Home Doanh nghiệp Nhiều doanh nghiệp FDI không đăng ký hoạt động lại

Nhiều doanh nghiệp FDI không đăng ký hoạt động lại

by admin

Nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại TPHCM hết hạn hoạt động theo giấy phép đầu tư đã được Chính phủ “du di” không cho khai tử với điều kiện các doanh nghiệp này phải đăng ký lại; song nhiều doanh nghiệp trong số này vẫn không chịu làm thủ tục này.

Theo giấy phép đầu tư, liên doanh khách sạn Thăng Long (OSCAR) tại địa chỉ 68A Nguyễn Huệ, quận 1 hết thời hạn hoạt động vào năm 2009, nhưng đến nay vẫn chưa đăng ký lại mà theo tìm hiểu Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, khách sạn Oscar Sài Gòn vẫn còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký -Ảnh minh họa: Lê Hoàng

 

 

Chỉ mới hai doanh nghiệp đăng ký lại

Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho thấy, đến hết tháng 1-2014 trên địa bàn thành phố có tới 90 doanh nghiệp FDI do sở quản lý đã hết hạn hoạt động ghi trong giấy phép đầu tư. Trong số này có doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động vào năm ngoái nhưng cũng có doanh nghiệp hết hạn hoạt động đã 8-10 năm trước.

Tuy nhiên đến hết thời điểm cho đăng ký lại nói trên, chỉ có 2 doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký lại để tiếp tục hoạt động theo quy định của pháp luật gồm Công ty liên doanh Sản xuất Nút nhựa Việt Thuận và Công ty Đội Ngũ Việt Nam (VN TEAM).

Liệu những doanh nghiệp còn lại không biết về quy định này hoặc không có nhu cầu hoạt động nữa?

Thực tế, theo nguồn tin của sở trên, trong số doanh nghiệp còn lại thì có 3 công ty thông báo đang làm thủ tục giải thể, gồm Công ty liên doanh VikoTrade, Công ty liên doanh Newell Nhà Bè Việt Nam và Công ty Xây dựng Trang trì Việt Quốc.

Để cứu một số doanh nghiệp FDI được cấp phép trước ngày 1-7-2006 đã hoặc sắp hết hạn hoạt động, giữa năm ngoái, theo Điều 170, Luật Doanh nghiệp đã được sửa đổi. Cuối tháng 11-2013, Nghị định 194/2013/NĐ-CP cũng đã được ban hành; một trong những nội dung rất quan trọng của Nghị định là, các doanh nghiệp FDI đã hết hạn hoạt động theo giấy phép đầu tư, nếu có nhu cầu, thì trước ngày 1-2-2014 phải làm thủ tục đăng ký lại, nếu không sẽ phải giải thể, ngừng hoạt động.

Để hối thúc thực hiện các quy định của pháp luật, sở Kế hoạch và Đầu tư đã gửi văn bản tới các doanh nghiệp hết thời gian hoạt động  theo địa chỉ trên giấy phép đầu tư. Tuy nhiên, khoảng 50% công văn gửi đi đã được bưu điện trả về; có thể các doanh nghiệp này đã không còn hoạt động hoặc đã chuyển ra khỏi địa điểm đăng ký đầu tư.

Rủi ro cho khách hàng

Theo quy định, khi hết hạn hoạt động, doanh nghiệp có thể tự làm thủ tục giải thể, sau đó thông báo các cơ quan chức năng. Nhưng trong danh sách 90 doanh nghiệp nói trên có những doanh nghiệp không đăng ký lại vẫn hoạt động bình thường; chẳng hạn như Công ty liên doanh khách sạn Thăng Long (OSCAR) tại địa chỉ 68A Nguyễn Huệ, quận 1. Theo giấy phép đầu tư, liên doanh này hết thời hạn hoạt động vào tháng 11-2009 nhưng hiện nay tại địa chỉ này khách sạn OSCAR Sài Gòn vẫn hoạt động bình thường.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đã báo cáo tình hình doanh nghiệp FDI hết thời hạn hoạt động mà không đăng ký lại cho lãnh đạo thành phố để trình các bộ ngành xử lý. Theo quy định tại Nghị định 194/2013/NĐ-CP, những doanh nghiệp FDI nào đã hết hạn hoạt động mà không đăng ký lại thì phải giải thể, ngừng hoạt động.

Một số luật sư cho rằng, doanh nghiệp hoạt động khi giấy phép đã hết hạn mà không đăng ký lại là bất hợp pháp. Trong trường hợp này, các hợp đồng mà họ ký kết với khách hàng, đối tác… không có giá trị pháp lý, nên rủi ro rất lớn đối với phía khách hàng. Điều này dễ dẫn đến rắc rối trong kình doanh sau này.

Những doanh nghiệp này khi làm việc với các ngân hàng cũng không thể vay được vốn. Như vậy rõ ràng vẫn còn nhiều trường hợp doanh nghiệp hoạt động ngoài quy định của pháp luật.

Một số quy định pháp lý về đăng ký lại doanh nghiệp FDI hết thời hạn hoạt động

Trước đây, Khoản 2 Điều 170 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: doanh nghiệp FDI có quyền lựa chọn đăng ký lại hoặc không đăng ký lại; nếu đăng ký lại thì các doanh nghiệp sẽ được hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2005 và pháp luật khác có liên quan, nhưng việc đăng ký lại phải được thực hiện gọn trong thời hạn 2 năm tính từ ngày Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực thi hành. Trong trường hợp không đăng ký lại, doanh nghiệp chỉ được quyền hoạt động kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề và thời hạn được ghi trong Giấy phép đầu tư và tiếp tục được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ.

Năm 2009, để đảm bảo kéo dài thời hạn đăng ký lại cho doanh nghiệp FDI, Quốc hội đã sửa đổi, gia hạn thời hạn này thành 5 năm, tính đến ngày 1-7-2011 và coi đó là thời hạn cuối cùng để doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký lại.

Tuy nhiên, tính đến ngày 1-7-2011, theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số 6.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì có gần 3.000 doanh nghiệp đã đăng ký lại; còn khoảng 3.000 doanh nghiệp không đăng ký lại. Tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp này khoảng 18,5 tỉ đô la Mỹ với số lao động sử dụng là 446.000 người.

Trong đó, có một số doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động quy định tại giấy phép đầu tư nhưng không kịp đăng ký lại; một số doanh nghiệp còn thời hạn hoạt động được ghi trong giấy phép đầu tư nhưng chỉ muốn được bổ sung, mở rộng ngành nghề kinh doanh; một số doanh nghiệp muốn tiếp tục duy trì mô hình hoạt động và phương thức quản lý đã ổn định trong nhiều năm; một số doanh nghiệp muốn đăng ký lại nhưng không có được sự đồng thuận, nhất trí giữa các bên liên doanh; một số doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ những khó khăn có thể nảy sinh nếu không đăng ký lại… Và khoảng 3000 doanh nghiệp này đều rơi vào tình trạng vi phạm Luật.

Tình trạng nhiều doanh nghiệp có vốn FDI không thực hiện được thủ tục đăng ký lại đã và đang gây nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường đầu tư. Số doanh nghiệp này đang đứng trước nguy cơ phải chấm dứt hoạt động và giải thể sau khi kết thúc thời hạn hoạt động ghi tại giấy phép đầu tư vì không thể thực hiện thủ tục đăng ký lại. Điều này đồng nghĩa với việc một nguồn vốn lớn sẽ rút khỏi Việt Nam, hàng vạn lao động có nguy cơ mất việc, làm phát sinh các vấn đề xã hội phức tạp…

Và để cứu những doanh nghiệp này, ngày 20-6-2013, Quốc hội đã nhất trí thông qua Luật Sửa đổi bổ sung Điều 170 Luật Doanh nghiệp.Theo quy định mới, doanh nghiệp FDI thành lập trước ngày 1-7-2006 có quyền lựa chọn một trong hai trường hợp sau đây:

– Đăng ký lại để tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của pháp luật. Đối với các doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động ghi trong giấy phép đầu tư thì thời hạn cho việc đăng ký lại là trước ngày 01-2-2014;

– hoặc nếu không đăng ký lại, doanh nghiệp vẫn được phép điều chỉnh, bổ sung ngành nghề. Tuy nhiên, nếu sự điều chỉnh làm thay đổi thời hạn hoạt động ghi trong Giấy phép đầu tư thì các doanh nghiệp này phải thực hiện đăng ký lại.

Nội dung sửa đổi theo quy định mới đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, giải cứu cho các doanh nghiệp này khỏi tình trạng vi phạm pháp luật; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này yên tâm gắn bó lâu dài với nền kinh tế của Việt Nam.

Theo TBKTSG

Related Articles

Leave a Comment