Nghề hái rong mơ ở xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) vào mùa theo con nước thủy triều từ tháng 3 đến tháng 7 âm lịch hằng năm. Rong mơ màu “vàng” sinh sôi nhiều ở độ sâu 7 đến 10m nên những làm nghề này phải bất chấp khó khăn, vất vả và nguy hiểm, lặn xuống hái rong để mưu sinh.
Dễ kiếm tiền nhưng…dễ chết
Tam Hải là xã đảo duy nhất và thuộc một trong những xã nghèo của huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Với diện tích 15,03km2, dân số hơn một nghìn người (năm 2010). Người dân nơi đây gắn với công việc chính là đi biển đánh bắt cá, ngoài ra họ còn làm phụ thêm vài nghề để nuôi sống gia đình mình. Trong những ngày cuối tháng 5, vượt qua chặng đường dài hơn 100km từ Đà Nẵng vào Núi Thành. Chúng tôi được người dân nơi đây kể về nghề hái rong mơ xã đảo Tam Hải. Một nghề “đặt cược với biển” bởi dễ hái kiếm tiền nhưng…dễ chết.
Chuyến phà xuất phát từ cảng cá Tam Quang hơn 15 phút thì cập bến xã đảo Tam Hải. Mặt trời lúc này cũng bắt đầu nhô lên biển, từng ghe thuyền chở đầy những bao rong mơ “vàng” ở biển lớn về đất liền nghỉ ngơi sau một đêm thức trắng. Hằn sâu trên dáng vẻ của nhiều ngư dân là mệt mỏi, vất vả nhưng không giấu được niềm vui vì hái được nhiều rong mơ.
Lúc chúng tôi đến, bãi cát vàng không một bóng người, chỉ nghe tiếng sóng vỗ ì ạch dưới chân bờ. Sau chừng một tiếng đồng hồ, khung cảnh bắt đầu nhộn nhịp lên hẳn, cả đoàn người vội quang gánh xuống biển ngóng chờ người thân. Có gia đình còn kéo “cộ” xuống bốc xếp những bao rong mơ lên kéo cho nhanh. Nhìn những người vợ, người mẹ và cả con cái cùng xúm xít đẩy cộ lên khỏi mặt nước mới thấy được sự quan tâm, lo lắng và niềm vui hái được nhiều. Tiếng cười nói rôm rả trong cái nắng đến rát mặt của những ngư dân có làn da đen sạm vì cái mặn của biển phá đi hết sự tĩnh lặng.
“Hôm nay biển không động, chứ như mấy ngày trước là mất hết cả công sức, lặn xuống dưới biển mà lạnh run vì sóng lớn quá. May mắn tôi cố gắng hái được bảy bao, phơi ra bán chắc được hơn một triệu đồng đó…” Anh Lê Văn Mai, thôn 2, xã Tam Hải hồ hởi sau chuyến đi thuận lợi cho biết.
Ở đằng xa, vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhân đang vớt rong mơ ra khỏi bao lưới để phơi. Ông Nhân vừa sắp hàng rong trên mặt cát vừa nói: “Ở đây người dân chỉ sống được bằng nghề đi biển, ngoài ra cũng có nuôi cá tôm nhưng ít. Gia đình nào có điều kiện thì đóng được con tàu, sắm tay lưới đi biển đánh bắt thì khá hơn. Mặc dù đời sống đang được cải thiện rõ rệt nhưng vẫn có nhiều khó khăn lắm! Người dân sống chung quanh biển đều làm nghề này nhưng chỉ có đàn ông với trẻ con đi, còn phụ nữ ở nhà lo công việc nội trợ”.
Trên bãi cát lúc này đã tấp nập hơn, các chiếc cộ hạ xuống những bao rong mơ vàng cho các mẹ già, trẻ nhỏ “thi đua” nhau phơi. Không khí mỗi lúc càng rộn ràng, ai cũng đều tất bật hối hả với công việc của mình. Ngoài xa những chiếc thuyền, chiếc thúng cũng đang tiến vào bờ. Ai nấy cũng bận bịu với công việc, người xóc cộ cho các bao rong rớt xuống, người thì mở lưới, các cụ già và trẻ em “nắn nót” rải rong mơ thành hàng cho thẳng tắp, mỏng để kịp chiều khô cho lái buôn mua. Chị Trần Thị Nga, thôn 1, xã Tam Hải chỉ tay vào bao rong đang phơi dở, nói: “May mắn trời thương cho cái nghề hái rong mơ này, chứ ở nhà quần quật, không có làm được gì ra cái ăn, tha phương đi làm xa kiếm tiền thì không quen tay, quen chân với công việc. Hai đứa con em có tiền cho ăn học cũng nhờ nó đấy. Vừa nghỉ hè lũ nhỏ cũng đi với bố hái rong về phơi, rồi có ít tiền cho năm học tới mua sách vở, bút viết…”.
Chuyến đi biển cả đêm mới về, các anh vào trong nghỉ ngơi, ăn vội vã để lấy sức làm tiếp. Bữa ăn chỉ là nắm xôi, hoặc cơm nấu khi sáng với vài con cá con tôm nhỏ đi bủa lưới trong lúc hái rong. Chưa được 20 phút sau các anh lại uống vội ly trà, rồi ra phụ giúp vợ con phơi cho kịp khô.
Ông Phạm Viết Dục, 53 tuổi nhưng gắn bó với nghề đi biển đánh bắt cá và hái rong hơn 40 năm qua cho biết: “Gia đình tôi sống ở đây đã bốn thế hệ, cha tôi là người Bắc vào đây sống rồi định cư có vợ con tại đây. Cuộc sống lênh đênh sông nước với tôi quen lắm vì nhỏ đã theo cha ra biển đánh cá, hái rong. Nghề hái rong mơ này có thu nhập thêm cũng khá lắm, mấy đứa con ăn học đàng hoàng hết là nhờ nó”.
Ông Dục có hai đứa con, tất cả đều đang đi học. Đứa con gái đầu học ra trường rồi, còn đứa con trai sau đang học cấp 3. Ông kể, nhiều lần nó muốn xin đi phụ giúp nhưng ông không cho vì sợ nguy hiểm tính mạng. “Cái nghề này làm thì dễ nhưng nguy hiểm. Đến mùa, rong mơ một phần trôi nổi trên mặt biển dễ vớt, dễ hái nơi nước cạn nhưng đa số đều đi thúng, đi thuyền ra xa biển hơn 2km để hái. Nó lại ở độ sâu 7 đến 10m nên phải lặn xuống dùng tay hái rồi ngoi lên bỏ vào bao. Cứ thế đầy khoảng bốn bao là nặng thúng, sau một đêm đi thì tôi được khoảng 10 bao là nhiều nhất. Sau khi phơi bán ra cũng được gần hai triệu đồng !
Nghề này tuy dễ làm nhưng dễ đặt cược tính mạng vì chẳng may sẩy chân, chuột rút. Ba năm trước cũng có trường hợp gặp phải nước rút, không kịp bơi vào bờ nên chết đuối. Dễ gặp tai nạn nhất là khó thở, ngộp nước nếu không quen với áp suất độ sâu biển đêm khuya. Trong thôn có nhiều người đã bị bệnh ngoài da hoặc những bệnh về xương khớp vì ngâm lâu mình dưới biển. Nhưng cha đau thì có con, có cháu tiếp nối nghề bởi đó là miếng cơm, manh áo của người dân nơi đây. Đi riết cũng thành quen thôi!” – Ông Dục chia sẻ về cái khó khăn nguy hiểm nghề hái rong mơ.
Người mua, người bán đều sống được
Đến tầm 5 giờ chiều, các thương lái ở Dung Quất (Quảng Ngãi) đến cũng là lúc người dân nơi đây đang giũ cát bám vào rong để kịp bán nhanh cho chuyến về đêm của họ. Bà Mai Thị Hạnh, 50 tuổi, quê Quảng Ngãi mua bán rong mơ hơn 15 năm nay cho biết: “Rong mơ sau khi được hái về phơi khô thì chúng tôi mua, rồi bán lại bạn hàng. Nghe nói bán lên Lạng Sơn để “đẩy” sang Trung Quốc. Không ai biết Trung Quốc mua hàng này về làm gì, giá trị thế nào? Chúng tôi mua giá hiện nay là 8 nghìn đồng/1kg khô rồi bán lại là 10 nghìn đồng. Người đi hái lẫn người đi gom mua như chúng tôi đều sống được cả.”
‘Tôi buôn bán cá ở chợ của xã còn chồng đi biển với người ta. Ban đầu thấy nhiều người rủ nhau đi hái rong mơ, nghe nhẹ nhàng nhưng thu nhập cao nên đi thử kiếm tiền. Đúng là có nhưng mà hiện nay nhiều người đi hái lắm nên thu nhập cũng chỉ đủ nuôi được bốn miệng ăn gia đình.”– Chị Hương, thôn 3 Tam Hải tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Tri, trưởng thôn 1, xã Tam Hải cho biết, người dân hái rong từ vài chục người, nay cả thôn gia đình nào cũng đi. Họ sử dụng cả đồ lặn để hái rong ở mực nước sâu. Người khai thác đông nên sản lượng lớn, thu nhập cũng cao. Tội nhất vẫn là những đứa trẻ, đứng cao chỉ nửa đòn gánh mẹ thôi đã phải theo gia đình tập bơi, chèo thúng, lặn biển để sau này nếu không theo nổi con chữ thì cũng có cái nghề mà kiếm cái ăn, cái mặc.
Rời khỏi làng biển trong chiều tối, nhìn ngư dân cầm những đồng tiền đặt cược “tính mạng” của mình trên tay hồ hởi đưa vợ con rồi lẳng lặng thu xếp cho một đêm ra khơi tiếp. Chúng tôi bất giác quay về phía họ cầu mong rằng…đêm nay biển sẽ không động.
Rong mơ (tên khoa học là Sargassum) là loại tài nguyên có nhiều ở biển nước ta, đặc biệt là ở các vùng biển miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Khánh Hòa…
NDĐT