Home Kinh tế biểnKinh tế vùng miền Phát huy hiệu quả mô hình rừng đước

Phát huy hiệu quả mô hình rừng đước

by admin

Là địa phương nằm ở phía bắc ven sông Gianh, người dân xã Quảng Phong, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đang ngày ngày bảo vệ rừng đước như một báu vật của quê hương. Bởi, rừng đước không chỉ “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” trong kháng chiến chống Mỹ, mà hiện đang kiên trì, vững chãi như bức tường thành giữ làng qua những mùa mưa giông bão tố.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Hoài đang trồng mới những cây đước

 

Rừng đước giữ đất, giữ làng

Rừng đước ở xã Quảng Phong có diện tích khoảng 20ha, kéo dài như một cánh cung ôm lấy làng từ bến phà Phù Trịch đến tận cống Cao. Theo cụ Nguyễn Bình, (89 tuổi) ở thôn 7, xã Quảng Phong thì rừng đước của làng đã có từ lâu, nó hiên ngang trải qua bom đạn chiến tranh và vững vàng trước sóng gió cho đến ngày nay. Nhớ về những chiến tích của rừng đước, ông Bình cho biết: Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngoài vận chuyển hàng hoá, đạn dược bằng xe ba gác, gồng gánh, xã còn có một đoàn thuyền vận chuyển của bà con hợp tác xã ngư nghiệp Tân Xuân ẩn nấp trong rừng đước và đã vận chuyển hàng chục chuyến hàng thành công.

Đặc biệt, rừng đước còn là nơi neo đậu tàu thuyền của Binh trạm 4 (Quân khu IV) để vận chuyển vũ khí, đạn dược lên phà Xuân Sơn (ở sông Son, Bố Trạch) để vào Nam đánh Mỹ. Nơi đây cũng đã ghi lại những trận chiến bảo vệ làng của đội dân quân du kích địa phương. Những ngày đó, thực hiện khẩu hiệu “tay cày, tay súng”, “tay lưới, tay súng”, đội vận tải của HTX Phong Tân đã sáng kiến dùng thuyền nan, thuyền gỗ để chở hàng hoá tiếp tế cho miền Nam. Ban ngày, thuyền được cất giấu trong rừng đước, tối đến, thuyền vượt thuỷ lôi từ trường đến trạm trung chuyển Thuận Bài, ở xã Quảng Thuận nhận hàng chuyển tiếp đi các nơi… dưới làn bom đạn của máy bay địch.

Mặc dù chiến tranh đã qua đi vài chục năm nhưng hậu quả của nó để lại rất nặng nề, trong đó có hàng trăm nghìn tấn bom còn sót lại và rừng đước cũng bị bom tàn phá trơ trụi… Đứng trước tình cảnh đó, Đảng bộ và nhân dân xã Quảng Phong đã bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh. Năm 1977, nhận thấy tầm quan trọng của rừng đước và thực hiện chủ trương của huyện Quảng Trạch, Hội phụ lão xã Quảng Phong đã cùng nhau trồng lại, chăm sóc rừng đước cho đến ngày nay.

Làm giàu từ rừng đước

Hiện nay, dải rừng đước ven sông Gianh này đang có tác dụng chắn sóng, chống xói mòn và điều hoà môi sinh cho cả khu vực. Chúng tôi may mắn được gặp ông Nguyễn Văn Hoài, là người bảo vệ rừng đước. Trên con đò nhỏ giữa dòng sông Gianh, ông cho biết đối với người dân xã Quảng Phong, từ người lớn đến trẻ nhỏ, ai cũng biết ơn rừng đước này. Bởi rừng đước không chỉ cung cấp cho họ con cá, con tôm trong những bữa ăn hàng ngày mà nó còn bảo vệ 60 ha ao hồ nuôi tôm. Nhờ đó, cuộc sống bà con ngày càng sung túc hơn. Bên cạnh đó, hàng năm vào mùa lũ lụt, rừng đước được ví như “lòng mẹ” che chở cho những con thuyền vào tránh bão an toàn và còn là nơi thuận tiện để cho cò vạc về cư trú…

Ông Nguyễn Văn Minh – Bí thư Đảng bộ xã Quảng Phong cho biết, trước những tác dụng to lớn mà rừng đước mang lại, hiện tại chính quyền địa phương đã và đang tìm nhiều phương cách để bảo tồn rừng đước này. Bởi sau mùa lũ lụt năm 2010, một số diện tích rừng đước bị chết không rõ nguyên nhân. Vừa qua, Ban Dự án rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch đã trồng mới khoảng 4,7 ha cây đước để bảo đảm an toàn tuyến đê quốc gia và giữ đất, giữ làng trong mùa mưa bão.

Có thể nói, rừng đước ở xã Quảng Phong đang mang lại nhiều đổi thay cho cuộc sống của người dân nơi đây, không chỉ bảo vệ cuộc sống bình yên trong mùa mưa lũ mà mô hình rừng đước của Hội phụ lão năm nào đang nâng đỡ để nông dân có những vụ tôm bội thu, vươn lên làm giàu.

D D K

 

 

Related Articles

Leave a Comment