Home Hồ sơ - Tư liệu Thái Bình hướng tới khu kinh tế biển quốc gia

Thái Bình hướng tới khu kinh tế biển quốc gia

by admin

Những năm gần đây, Thái Bình đã thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp tổ chức cho nhân dân đầu tư, khai hoang lấn biển, phát triển nuôi trồng thủy hải sản… coi đây là một trong những trọng tâm cần tập trung tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Việc Chính phủ đồng ý cho Thái Bình xây dựng khu kinh tế biển, cũng chính là cơ hội để Thái Bình trong tương lai không xa sẽ trở thành khu kinh tế biển quốc gia.  

* Khai thác lợi thế vùng ven biển

Thái Bình có bờ biển dài trên 50 km với 5 cửa sông lớn đổ ra biển, tạo nên vùng bãi triều rộng trên 16 nghìn ha; trong đó diện tích khoanh nuôi thủy sản khoảng 10 nghìn ha và hàng nghìn ha đất cấy lúa, làm muối kém hiệu quả đang được nông dân chuyển sang nuôi các loài thủy sản mặn, lợ có hiệu quả kinh tế cao. Vùng thềm lục địa của tỉnh rộng trên 1 vạn km2 với nguồn lợi hải sản phong phú, đa dạng, nhiều loài có giá trị lại gần các ngư trường lớn rất thuận lợi cho nghề khai thác biển phát triển. Cảng biển quốc gia Diêm Điền, cảng cá cửa Lân, Nam Thịnh bước đầu được đầu tư nâng cấp tạo điều kiện giao lưu hàng hóa với các tỉnh trong nước và quốc tế.

Ngay từ Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2005 – 2010 đã khẳng định việc đẩy mạnh khai thác kinh tế biển, nhanh chóng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn… Do vậy, từ nhiều năm nay, Thái Bình đã đặt nhiệm vụ phát triển kinh tế biển là một trong năm trọng tâm cần tập trung tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Được Trung ương, Bộ Quốc phòng đầu tư, đến nay tỉnh đã xây dựng được đường ra Cồn Vành (cách bãi biển Đồng Châu khoảng 7 km về hướng Đông Nam), nối đất liền với biển, biến vùng đất bãi sa bồi rộng gần 2.000 ha này thành khu du lịch sinh thái kết hợp với an ninh quốc phòng. Tỉnh đã và đang tích cực triển khai xây dựng và thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải đến năm 2020; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng ven biển (gồm 30 xã ở 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải); quy hoạch phát triển vùng nuôi ngao ven biển; quy hoạch khu du lịch sinh thái Cồn Vành, Cồn Đen…

Rừng ngập mặn ven biển được trồng tích cực bằng nguồn vốn của chương trình 5 triệu ha rừng và nguồn vốn của Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch tài trợ. Những năm gần đây, mỗi năm diện tích rừng ngập mặn của Thái Bình được phát triển và trồng mới gần 1.000 ha. Tốc độ bồi lắng phù sa tăng nhanh, bãi bồi ngày càng được mở rộng và nâng cao nên các loài phù du, sinh vật biển sinh sôi, tạo nguồn thức ăn phong phú kéo theo các loài thủy sản như tôm, cua, cá, ngao và các loài nhuyễn thể phát triển mạnh trở thành nguồn lợi thủy sản lớn và là nguồn thu nhập quan trọng đối với cư dân vùng ven biển.

Không những thế, rừng ngập mặn còn là vành đai che chắn và bảo vệ đê biển khi có bão và triều cường, bảo vệ vùng đầm nuôi thủy sản, tạo nên sự lắng đọng và bồi tụ phù sa. Đây cũng là nơi cư ngụ của khoảng 200 loài chim, trong đó có nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ thế giới. Hiện trong tổng số trên 7.000 ha rừng ngập mặn ở Thái Bình thì rừng đặc dụng chiếm trên 3.000 ha còn lại là rừng phòng hộ. Hàng ngàn ha rừng sú, vẹt phía ngoài đê PAM cùng với Cồn Vành, Cồn Thủ, Cồn Đen tạo nên hệ thống phòng thủ ven biển vững chắc, kết hợp với nuôi thủy sản, trồng rừng ngập mặn và du lịch sinh thái. Năm 2008, vùng đất ngập mặn ven biển Thái Bình đã được UNESCO công nhận là một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cùng với trồng rừng ngập mặn, hệ thống đê biển của tỉnh đang được đầu tư nâng cấp với tổng số vốn 380 tỉ đồng. Đến nay, đã có trên 30 km trong tổng số 152 km đê biển được kiên cố và cứng hóa, bảo đảm chống đỡ được với sóng to, bão giật.

Hướng ra biển, khai thác lợi thế kinh tế vùng ven biển cũng chính là hướng đi phát triển kinh tế chủ yếu của 2 huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy, trong đó tập trung vào 2 lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Ngoài 3.000 ha đầm đã có, 2 huyện ven biển này đã tích cực chuyển đổi hơn 1.100 ha đất cấy lúa, làm muối kém hiệu quả sang nuôi thủy sản mặn, lợ cho giá trị cao gấp 5 – 6 lần cấy lúa, làm muối. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản mặn, lợ phát triển mạnh cả về diện tích và sản lượng, đến nay đã tăng trên 4.800 ha với sản lượng đạt khoảng 50 – 60 ngàn tấn. Các loại hải sản có giá trị kinh tế như tôm sú, ngao, cá vược, các bớp, cua xanh, tôm he chân trắng…được ngư dân đưa vào nuôi luân canh, xen canh đạt hiệu quả. Huyện Thái Thụy trở thành huyện có vùng lấn biển, hình thành các đầm nuôi hải sản và vùng rừng ngập mặn lớn nhất Thái Bình; mỗi năm khai thác khoảng 29 – 30 ngàn tấn thủy hải sản; môi trường sinh thái ven biển được cải thiện, đem lại nhiều lợi ích. Hàng ngàn hộ dân và doanh nghiệp ở huyện Tiền Hải cũng mở hướng lấn biển làm giàu, hình thành các đầm nuôi tôm cá, thu nhập cao và mở ra nhiều điểm du lịch sinh thái ven biển mới.

Khai thác lợi thế của biển, hiện nay Thái Bình đã có đội tàu vận tải biển với 140 tàu vận tải cỡ lớn, trong đó có tàu 12.000 tấn với năng lực vận tải biển đạt trên 540 ngàn tấn phương tiện, tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Do được đầu tư mở rộng, nâng cấp thành cảng thương mại quốc tế, lượng hàng vận chuyển thông qua cảng Diêm Điền đạt 39.000 tấn, gấp 3,9 lần so với trước. Nhằm khai thác mở rộng giao lưu thương mại, tỉnh đã cải tạo, nâng cấp 21 chợ ở các xã ven biển, tổ chức cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã của 2 huyện ven biển gặp gỡ, trao đổi để ký hợp đồng mua bán với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản trong và ngoài nước. Hằng năm, các mặt hàng thủy hải sản trong tỉnh được xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc từ 5 – 6 nghìn tấn ngao, 2 nghìn tấn sứa sơ chế và hàng nghìn tấn hải sản tươi sống khác với giá trị khoảng 8 -9 triệu USD…

Mặc dù bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới và suy giảm kinh tế trong nước, nhưng sản xuất công nghiệp biển của tỉnh vẫn có mức tăng trưởng khá, đã thu hút được một số dự án đầu tư lớn. Hiện Thái Bình đang phối hợp với Tập đoàn dầu khí quốc gia triển khai dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ thềm lục địa vào bờ với sản lượng khí khoảng 300 triệu m3/năm, dự kiến đến tháng 9/2103 sẽ hoàn thành để phát triển sản xuất công nghiệp ven biển của tỉnh. Tỉnh phối hợp với Tập đoàn Than và khoáng sản triển khai dự án thăm dò và khai thác thử nghiệm bể than nâu tại khu vực bãi bồi ven biển; đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án Trung tâm điện lực Thái Bình tại xã ven biển Mỹ Lộc (công suất 1.800MW) và Nhà máy sản xuất Amôn Nitrat (công suất 200 ngàn tấn/năm)…nhằm khai thác, phát triển kinh tế biển của tỉnh.

* Xây dựng khu kinh tế biển quốc gia

Việc Chính phủ đồng ý cho tỉnh Thái Bình xây dựng khu kinh tế biển không chỉ do Thái Bình có biển, mà còn hội đủ các điều kiện để phát triển kinh tế tổng thể khu vực nam đồng bằng sông Hồng và phát triển kinh tế của cả nước. Đây không chỉ là một trong những trọng điểm mang tính bứt phá, bước ngoặt để phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, mà còn đưa Thái Bình trở thành khu kinh tế biển quốc gia trong tương lai không xa.

Nắm bắt cơ hội này, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển, đảo tới các cấp chính quyền địa phương và người dân vùng biển nhằm nâng cao nhận thức về chiến lược phát triển kinh tế biển, gắn phát triển kinh tế với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên biển. Sau khi HĐND tỉnh (khóa XIV) tại kỳ họp thứ 14 thông qua nghị quyết về Quy hoạch xây dựng Khu kinh tế biển quốc gia Thái Bình, tỉnh đã giao cho Sở Kế hoạch và đầu tư phối hợp với Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và đầu tư) hoàn thiện Đề án Khu kinh tế biển quốc gia Thái Bình đến năm 2020.

Theo UBND tỉnh, khu kinh tế biển Thái Bình lấy dải đất ven biển từ xã Thụy Hải (huyện Thái Thụy) đến xã Nam Phú (huyện Tiền Hải) và phần đất ngập nước ven bờ, có tổng diện tích hơn 30.580 ha. Trong đó, phần diện tích đất tự nhiên theo ranh giới các xã là 21.583 ha, còn lại là phần diện tích ngập nước ven bờ khoảng 9.000 ha. Điều thuận lợi là phần dự kiến xây dựng chủ yếu là khu vực bãi bồi ven biển nên không ảnh hưởng tới việc giải phóng mặt bằng, quốc phòng và sinh thái ven biển. Diện tích này phù hợp cho quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị… với chi phí đầu tư không cao như các vùng khác. Không tác động tiêu cực đến các khu bảo tồn thiên nhiên mà tiếp tục phát triển thêm quỹ đất cho các khu vực ven biển, hình thành mới các vành đai sinh thái ngập mặn, là lá chắn cho khu vực đất liền.

Giai đoạn đầu sẽ tập trung ưu tiên phát triển khu vực phía đông của Quốc lộ ven biển với quy mô khoảng 10.000 ha nằm trong khu vực đất bãi bồi, không có dân cư, không có đất lúa. Đầu tư xây dựng một số hạng mục kết cấu hạ tầng (như luồng tàu vào cảng, xây dựng nâng cấp cảng Diêm Điền…) và phát triển các ngành công nghiệp gắn với biển như: Công nghiệp đóng tàu, sản xuất điện năng, chế biến thủy sản, sản xuất phân đạm, NH3, VLXD cao cấp, nguyên liệu cho ngành khai khoáng…).; phát triển các khu du lịch Cồn Đen, Cồn Vành, Đồng Châu; xây dựng cảng, khu phi thuế quan và nâng cấp các khu đô thị hiện có như: thị trấn Diêm Điền, thị trấn Tiền Hải… phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 30 – 40% GDP của tỉnh và đến năm 2030 hoàn thành việc đầu tư phát triển khu kinh tế ven biển Thái Bình vững mạnh.

Trong định hướng phát triển giao thông của vùng sẽ có quốc lộ ven biển, đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh qua Thái Bình. Trong tương lai gần với những điều kiện về hạ tầng kết nối bên ngoài sẵn có và phát triển, cùng với sự tác động của các công trình, dự án lớn trên địa bàn là Nhà máy nhiệt điện Thái Bình, cảng biển Diêm Điền, dự án xây dựng đường ống dẫn khí vào bờ… khu kinh tế biển Thái Bình sẽ tạo ra bước đột phá lớn trong phát triển kinh tế – xã hội của 2 huyện ven biển Thái Thụy, Tiền Hải và toàn tỉnh; đồng thời còn đóng góp lớn vào sự tăng trưởng cho cả vùng nam đồng bằng sông Hồng./.

                                                                              (Theo TTXVN) 

Related Articles

Leave a Comment