Luật Giao thông đường Thủy nội địa có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015 quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện không có quy định về niên hạn sử dụng mà các DN vận tải thủy gọi nôm na là tuổi tàu. Tuy nhiên, dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật lại quy định vấn đề này.
Tàu vỏ gỗ du lịch tại Quảng Ninh có tuổi tàu 10 năm đều phải bọc lớp vỏ ngoài Com-po-zit, do vậy nếu có thì nên quy định niên hạn cho loại tàu này từ 25 – 30 năm mới hợp lý
Điều này khiến nhiều DN vận tải thủy tại Hạ Long lo ngại. Các DN cho biết, để đảm bảo tính an toàn cho phương tiện trong quá trình hoạt động, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địaquy định thêm tại khoản 5; Điều 24 như sau: “Phương tiện phải đảm bảo còn niên hạn sử dụng theo quy định của Chính phủ”.
Để đảm bảo cho Luật đi vào cuộc sống từ 1/1/2015, ngày 6/9/2014 Chính phủ ban hành Dự thảo Nghị định: “quy định niên hạn sử dụng và niên hạn sử dụng của phương tiện được phép nhập khẩu đối với phương tiện thủy nội địa”. Theo đó, tại Điều 6 dự thảo Nghị định này quy định thời điểm tính niên hạn sử dụng : “1.Niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa được tính từ ngày cấp hồ sơ đăng kiểm lần đầu tiên cho phương tiện hoạt động sau khi kết thúc đóng mới”. Điều đáng nói, dự thảo Nghị định không nói rõ niên hạn sử dụng có trừ các phương tiện đã đóng trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành hay không.
Tức là nếu dự thảo Nghị định được thông qua thì đồng nghĩa là ở đây luật có chiều hướng quay lại “hồi tố”? Nói cụ thể là những chủ phương tiện đã đầu tư mua các phương tiện thủy nội địa này từ trước có nguy cơ phá vỡ kế hoạch.
Nếu quy định niên hạn sử dụng tàu quá ngắn có thể là tác dụng ngược. |
Lấy đơn cử ở Quảng Ninh cho thấy, có những con tàu du lịch khoảng từ 10 – 15 tuổi nhưng chủ tàu đã đóng mới phương tiện để sử dụng. Trên hồ sơ thì tuổi phương tiện đã cao, nhưng thực tế là tàu mới đóng lại. Do vậy, nếu áp dụng niên hạn là 20 năm thì phương tiện mới sử dụng đã phải bỏ đi, nguy cơ phá sản của DN sẽ cầm chắc trong tay khi chưa kịp thu hồi vốn.
Hơn nữa, theo các DN, hiện nay tàu vỏ gỗ tại Quảng Ninh có tuổi tàu là 10 năm đều phải bọc lớp vỏ ngoài Com-po-zit, tốn kém nhưng an toàn do vậy niên hạn 20 năm cho tàu vỏ gỗ là quá lãng phí. Nếu có thì nên quy định niên hạn cho loại tàu này từ 25 – 30 năm mới hợp lý. Nếu quy định niên hạn sử dụng tàu quá ngắn có thể là tác dụng ngược vì các chủ phương tiện sẽ hạn chế đầu tư, sửa chữa lớn nhằm thu hồi vốn nhanh và như thế, tính an toàn có nguy cơ ngày càng xuống thấp.
Đặc biệt, trong khi Thông tư 43/2012 của Bộ GTVT quy định không đóng mới, hoán cải tàu du lịch lưu trú, nhà hàng nổi, khách sạn nổi bằng vỏ gỗ. Vì vậy, cùng với việc tàu vỏ thép ra đời hàng loạt sẽ là một cuộc cạnh tranh khốc liệt khiến các tàu vỏ gỗ sẽ tự “biến mất”.
Một số chuyên gia cho rằng các tiêu chuẩn về tàu thuyền của Việt Nam là áp dụng theo tiêu chuẩn của Liên Xô cũ. Trong khi một nước tiên tiến về khoa học công nghệ, mạnh về tài chính như họ lại không có quy định về niên hạn sử dụng tàu là có cơ sở khoa học của nó. Thậm chí họ cho phép thay mới từng phần con tàu từ vỏ đến máy vì đóng mới một phương tiện thủy nội địa là vô cùng tốn kém.
Nên chăng các cơ quan ban hành văn bản pháp luật quy định niên hạn cho phương tiện thủy nội địa của Việt Nam cần cân nhắc thấu đáo giữa tính an toàn phương tiện với “bài toán” tài chính mà chủ phương tiện phải “vò đầu” vì sự sống còn của DN.
Và một nguyên tắc từ trước tới nay là, luật không “hồi tố”, tức là luật chỉ điều chỉnh các hành vi tính từ khi luật bắt đầu có hiệu lực.
(Theo DĐDN)