Home Biển quốc tế Philippines quyết tâm kiện Trung Quốc

Philippines quyết tâm kiện Trung Quốc

by admin

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã cho hoàn tất hồ sơ gồm 4.000 trang gửi Tòa án Liên hiệp quốc (LHQ) về Luật Biển ở La Haye (ITLOS).

Tàu tuần duyên Trung Quốc đang tìm cách cắt đường tàu tiếp tế Philippines trên đường đến bãi Second Thomas Shoal ngày 29-3-2014. Ảnh của phóng viên Reuters trên tàu Philippines.

 

 

Thêm bằng chứng mới

Ngoại trưởng del Rosario cho biết, trong đơn kiện của mình, Philippines đã cáo buộc, các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông cách xa Trung Quốc đến 870 hải lý (tức 1.611 ki lô mét) đều là phi pháp lẫn phi lý theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) mà hai bên ký kết năm 1982.

Động thái trên được tiến hành trong khi căng thẳng trên biển Đông tiếp tục diễn ra và mới đây nhất là vụ tàu Trung Quốc săn đuổi tàu Philippines tại bãi Cỏ Mây. Vụ này thêm bằng chứng mới cho thấy thái độ quyết liệt của Bắc Kinh trong việc áp đặt yêu sách chủ quyền trên những vùng biển rất xa bờ Trung Quốc.

Vụ việc khởi nguồn từ ngày 9-3, hai tàu tiếp tế dân sự của Philippines đã bị tàu tuần duyên Trung Quốc phong tỏa bãi Cỏ Mây chặn lại và buộc phải thoái lui (quốc tế gọi là Second Thomas Shoal, Trung Quốc gọi là bãi Nhân Ái, Manila gọi là Ayungin Reef). Đến hôm 29-3, Manila đã phái một tàu khác quay trở lại tiếp tế cho đơn vị Thủy quân lục chiến Philippines đồn trú tại đây. Điểm khéo léo của Manila lần này là cho nhiều nhà báo quốc tế đi theo chiếc tàu tiếp tế.

Phía Trung Quốc đã dùng tiếng Anh gọi radio cho tàu Philippines, cảnh cáo con tàu đi vào “lãnh thổ Trung Quốc”. Thay vì trở lui, tàu Philippines vẫn tăng tốc độ, lách qua tàu Trung Quốc ở phía trước và rốt cuộc chạy được vào vùng biển nông mà tuần duyên Trung Quốc không thể tiếp cận. Sau đó chiếc tàu đã cặp vào bãi Second Thomas Shoal và tiếp tế lương thực, nước uống lên trên chiếc tàu cũ mắc cạn trên bãi được dùng làm chỗ ở cho tám người lính thủy quân lục chiến Philippines.

Tất cả động thái hù dọa của Trung Quốc, cũng như phản ứng kiên quyết nhưng khéo léo của Philippines diễn ra dưới sự chứng kiến của phái đoàn nhà báo đi theo tàu. Khi cho phóng viên quốc tế tháp tùng theo tàu, Manila đã thành công trên mặt trận truyền thông.

Về phần Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này hôm 30-3 đã lên tiếng cho rằng hành động của Philippines không ảnh hưởng đến thực tế là bãi này thuộc chủ quyền của Trung Quốc, và Bắc Kinh “sẽ không bao giờ chấp nhận việc Philippines chiếm giữ bãi Nhân Ái (tên Trung Quốc đặt cho Second Thomas Shoal) dưới bất kỳ hình thức nào”.

Kiện đến cùng

Philippines đã đưa vụ kiện biển Đông với Trung Quốc ra tòa quốc tế từ tháng 1-2013. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần qua, một lần nữa nhắc lại rằng Bắc Kinh không chấp nhận và cũng không tham gia vụ kiện. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo quan hệ hai nước sẽ tiếp tục rạn nứt, thậm chí cả đe dọa trừng phạt kinh tế, nếu Manila theo đuổi vụ kiện.

Biên bản ghi nhớ mà Philippines đệ trình lên ITLOS còn bao gồm cả lập trường của Manila đối với đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò của Trung Quốc. Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ biển Đông, phớt lờ các tuyên bố chủ quyền của các bên như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Bắc Kinh còn dùng sức mạnh chiếm và giành quyền kiểm soát nhiều vùng biển đảo khác, kể cả những khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước láng giềng, cách rất xa bờ biển của Trung Quốc.

Mới đây, Philippines vừa ký thỏa thuận mua phi cơ quân sự của Hàn Quốc và Canada với trị giá 528 triệu đô la, giữa lúc các căng thẳng với Trung Quốc ngày càng tăng trong các tranh cãi lãnh thổ. “Sau hơn bốn thập niên trì trệ trong giấc mơ cải thiện được năng lực, nay không lực của chúng tôi đã tìm được sức sống mới với chương trình hiện đại hóa quân sự”, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin được AFP dẫn lời. Philippines cũng hoàn tất một hợp đồng trị giá 4,8 tỉ peso với hãng Canadian Commercial Corp và Bell Helicopters của Canada cho tám chiếc trực thăng quân sự.

Đây là một phần trong nỗ lực của Philippines, chi 75 tỉ peso nhằm nâng cấp các lực lượng vũ trang, nhất là các đơn vị có nhiệm vụ tuần tra ở khu vực tranh chấp trên biển Đông.

 

Theo TNO

Related Articles

Leave a Comment