Home Pháp luật Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển.

Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển.

by admin

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa ký Quyết định số 06/2014/QĐ-TTg, ngày 20/01/2014 ban hành Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển.

Quy chế này quy định về hoạt động phối hợp tìm kiếm, cứu nạn (TKCN) trên biển và trong vùng nước cảng biển; trách nhiệm chủ trì, phối hợp tìm kiếm, cứu nạn của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển và các tổ chức, cá nhân. Đối tượng áp dụng của quy chế này là tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, các nhân nước ngoài liên quan đến hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam và trong vùng nước cảng biển.

Về phân vùng trách nhiệm chủ trì phối hợp tìm kiếm, cứu nạn người, phương tiện hoạt động trên biển và trong vùng nước cảng biển, Quyết định nêu rõ: Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam có trách nhiệm chủ trì phối hợp hoạt động TKCN trên vùng biển Việt Nam, trừ vùng nước cảng biển, vùng cấm và vùng hạn chế trên biển; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chủ trì phối hợp TKCN trong khu vực thuộc địa bàn quản lý, trừ vùng nước cảng biển, vùng cấm và vùng hạn chế do Bộ Quốc phòng công bố; Cảng vụ Hàng hải chủ trì phối hợp hoạt động TKCN trong vùng nước cảng biển; Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp hoạt động TKCN trong vùng cấm và vùng hạn chế trên biển; Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì, huy động lực lượng, phương tiện của các Bộ, ngành, địa phương tham gia phối hợp TKCN trong trường hợp vị trí của người, phương tiện bị nạn không xác định; nằm trong vùng giáp ranh với quốc gia khác và trên vùng biển Việt Nam trong trường hợp tình huống vượt khả năng ứng phó của các cơ quan trên.

 

Tàu SAR 274, thuộc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải
khu vực 2 (Danang MRCC) luôn túc trực 24/24 giờ sẵn sàng đảm trách
nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển. (Ảnh: Đình Tăng)

 

Quyết định cũng nêu rõ, tàu thuyền của tổ chức, cá nhân khi hoạt động trên biển, phát hiện hoặc nhận được thông tin về ngư dân, tàu cá bị nạn phải thông báo ngay cho một trong các cơ quan sau đây để tổ chức phối hợp tìm kiếm cứu nạn: Cảng vụ hàng hải; Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam; Đồn, trạm của Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển nơi gần nhất; Lực lượng Kiểm ngư; Hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam; Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… Còn đối với trường hợp tổ chức, cá nhân có người, phương tiện bị nạn hoặc có nguy cơ bị nạn trong vùng nước cảng biển cần trợ giúp có trách nhiệm thông báo cho Cảng vụ hàng hải; Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ đội Biên phòng cửa khẩu và Hệ thống đài thông tin duyên hải về thời gian, vị trí, số người bị nạn và tình trạng sức khỏe, tình trạng phương tiện; đồng thời, bảo đảm việc duy trì liên lạc với Cảng vụ hàng hải để thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn, trợ giúp…

Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn có trách nhiệm chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch quốc gia về tìm kiếm, cứu nạn trên biển, xây dựng các phương án phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trong các tình huống dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; chủ trì điều động các lực lượng, phương tiện của các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức và cá nhân tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển khi tình huống xảy ra vượt quá khả năng của lực lượng tìm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp, Bộ ngành, địa phương…

Các Bộ, ngành khác có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành có lực lượng, phương tiện có khả năng và đủ điều kiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển báo cáo về Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn nghiên cứu, đưa vào phương án sử dụng lực lượng, phương tiện trong kế hoạch quốc gia về tìm kiếm, cứu nạn trên biển; phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn trong việc xây dựng phương án sử dụng lực lượng, phương tiện của Bộ, ngành mình tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển và vùng nước cảng biển. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn để huy động lực lượng, phương tiện của địa phương, của các cơ quan, tổ chức Trung ương tại địa phương tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong khu vực thuộc địa bàn quản lý, vùng nước cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão, vùng nước cảng và luồng thủy nội địa; tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân và tổ chức, các nhân liên quan về nội dung của Quy chế này…

Ngoài ra, các tổ chức, các nhân có phương tiện hoạt động trên biển phải chấp hành lệnh của Cơ quan có thẩm quyền huy động phương tiện của mình tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển; phối hợp và thông tin, báo cáo đầy đủ theo nội dung yêu cầu của Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn để tiến hành và giải quyết vụ tìm kiếm, cứu nạn đối với người, phương tiện của mình…

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/03/2014./.

Theo ĐCSVN

Related Articles

Leave a Comment