Home An ninh biển đảo Phát triển kinh tế biển để bảo vệ chủ quyền

Phát triển kinh tế biển để bảo vệ chủ quyền

by admin

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm Chuẩn Chủ tịch Hội Khoa học- Kỹ thuật và Kinh tế biển TP. HCM về phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước: Xây dựng, phát triển kinh tế biển kết hợp với an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta, trong thực tế để phát huy hiệu quả chiến lược đó còn cần những quyết sách phù hợp.

 

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Kinh tế biển của nước ta chiếm vai trò hết sức to lớn. Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành Trung Ương khóa X xác định tầm nhìn đến năm 2020, “đất nước ta sẽ mạnh lên từ biển và làm giàu từ biển”. Tuy nhiên, đường lối phát triển kinh tế biển của ta chưa được đặt mạnh, chưa chú trọng lắm, chủ yếu vẫn là dầu khí. Kinh tế biển thì rất phong phú, đa dạng và rộng lớn, không thể một ngành mà lo nổi.

Dịch vụ cảng biển của ta làm tương đối tốt. Thống kê cho thấy năm qua chúng ta có 176 triệu tấn hàng qua cảng, đó là con số không nhỏ. Nhưng đội tàu để vận chuyển hàng qua cảng của ta còn quá ít, chỉ chiếm khoảng 10-15% trong tổng số đội tàu vận tải. Ngành vận tải biển hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Chúng ta đang có chính sách tái cơ cấu ngành này nhưng vẫn chưa rõ  việc tái cơ cấu như thế nào. Trong khi đó ngành vận tải biển thì có nhiều lĩnh vực: đóng tàu, sửa chữa tàu, rồi dịch vụ hàng hải cho tàu biển, dịch vụ cảng biển…

Rồi đào tạo nghề cho tàu biển như: đào tạo sĩ quan, thủy thủ… Chúng ta có hai trường đại học đào tạo về hàng hải, một trường ở Hải Phòng và trường đại học GTVT ở TP.HCM, phát triển lên từ phân hiệu của  đại học hàng hải, nhưng hiện vẫn chưa rà soát được việc đào tạo ra sao.

Nghề khai thác môi trường thủy hải sản có tiến bộ nhưng vẫn chưa phát triển xứng tầm. Ngư dân vẫn tự xoay xở, tự đóng tàu, tự ra khơi làm ăn. Do vậy, việc đầu tư cho lĩnh vực này thì Bộ NN&PT NT, Tổng cục Thủy sản cần nhìn lại để có quyết sách phù hợp, có hiệu quả.  Chúng ta có chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu sắt, nhưng trong buổi tọa đàm do chúng tôi tổ chức vào năm ngoái có sự tham gia của nhiều ngư dân và các chuyên gia, nhiều ngư dân bày tỏ việc đóng tàu này phải theo yêu cầu ngành nghề của nông dân, phải cho họ theo sát việc đóng tàu này… Chúng ta cũng cần tập huấn cho ngư dân về việc sử dụng tàu sắt để họ hiểu và sử dụng được, hỗ trợ ngư dân vay vốn, mua dầu…

Ông có đề xuất gì để những chính sách về kinh tế biển của ta hiệu quả hơn vừa đảm bảo an ninh, chủ quyền, vừa có hiệu quả kinh tế?

– Chúng ta có nhiều tiềm năng  ở biển để phát triển kinh tế biển nhưng vẫn chưa có chính sách, chiến lược nghiên cứu khoa học để phát triển xứng tầm. Hiện chúng ta có có 2.779 đảo gần bờ và ven bờ, trong đó có hơn 1.200 đảo chưa được đặt tên;  nhiều  đảo, quần đảo vùng bờ biển vẫn chưa được chưa đo đạc, thống kê để gom lại đưa vào tổng diện tích đất nước nhằm xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước một cách toàn diện. Tại những vùng đảo lớn, ta đã thiết lập thành các xã đảo, huyện đảo đưa dân đến ở, cần có chính sách hỗ trợ họ về kinh phí, khoa học-kỹ thuật để xây dựng, phát triển kinh tế kết hợp xây dựng nền an ninh, quốc phòng hướng biển. Cần có chính sách bảo vệ ngư dân khi họ làm ăn trên biển, tránh để họ bị nước ngoài bắt giữ, cướp hải sản đánh bắt được như những năm trước kia…

Cần nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp hơn về biển sâu. Nghiên cứu sử dụng tái tạo năng lượng biển như: gió biển, nắng biển, nhiệt độ chênh lệch trên biển, dòng hải lưu trên biển, thủy triều, các khoáng sản và trầm tích … để phục vụ cuộc sống. Chúng ta cần có tàu nghiên cứu khoa học về Biển Đông và Thái Bình Dương. Cần bảo vệ môi trường biển. Theo tôi cần sớm nghiên cứu thành lập “Bộ Khai thác phát triển và bảo vệ môi trường biển” để phát huy tiềm năng biển của ta tốt hơn.

Từ  khi thành lập, Hội có những đóng góp gì trong chính sách phát triển kinh tế biển, thưa ông?

-Vấn đề phản biện về kinh tế biển thì lãnh đạo  TP.HCM không đặt ra với chúng tôi. Tuy nhiên, Hội của chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến trên báo về việc TP. HCM nên đặt cảng cá, cảng hàng hóa…  ở đâu cho thích đáng và phù hợp để phát huy hiệu quả. Chúng tôi cũng góp những kiến nghị với lãnh đạo TP. HCM trong những vấn đề phát triển ở huyện Cần Giờ là nên phát triển du lịch sinh thái, du lịch rừng ngập mặn, du lịch sông và biển, ở đây không nên phát triển du lịch trên bộ như những nơi khác vì không phù hợp và không cạnh tranh nổi.

 

 

Cần có chiến lược phù hợp để khai thác hiệu quả tiềm năng từ biển để vừa bảo vệ chủ quyền vừa phát triển kinh tế

Hiện nay, vấn đề Biển Đông ngày càng phức tạp và nóng bỏng. Gần đây, có ý kiến cho rằng cần kêu gọi sự hợp tác, làm ăn đa phương ở đây để chống lại những ý đồ xâm chiếm Biển Đông. Ông có bình luận gì về chuyện này?

Biển Đông là vùng hiện có nhiều tranh chấp giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực này. Ngoài việc phân chia theo Luật Biển của LHQ năm 1982 thì hiện còn nhiều vùng chồng lấn giữa các bên. Các nước trong khối ASEAN cần ngồi lại với nhau để giải quyết. Hiện chúng ta đã giải quyết xong tranh chấp ở đây với các nước Malaysia, Indonesia, Thái Lan và một phần với Campuchia. Những vấn đề chưa được giải quyết do lịch sử để lại, do tập quán làm ăn của ngư dân các nước… thì các nước nên giải quyết hợp tình, hợp lý, nhân nhượng để cùng khai thác. Nếu vấn đề song phương thì giải quyết song phương. Những vấn đề đa phương thì giải quyết theo đa phương. Nếu các nước muốn hòa bình ở đây thì phải giải quyết tranh chấp, thỏa thuận ôn hòa, nước lớn không được dùng sức mạnh quân sự đe nẹt, chèn ép nước nhỏ. Nên giải quyết theo kiểu dễ trước, khó sau. Những vùng tranh chấp  không thể giải quyết ngay được thì không đưa ra yêu sách biên giới biển để ngư dân hai bên tự do khai thác, làm ăn.

Tôi ủng hộ việc các bên tuân thủ nguyên tắc DOC và giữ nguyên hiện trạng ở Biển Đông theo điểm 5 trong nguyên tắc này. Trước khi có COC, cần tôn trọng DOC. Chúng ta cần đầu tư,  huấn luyện lực lượng bảo vệ biển gồm cả hải quân theo hướng sát với tình hình thực tế trong nước và quốc tế.

Hiện nay, không chỉ ta mà cả Philippines, Indonesia đang phản ứng mạnh, phản đối và không thừa nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông và yêu cầu công nhận quyền tự do hàng hải, hàng không trong khu vực. Các nước ASEAN cần đoàn kết, không nên vì lợi ích riêng mà bỏ qua sự quan tâm vì quyền lợi thiết yếu của nước khác. Có như vậy, ASEAN mới trở thành một  khối đoàn kết vững mạnh trong đấu tranh ngoại giao.

Việt Nam cần xử lý hài hòa quan hệ với các nước lớn để duy trì sự ổn định, nền hòa bình nhằm phát triển đất nước. 

 

Trân trọng cảm ơn ông!

 

Theo Đại Đoàn Kết

Related Articles

Leave a Comment