Trong lịch sử Việt Nam , triều đại Quang Trung chỉ chiếm một khoảng thời gian rất ngắn (1788 -1802), nhưng để lại nhiều chiến công hiển hách và bao điều đáng suy ngẫm.
Dường như vẫn còn nghe tiếng trống trận
Hoàng đế Quang Trung đã trở về với cát bụi từ lâu rồi, nhưng những gì ông làm vẫn hiển hiện trong tâm trí dân tộc. Nơi ông sinh ra, lớn lên này là một khu bảo tàng hoàng tráng và trang nghiêm. Cám ơn nhân dân nơi đây đã bảo vệ và lưu giữ được mảnh đất và những hiện vật liên quan đến con người vĩ đại này.
Xin được nói đôi điều về tổ tiên nhà Tây Sơn để giải thích tại sao Nguyễn Huệ lại là Hồ Thơm. Ông cố của Nguyễn Huệ sinh ra ở đất Nghệ An, tên là Hồ Phi Long. Ông vào lập nghiệp ở vùng đất này, cưới vợ họ Đinh và sinh được một trai tên là Hồ Phi Tiễn. Hồ Phi Tiễn lên làm ăn ở ấp Tây Sơn, cưới vợ và định cư tại đó.Vợ của Hồ Phi Tiễn là Nguyễn Thị Đồng, con gái duy nhất của một phú thương đất Phú Lạc, do đó họ đổi họ của con cái mình từ họ Hồ sang họ Nguyễn của mẹ. Họ có người con đặt tên là Nguyễn Phi Phúc. Nguyễn Phi Phúc có 8 người con, trong đó có ba người con trai: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ.
Bước chân vào khuôn viên bảo tàng rộng 9 ha, dường như vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây tiếng trống trận. Võ thuật và trống trận Quang Trung là hai di sản phi vật thể lớn của Nhà Tây Sơn. Ba anh em Tây Sơn là những người có vai trò rất to lớn khai sáng, phát triển, hoàn thiện các võ phái Bình Định, cải cách nâng cao các bài quyền, bài binh khí để truyền dạy cho nghĩa quân. Tương truyền, Nguyễn Huệ sáng tạo Yến phi quyền, Độc lư thương, Nguyễn Lữ sáng tạo Hùng kê quyền, được coi là những độc chiêu của võ thuật Binh Định. Cũng chính Nguyễn Huệ đã chủ trương đưa nhạc trống vào khích lệ ba quân chiến đấu, còn truyền lại ngày nay với tên gọi trống trận Quang Trung.
Bảo tàng có 9 phòng trưng bày với những di vật quan trọng liên quan đến phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. Nằm trong quần thể Bảo tàng Quang Trung là điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt và các danh tướng thời Tây Sơn. Điện được xây dựng trên chính nền nhà cũ của ba anh em nhà Tây Sơn. Điện được nhân dân góp công xây dựng vào năm 1958 và hoàn thành vào năm 1960 với tổng thể diện tích 2.325m².
Vào năm 1977, Bảo tàng được quy hoạch tổng thể, có 3 nhóm nhà chính, gợi ra 3 hướng tỏa vào sân tượng, cùng với đường vào từ phía cổng Bảo tàng, tạo nên bố cục sân tượng tròn và cân đối, mở ra 4 hướng, song lại tụ vào 1 điểm: Đó là nơi đặt tượng đài Quang Trung – Nguyễn Huệ.
Trước sân rộng có cổng tam quan, tiếp đó là nhà bia ghi công lao của Quang Trung – Nguyễn Huệ. Chính điện gồm ba gian, gian giữa thờ Quang Trung – Nguyễn Huệ, có bức tranh ông cưỡi ngựa đặt trong khung kính, gian bên trái thờ Nguyễn Nhạc, gian bên phải thờ Nguyễn Lữ. Hai đầu hồi là ban thờ các văn thần võ tướng nhà Tây Sơn như: Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở, Trần Văn Kỷ… Bảo tàng Quang Trung tái hiện sinh động một phần lịch sử của Việt Nam .
Rưng rưng sân, giếng, cây và linh khí
Bảo tàng Quang Trung nằm ở khúc đầu sông Kôn, được xây dựng ngay trên nền vườn nhà cũ của gia tộc có ba thủ lĩnh nổi tiếng của phong trào Tây Sơn. Hiện nay trong khu vườn cũ của gia đình anh em Tây Sơn vẫn còn lại hai di tích cực kỳ quý giá là cây me cổ thụ và giếng nước xưa.
Cây me cổ thụ nằm ở phía bên trái Bảo tàng. Tương truyền cách đây hơn 200 năm, ông Hồ Phi Phúc đã trồng cây me này. Hiện nay cây vẫn xanh tốt, sum suê và ra trái đều mỗi năm. Cây cao 24m, chu vi gốc cây 3,5 mét, đường kính thân 1,2m, tán lá che phủ hơn 600m2. Giống me này đã được nhân ra trồng ở nhiều nơi ngay trong bảo tàng và cả trong vùng. Cây me cổ thụ hơn 200 năm tuổi ở Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) vừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên-môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Bên phải điện Tây Sơn là giếng nước, đường kính 0,9m. Giếng xây bằng đá ong, sâu khoảng 5 – 6 mét, nước trong và mát. Không như ở nhiều bảo táng khác là “không được sờ vào hiện vật”, ở đây có thể múc nước giếng rửa mặt. Tôi đã làm như thế và cảm thấy khoảng cách thời gian bị thu hẹp, trước mắt hiện ra cảnh gia đình Nguyễn Huệ sinh hoạt đầm ấm thuở nào.
Bảo tàng còn trưng bày khoảng trên 11.000 hiện vật có liên quan đến phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và vị anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ.
Vẫn linh thiêng dẫu trải qua bao thăng trầm của lịch sử
Bảo tàng Quang Trung chính thức thành lập năm 1977, cho đến nay đã 35 tuổi. Tuy nhiên, bảo tàng không phải mới hoàn toàn; tiền thân của nó – Đền thờ Tây Sơn thì đã tồn tại hơn 200 năm rồi. Việc xây dựng, bảo vệ, giữ gìn được Đền Tây Sơn qua bao thăng trầm của lịch sử là một kỳ tích của nhân dân ở đây.
Sau khi vương triều Tây Sơn sụp đổ, triều Nguyễn trả thù, truy quét hiểm độc, dai dẳng, bị tìm mọi cách bôi nhọ và xóa trắng mọi dấu tích liên quan đến ba anh em thủ lính Tây Sơn. Bất chấp sự cấm đoán hà khắc của nhà Nguyễn, người dân làng Kiên Mỹ âm thầm xây lên một ngôi đình để thờ ba anh em Tây Sơn ngay trên nền nhà của họ vào năm 1827. Công trình xây dựng mang tên “đền Kiên Mỹ”. Từ đó, tại đây hàng năm diễn ra hai dịp lễ vào cuối tháng 11 và mùng 5 tháng Giêng âm lịch. Đó là hai ngày trọng đại nhất của nhà Tây Sơn: ngày Quang Trung đăng quang trên núi Bân và ngày đại thắng Đống Đa, quét sạch 29 vạn quân xâm lược Thanh.
Để duy trì được những hoạt động này, người dân Kiên Mỹ đã phải che mắt nhà Nguyễn khi gọi đây là những ngày “cúng cơm mới”. Hai ngày lễ trọng tại đền Kiên Mỹ ấy kéo dài liên tục hơn trăm năm, không chỉ thu hút người Kiên Mỹ, Tây Sơn mà ngày càng có nhiều người thập phương tìm đến. Trong kháng chiến chống Pháp, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, ngôi đền ấy đã thành ngọn đuốc và những ngày lễ nhớ Tây Sơn tạm đứt đoạn.
Đến những năm 1960, đền thờ Tây Sơn được tạo dựng trên nền đất cũ. Ngay lập tức, đây lại thành một điểm quy tụ bốn phương. Rất tự nhiên, hàng năm, cứ đúng vào ngày 5 tháng Giêng, ngày kỷ niệm chiến thắng Đống Đa, hàng vạn người lại hành hương về đây, cùng nhân dân Kiên Mỹ, Tây Sơn làm nên một lễ hội lớn tưởng nhớ người anh hùng Nguyễn Huệ, niềm tự hào lớn lao của mỗi con người Việt Nam dù ở bất cứ phương trời nào. Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước lâu dài là thế, ác liệt là thế, phức tạp là thế nhưng nơi đây vẫn oai nghiêm và yên bình. Để rồi vào năm 1977 – chỉ 2 năm sau khi nước nhà thống nhất, Bảo tàng Quang Trung đã được chính thức thành lập và được xây dựng hoành tráng, khang trang dù đất nước ngày đó còn nghèo đói và thiếu thốn trăm bề.
Người Việt Nam sống ở hai trung tâm phát triển là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thường qua lại nhau bằng máy bay là chủ yếu, số lượng người đi đường bộ ít nên không có nhiều người được đến thăm nơi này. Những năm gần đây tỉnh Bình Định tổ chức Festival Tây Sơn – một sự kiện văn hóa, tâm linh thu hút nhiều người. Điều quan trọng là hình như mỗi khi đất nước có đe dọa từ bên ngoài, nơi sinh ra người anh hùng áo vải lại có sức hút đặc biệt. Đến đây để thể hiện tình yêu, sự ngưỡng mộ, niềm tự hào đối với anh hùng dân tộc Quang Trung; tìm lại sức mạnh lớn lao hào lớn lao trong chính bản thân mình và của toàn dân tộc. Chính vì lẽ đó, Bảo tàng Quang Trung được xem là một bảo tàng tâm linh, bảo tàng của lòng người.
Bảo tàng Quang Trung cách thành phố Qui Nhơn 50km về phía Tây Bắc, thuộc làng Kiên Mỹ, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn. Bảo tàng được thành lập và khởi công xây dựng năm 1977, hoàn thành vào năm 1978. Bảo tàng được xây dựng theo lối kiến trúc cổ, dáng vẻ uy nghiêm.
Hồ Bất Khuất