Home Sự kiện Người anh hùng đánh tàu hải quân Mỹ

Người anh hùng đánh tàu hải quân Mỹ

by admin

Ở Hội Cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh, chúng tôi được nghe nhiều cựu chiến binh kể về người chiến sĩ Đặc công Hải quân cảm tử là Đại tá Hoàng Kim Nông, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Phó lữ đoàn trưởng về chính trị Lữ đoàn 171 (nay thuộc Vùng 2 Hải quân). 38 năm gắn bó với biển, làm theo lời Bác Hồ dạy, ông trực tiếp chiến đấu hơn 50 trận, đánh chìm nhiều tàu Hải quân Mỹ.

Khai thêm tuổi để đi bộ đội

Với ước mơ làm chiến sĩ Hải quân, trong khí thế cả nước ra trận chống Mỹ, cứu nước, tháng 6-1963, Hoàng Kim Nông, quê ở xã Quảng Nga (Quảng Xương, Thanh Hóa) đã khai thêm một tuổi để được vào bộ đội. Kết thúc khóa huấn luyện chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn 2, Khu tuần phòng 2, Quân chủng Hải quân, Hoàng Kim Nông được cấp trên gợi ý theo học ngành quân y, nhưng ông đã từ chối và tình nguyện xin đơn vị cho xuống tàu đi chiến đấu. Tháng 9-1964, ông nhận nhiệm vụ tại Tàu 187, căn cứ II Hải quân, đứng chân trên địa bàn sông Gianh, tỉnh Quảng Bình – nơi có những dãy núi nhấp nhô, cát trắng nối dài tới chân sóng. Đã bao năm trôi qua, ông vẫn nhớ cảm giác mới lạ trong đêm đầu tiên ngủ dưới boong tàu. “Sóng đánh bì bõm suốt đêm, con tàu tròng trành, lắc lư làm tôi không sao ngủ được. Một đêm, hai đêm… tôi đã quen dần với sóng biển”- Ông Nông nhớ lại. Yêu cầu đặt ra cho từng chiến sĩ Hải quân là ai cũng đều phải biết nhiệm vụ của nhau, có khả năng sẵn sàng thay thế nhau khi cần thiết. Do vậy, ông luôn tích cực học lái tàu, luyện tập các phương án chiến đấu, thực hiện tuần tra… Ông kể: “Nhiều lần tuần tra dài ngày trên biển vô cùng vất vả, có ngày, tôi không ăn được, miệng đắng ngắt. Những lúc khó khăn như thế, tôi luôn nhớ lời Bác Hồ dạy, là động lực để tôi phấn đấu, trở thành người chiến sĩ Hải quân thực thụ”.

Đại tá Hoàng Kim Nông giới thiệu những bức ảnh, kỷ vật của mình.

 

Trong trận đầu chiến đấu, ngày 22-4-1965, tại vùng biển xã Xuân Phổ (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), đánh trả sự oanh tạc của máy bay Mỹ, Hoàng Kim Nông cùng đồng đội anh dũng chiến đấu bắn rơi 3 máy bay Mỹ. Mặc dù bị 3 vết thương, con tàu không còn người lái, tròng trành, lảo đảo trên biển. Ông đã cố gồng mình bò lên nắm lấy tay lái, điều khiển tàu vượt qua làn bom đạn của địch. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, trận đánh kết thúc, tàu 187 góp phần giữ vững vùng biển, chi viện cho lực lượng trên bờ. Sau hơn 3 năm tôi luyện trên tàu 187, đến tháng 1-1969, ông vinh dự nhận nhiệm vụ tại Hải đoàn 126 Đặc công Hải quân – một đơn vị đặc biệt, thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, bất ngờ.

“Yết Kiêu” thời nay

Mỗi chiến sĩ Lữ đoàn 126 Đặc công Hải quân hôm nay luôn tự hào kể về những trận đánh cảm tử của thế hệ cha anh trong kháng chiến. Một trong những trận đó là trận đánh cảm tử của chiến sĩ Hoàng Kim Nông và chiến sĩ Nhượng diễn ra ngày 20-2-1969 làm nổ tung 2 tàu vận tải quân sự LST của Mỹ (một chiếc trọng tải 5000 tấn, một chiếc 4.800 tấn), chìm xuống lòng Cửa Việt (sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị), chôn vùi nhiều tấn vũ khí, trang bị và hơn 100 lính Mỹ.

Trong giai đoạn 1965-1972 của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cảng Cửa Việt có vị trí đặc biệt quan trọng được ví như cái cuống họng, tiếp tế vũ khí trang bị của địch ở Mặt trận đường 9 – Nam Lào. Để giữ Cửa Việt, địch bố phòng rất cẩn mật. Bao quanh cảng là ba lớp hàng rào dây thép gai và hệ thống điện tử Mắc Na-ma-ra, cùng lực lượng thám báo, biệt kích càn quét, lùng sục suốt ngày đêm, tạo thành vành đai trắng. Trong cảng, chúng có hơn 1000 lính thủy đánh bộ Mỹ. Dưới sông, địch dùng tàu tuần tiễu sục sạo, ném lựu đạn, bắn xả, ngăn chặn, ta rất khó tiếp cận. Hải đoàn 126 được giao nhiệm vụ tấn công làm tắc nghẽn tuyến giao thông huyết mạch này. Để mở đầu đợt hoạt động, trận đánh có tính chất cảm tử, đơn vị chọn hai chiến sĩ là Nông và Nhượng thực hiện nhiệm vụ này. Đại tá Hoàng Kim Nông nhớ lại: Chúng tôi cơ động vào khoảng 23 giờ 30 phút, ngày 20-2-1969. Không gian chìm trong bóng đêm, tiết trời giá rét, nước buốt như kim châm. Sau khi vượt qua ổ phục kích, chui qua 3 lớp hàng rào, áp sát bờ sông Thạch Hãn, chúng tôi đã nhìn rõ tàu địch. Trên sông, địch quăng lựu đạn không ngớt, làm chúng tôi không thể tiếp cận gần hơn nữa. Quan sát, chúng tôi phát hiện, địch chỉ ném lựu đạn ở mạn tàu phía ngoài, còn mạn tàu bên trong cảng, chúng gần như không để ý. Quan sát kỹ hoạt động của địch, chúng tôi chọn phương án lặn vòng tránh để tiếp cận mục tiêu. Nhưng khi bơi đến giữa sông, Nhượng bị tàu tuần tiễu của địch bắn xối xả và bị thương ở chân, không bơi được nữa. Trước tình huống bất ngờ, tôi quyết định mang thêm hai quả mìn của Nhượng và dùng dây buộc anh vào tôi, bơi kéo anh đi. Khi vào đến gầm cảng, tôi nói với Nhượng: “Anh ở đây bám lấy trụ cầu, để em vào đánh, sau đó em quay ra đón anh”. Sau khi thả ống tiếp cận được tàu, tôi nổi lên quan sát và thấy một dãy tàu địch đậu nối đuôi nhau. Tôi nghe rõ tiếng nện gót giày và tiếng nói chuyện của bọn lính canh trên tàu. Tôi từ từ lần đến hai chiếc tàu to nhất, cài vào mỗi tàu hai quả mìn hẹn giờ. Khi quay lại chỗ anh Nhượng, tôi mừng rơn, ôm chặt Nhượng thì thầm: “Anh ơi! Ta thắng lợi rồi”. Tôi lại buộc dây vào anh và kéo anh đi. Thế nhưng, khi ra khỏi khu vực cảng, tôi ngoái lại thì chẳng thấy anh Nhượng đâu. Tôi lập tức quay lại tìm anh, trong điều kiện vô cùng nguy hiểm. Khi tìm được anh, tôi mừng quá. Hai anh em ôm chầm lấy nhau, nước mắt trào ra. Tôi nghẹn ngào nói với anh:

– Sao anh lại tháo dây ra?

Anh nắm tay tôi giật giật.

– Về đi em, em về đi. Đừng vì anh… Anh không về được đâu!

– Không. Em đưa anh về, nếu chết thì cùng chết.

Nhà văn hóa khu phố 3, phường 19, quận Bình Thạnh, công trình do Đại tá Hoàng Kim Nông vận động xây dựng, đưa vào hoạt động.

 

Đêm sâu thăm thẳm như cố cản bước chân chúng tôi. Tôi buộc dây vào người anh vừa kéo anh đi, vừa quan sát, sợ anh lại tháo dây lần nữa. Men theo bờ sông, chúng tôi dìu nhau về đến vị trí tập kết, trong lòng đầy vui sướng. Sáng sớm hôm sau, cấp trên thông báo, mũi của tôi và Nhượng đã làm nổ tung hai tàu Mỹ.

Có kinh nghiệm chiến đấu, ngày 22-4-1969, Hoàng Kim Nông và chiến sĩ Thẩm tiếp tục đánh chìm tàu quân sự LST trọng tải 8000 tấn. Ngày 9-9-1969, trong khí thế sục sôi cả nước biến đau thương thành hành động cách mạng, tưởng nhớ Bác Hồ kính yêu, Hoàng Kim Nông cùng chiến sĩ Trần Quang Khải tiếp tục đánh chìm tàu quân sự tải trọng 15.000 tấn của địch. Sự kiện tàu Hải quân Mỹ liên tiếp bị nổ tung ở Cửa Việt, làm cho giới quân sự Mỹ và chính quyền Sài Gòn vô cùng hoang mang lo sợ trước cách đánh mới táo bạo của quân ta. Báo chí phương Tây lúc bấy giờ giật tin, Hải quân Mỹ bị Bắc Việt đánh chìm tàu, gây chấn động thế giới. Trong suốt cuộc chiến tranh, giới tình báo quân sự Mỹ bằng nhiều biện pháp, thủ đoạn thu thập điều tra, nhưng vẫn không thể giải thích được, vì sao cảng Cửa Việt được canh giữ nghiêm ngặt vẫn bị Quân giải phóng nhấn chìm những tàu quân sự hiện đại chở đầy vũ khí? Chỉ đến khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, người Mỹ mới biết, những tàu Hải quân Mỹ hiện đại được canh giữ nghiêm ngặt đó đã bị những chiến sĩ đặc công cảm tử, như Hoàng Kim Nông tiêu diệt. Kinh nghiệm đánh chìm tàu Mỹ của Hoàng Kim Nông và đồng đội nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trong Quân chủng Hải quân. Với những chiến công vang dội, tại chiến trường ác liệt, ngày 15-2-1970, Hoàng Kim Nông vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Sau đó, ông lần lượt trải qua nhiều chức vụ, từ chiến sĩ đến Phó lữ đoàn trưởng về chính trị Lữ đoàn 171 Hải quân.

Ngày chúng tôi đến thăm Đại tá Hoàng Kim Nông ở phường 19, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, ông vui lắm. Ông trang trí căn phòng của mình trang trọng ở chính giữa là tấm ảnh Bác Hồ và nhiều kỷ vật chiến đấu, huân huy chương ông được tặng. Năm 2001, rời quân ngũ, khu phố 3 – nơi ông cư trú, là “điểm đen” về tệ nạn xã hội, ma túy. Không quản ngại vất vả, ông đã cùng đồng đội vận động xây dựng nhà văn hóa khu phố 3, phường 19, quận Bình Thạnh. Nhà văn hóa trở thành “địa chỉ đỏ” của thanh thiếu niên, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, kể chuyện chiến đấu… góp phần xây dựng khu phố 3, trở thành khu phố văn hóa. Khi hỏi về kinh nghiệm đánh chìm tàu địch, ông vui vẻ cho hay: “Đó là tôi luôn thấm sâu và làm theo lời Bác Hồ dạy đối với Quân chủng Hải quân. Tôi luôn đoàn kết với đồng đội, kiên trì bám nắm địch, tinh thần dám đánh, quyết thắng, trách nhiệm với nhiệm vụ, linh hoạt xử trí từng tình huống, bảo đảm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN

Theo QĐND

Related Articles

Leave a Comment