáy biển, có khả năng rải 12 dây cáp để tiến hành hoạt động khảo sát.
Cũng theo Chinanews.com, tàu có tốc độ cao hơn, tạp âm thấp hơn, khảo sát hiệu quả hơn so với tàu khảo sát “Hải Dương Thạch Du 720” mà công ty đóng tàu Thượng Hải chế tạo trước đó.
Các chuyên gia cho rằng, tàu khảo sát “Hải Dương Thạch Du 721” có thể kết hợp với những tàu khảo sát khác và giàn khoan nước sâu để tiến hành hoạt động khảo sát, khai thác dầu khí nước sâu.
Hiện tại khu vực nước sâu phía Đông Bắc biển Đông đang là nơi Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động thăm dò khai thác.
Trung Quốc sắp đưa kho nổi khổng lồ ra đông biển Đông
Kho nổi được mệnh danh là “hàng không mẫu hạm” trong ngành dầu khí, hay “nhà máy lọc dầu trên biển”…
Kho nổi Haiyang Shiyou 118 của Trung Quốc – Ảnh: Asia Oil & Gas.
Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) hôm 8/8 cho biết đã đóng xong kho nổi (FPSO) thứ 17 mang tên Haiyang Shiyou 118 và dự kiến tàu này sẽ đi vào hoạt động cuối tháng 8.
Theo trang Asia Oil & Gas, CNOOC đã đầu tư 2,7 tỷ Nhân dân tệ (440 triệu USD) vào FPSO, trong đó chi phí mua sắm cho dự án và đóng tàu chiếm khoảng 74% tổng giá trị đầu tư. Gần 80% trong số 353 linh kiện cỡ lớn và vừa được mua từ các nhà cung cấp nội địa của Trung Quốc.
Trang tin tức trên cho biết, Haiyang Shiyou 118 được đóng tại nhà máy đóng tàu Đại Liên. Kho nổi này dự kiến sẽ được sử dụng tại mỏ dầu Enping 24-2 ở cửa khẩu sông Châu Giang, phía đông của biển Đông.
Kho nổi Haiyang Shiyou 118 dài thân 266,64 m, diện tích boong tàu tương đương hai sân bóng đá tiêu chuẩn. Chiều cao lên tới 50,5 m, ngang tòa nhà 17 tầng. Lượng giãn nước của Haiyang Shiyou 118 là khoảng 35.000 tấn. Tàu này có khả năng xử lý được 56.000 thùng dầu mỗi ngày.
FPSO viết tắt từ cụm “kho nổi, chứa, xử lý và xuất dầu thô”. Đối với ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi, việc sử dụng FPSO được xem là một giải pháp hiệu quả đối với các mỏ dầu ở vùng nước sâu, xa bờ, đặc biệt là các mỏ cận biên khi chi phí xây dựng tuyến ống dẫn không hiệu quả.
FPSO được mệnh danh là “hàng không mẫu hạm” trong ngành dầu khí, hay còn gọi là “nhà máy lọc dầu trên biển”. Mạng tin Gas Show cho hay, đến nay, số kho nổi trong tay CNOOC đã lên tới 17 chiếc, với quy mô và trọng tải thuộc hàng đầu thế giới.
Theo trang tin Asia Oil & Gas, CNOOC vận hành “hạm đội” kho nổi này chủ yếu tại các khu vực biển Đông và biển Bột Hải, ở các vùng nước có độ sâu từ 10 đến 330 m.
Theo VOV, Dân trí, VNN