Tín dụng đang được coi là “nút thắt” lớn nhất trong triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, đánh bắt xa bờ. Để gỡ được nút thắt này, cần hơn hết là sự bắt tay liên ngành ngân hàng và nông nghiệp.
Ngư dân ngồi bờ chờ Nghị định
Nghị định 67 có hiệu lực từ ngày 25/8/2014, nhưng đến nay mới có 12 địa phương (trong số 28 tỉnh) đã phê duyệt 352 chủ đầu tư tàu cá đánh bắt xa bờ là ngư dân, trong đó, nâng cấp 34 chiếc, đóng mới là 151 chiếc, vật liệu mới 16 chiếc, tàu gỗ 185 chiếc.
Theo ngư dân nhiều địa phương có truyền thống đánh bắt xa bờ, một phần nguyên nhân là do thiết kế tàu chưa phù hợp với ngư trường. Nhưng quan trọng nhất là giá tàu khá cao, không được dùng máy cũ cho tàu mới, khiến ngư dân loay hoay tìm cách tiếp cận vốn từ ngân hàng nên chưa thể “nhìn thấy” rõ những ưu đãi từ Nghị định này.
Tại Đà Nẵng, ông Mai Đăng Nhiều, chủ tàu cá ĐNa 90022 TS, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) cho biết, phường An Hải Bắc có 28 tổ chức, cá nhân đăng ký đóng mới tàu cá theo Nghị định 67, nhưng chỉ có 10 suất được đóng mới, trong đó, ngư dân chỉ có 3 chiếc, còn lại 7 chiếc thuộc về doanh nghiệp. Ngư dân vẫn chưa vay được vốn, mới chỉ làm thủ tục để đăng ký đóng mới tàu.
Ngư dân Nguyễn Duy Trinh ở xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi hiện đang sở hữu một tàu cá với công suất hơn 200CV, chủ yếu đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, cho biết: “Mặc dù tôi đã được tỉnh phê duyệt vào danh sách đóng mới tàu, nhưng để tiếp cận được vốn vay là rất khó. Hơn nữa, để đóng được một con tàu phải trải qua rất nhiều công đoạn, nên tôi đang băn khoăn không biết nên đóng theo thiết kế mẫu, hay tự thuê công ty thiết kế riêng”.
“Chẳng hạn, thiết kế tàu mẫu dành cho 12 người, còn mình muốn 14 người thì phải sửa chữa, nâng cấp thêm. Chủ tàu muốn tự thuê thiết kế thì phải bỏ ra đến vài trăm triệu đồng. Mà ngân hàng chỉ giới thiệu có 1 công ty tư vấn, thiết kế, nên chủ tàu không có nhiều sự chọn lựa”, ngư dân Trinh cho biết thêm.
Một tâm lý nữa của ngư dân chính là việc e ngại vay vốn quá lớn không đủ sức trả. Ở Quảng Ngãi có 2 chủ tàu đăng ký vay vốn lên tới 16,9 tỷ đồng, nhưng khi ngân hàng tính mức lãi suất phải trả là 1,4 tỷ đồng/năm thì họ sợ và rút lui không vay nữa.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cũng nhìn nhận tiến độ thực hiện theo Nghị định 67 chậm so với kế hoạch.
Ông cũng lý giải mặt kỹ thuật của sự chậm trễ này là do việc triển khai Nghị định vào cuối năm, trong khi ngư dân có tập quán đóng tàu cũng giống như việc xây nhà, kiêng kéo dài 2 năm.
Quyết tâm đưa Nghị định vào cuộc sống
Triển khai Nghị định 67 đang gặp nhiều vướng mắc, nhưng để Nghị định này phát huy tác dụng không phải là điều không thể.
Tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Ngân hàng BIDV đã ký kết hợp đồng tín dụng hỗ trợ ngư dân tỉnh Bình Định vay vốn đóng tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ. Theo đó, 4 hợp đồng tín dụng đã ký kết có tổng giá trị 61 tỷ đồng, vay vốn đóng tàu vỏ thép. Đây là 4 ngư dân đầu tiên trong tổng 37 ngư dân đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt danh sách đợt 1 năm 2014 cho các chủ tàu có đủ điều kiện vay vốn đóng tàu mới khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá theo Nghị định 67.
Con số các ngư dân được vay vốn theo Nghị định 67 chưa nhiều, nhưng không còn là số “0” tròn trĩnh, cho thấy, nếu nút thắt tín dụng được ngân hàng vào cuộc tháo gỡ quyết liệt, sẽ có những đường sáng cho ngư dân.
Thực tế qua tìm hiểu, phía ngân hàng do dự là vì sợ hồ sơ sai sót, cần phải kiểm chứng cụ thể, nhiều trường hợp trong hồ sơ đăng ký làm nghề này, nhưng thực tế lại làm nghề khác. Theo ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi: “Việc của các ngân hàng, các địa phương, ban ngành liên quan lúc này là cùng nhau phối hợp tháo gỡ vướng mắc, tuyên truyền cho ngư dân hiểu rõ. Thận trọng là cần thiết, nhưng không vì thế mà làm chậm tiến độ, phải tích cực với những trường hợp đủ điều kiện”.
Để giải quyết rốt ráo vấn đề tín dụng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chính thức yêu cầu các địa phương phải đưa đại diện ngân hàng vào tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67, để ngân hàng có thể tiếp cận và thẩm định hồ sơ từ đầu. Như vậy, sau khi cấp tỉnh phê duyệt danh sách thì ngân hàng cũng có thể giải ngân.
Về vấn đề tài sản thế chấp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, quy định này thực hiện theo nguyên tắc tín dụng thông thường.
Đối với việc cho vay vốn lưu động phục vụ mỗi chuyến đi biển, theo lãnh đạo BIDV, vẫn cần tài sản thế chấp khác, vì ngân hàng không có căn cứ tính toán bà con sẽ trả lãi và vốn như thế nào.
Nhìn nhận đây là một trong những khúc mắc lớn nhất trong giải ngân tín dụng theo Nghị định 67, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị phía ngân hàng bằng thẩm quyền của mình xử lý việc này theo hướng cho ngư dân vay vốn theo tín chấp. Phải đúng pháp luật và chặt chẽ, không dễ dãi, để tránh xuất hiện tiêu cực; thực hiện đúng đối tượng cần vay vốn, hạn chế không để kẻ xấu lợi dụng.
Về chính sách đầu tư trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, vốn cho phát triển thủy sản năm 2015 chưa đạt yêu cầu thì các bộ tiếp tục tính toán cân đối các nguồn vốn khác trong và ngoài ngân sách để thực hiện, nhưng phải rà soát, ưu tiên cho vùng trọng điểm về thủy sản trước.
Để giải đáp những thắc mắc của ngư dân, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đề nghị cứ 6 tháng sẽ sơ kết việc thực hiện Nghị định 67 một lần, để nghe và giải quyết những vướng mắc của ngư dân.
(Theo Chinhphu.vn)