Home An ninh biển đảo Sóng gió An Bang

Sóng gió An Bang

by admin

Đảo An Bang nằm ở cực Nam quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Từ xa nhìn lại, đảo giống như một quả nấm nhấp nhô giữa trùng khơi. Vì thềm san hô hẹp, sóng gió “dữ dội” hơn những đảo khác, nên việc ra, vào đảo vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Thế nên cánh lính trẻ còn gọi đảo với cái tên khác, nghe ngồ ngộ: “đảo Lò Vôi”. An Bang còn có một tên gọi khác nữa là đảo Đồng Hồ, vì dưới chân đảo thường nổi lên bãi cát nhỏ di chuyển theo mùa, chạy vòng quanh. Theo chu kỳ bãi cát di chuyển hết một vòng là tròn một năm.

Đúng 7 giờ sáng, tàu Trường Sa 22 kéo 3 hồi còi gióng giả rồi rùng mình thả neo, chuẩn bị hạ xuồng “tăng bo” mọi người lên đảo. Trước lúc triển khai công tác chuẩn bị, Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Phó lữ đoàn trưởng Quân sự Lữ đoàn 146 (Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân) căn dặn: “Quanh đảo An Bang sóng cuồn cuộn có thể cuốn phăng mọi thứ. Các đồng chí lưu ý mang áo phao, gói ghém đồ đoàn cẩn thận. Lát nữa sẽ có “đội cảm tử” dẫn đoàn lên đảo!”.

 

Xuồng CQ kéo xuồng chuyển tải vượt sóng vào đảo An Bang

 

Lúc thủy thủ tàu Trường Sa 22 chuẩn bị hạ xuồng, bỗng nhiên từng đợt sóng lớn hung hãn ập tới. Sóng thét gào, xô đẩy trước, sau, bên phải, bên trái tại các điểm tiếp cận đảo. Thuyền trưởng, Thượng úy Lê Minh Phúc trấn an: “Bão tố ở đảo An Bang là chuyện “như cơm bữa”. Mọi người bình tĩnh, sẽ không có chuyện gì xảy ra đâu!”.

 

Tuy thuyền trưởng Phúc nói vậy, nhưng phải hơn nửa giờ sau sóng mới tạm yên. Sau khi cán bộ, chiến sĩ “thay quân” và đội ngũ phóng viên báo chí hoàn tất công tác chuẩn bị, Thượng tá Nguyễn Hồng Quân hạ lệnh xuống xuồng chuyển tải. Chiếc xuồng dập dềnh một chút rồi thẳng hướng đảo An Bang. Khi xuồng còn cách mép đảo chừng hơn 100 mét, bỗng nhiên gặp đợt sóng ngầm, khiến chúi mũi, chòng chành, rồi quay tròn. Trong lúc mọi người đang hốt hoảng, thì một chiến sĩ trong “đội cảm tử” bắt được dây xuồng. Chỉ đợi có thế, toàn bộ thành viên “đội cảm tử” lao ra chân sóng, cùng nhau kéo xuồng lên doi cát trước đảo. Cuối cùng các thành viên trên chiếc xuồng chuyển tải cũng lên được đảo trong tiếng thở phào nhẹ nhõm.

 

“Đội cảm tử” đảo An Bang đưa khách lên đảo

 

Trung tá Vũ Minh Thân, Chỉ huy trưởng đảo An Bang, ra tận mép nước đón từng người lên đảo. Câu chuyện giữa chủ và khách ngày càng thắm thiết. Trung tá Thân tâm sự: “An Bang là chốt “tiền tiêu” bảo vệ vùng biển đảo phía Nam Trường Sa. Vì thường xuyên hứng chịu những trận cuồng phong,  sóng dữ nên cán bộ, chiến sĩ trên đảo rất kiên cường về ý chí, vững vàng về tư tưởng, sức khỏe dẻo dai, tính cách ngay thẳng, bộc trực. “Đội cảm tử” đảo An Bang gồm những chiến sĩ “thiện chiến” về bơi lội, chịu trách nhiệm đón đưa khách và vận chuyển hàng hóa. Việc bơi ra bắt dây, kéo xuồng lên bờ hoặc đẩy xuồng xuống biển về lại tàu lớn, đòi hỏi các thành viên “đội cảm tử” biết chớp thời cơ giữa hai con sóng để thực thi nhiệm vụ nhằm tránh rủi ro.!”.

 

Để nâng cao sức khỏe và tạo ra những phút giây thư giãn bổ ích, ngày nghỉ, giờ nghỉ, bộ đội và nhân viên Trạm hải đăng tổ chức thi đấu giao hữu bóng đá, bóng chuyền, cầu lông…Trên đảo còn có chuyện chiến sĩ “kéo co” với những chú…cẩu hay “chạy thi” với các chú…heo. Các “trận đấu” thú vị giữa người và vật nuôi không những tạo nên tiếng cười sảng khoái, mà còn tạo cảm giác gần gũi với đất liền…

 

Sóng gió biển khơi và bao thử thách không làm sờn lòng những người lính đảo. Nhiều năm qua cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”, vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công Hạng Ba.

 

Thiếu tá Trần Duy Tân, Chính trị viên đảo An Bang tâm sự: “Dẫu cuộc sống ở đảo còn nhiều thiếu thốn, song bộ đội sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo cho ngư dân. Câu chuyện cảm động về tình đoàn kết quân-dân trên đảo An Bang năm 2006 là kỷ niệm khó phai…Khi cơn bão Chan-Chu vừa tan, cũng là lúc tại khu vực đảo có chiếc tàu của ngư dân Quảng Ngãi chết máy trôi dạt trên biển. Trước tình hình đó, Ban chỉ huy đảo nhanh chóng cho xuồng ra thăm hỏi, hỗ trợ lương thực, thực phẩm. Biết chiếc tàu cá vì tránh bão dài ngày nên đã hết nhiên liệu, không ngần ngại, cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang nhường luôn số dầu dự trữ thắp sáng cho chiếc tàu ấy trở lại đất liền…”.

 

Bài và ảnh: Tùng Lâm

 

Related Articles

Leave a Comment