Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng cứng rắn và quyết liệt hơn trong việc khẳng định và bảo vệ các yêu sách của họ ở biển Đông, làm dấy lên nỗi bất bình của các quốc gia trong khu vực. Gần đây, họ ‘bỗng dưng’ thay đổi, khiến nhiều người ngạc nhiên.
Biển Đông từ lâu là khu vực diễn ra các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và hàng hải vô cùng phức tạp giữa sáu bên bao gồm 5 quốc gia và một vùng lãnh thổ trong khu vực bao gồm: Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Trong đó, Trung Quốc, dựa vào vị thế là nước lớn nhất khu vực, những năm gần đây ngày càng cứng rắn hơn trong việc khẳng định và bảo vệ các yêu sách của họ tại biển Đông bất chấp nhiều khi, các yêu sách của họ rất vô lý và xâm phạm đến các lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác trong khu vực.
Chẳng hạn, Bắc Kinh công khai thách thức các công ty dầu mỏ nước ngoài đã và đang có ý định đầu tư vào ngành công nghiệp năng lượng ngoài khơi, bất chấp tính hợp pháp của các thỏa thuận hợp tác giữa họ.
Tham vọng hơn, Trung Quốc mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền đối với các hòn đảo và các vùng nước nằm ngoài khơi xa, cách biệt với đại lục, nằm ngoài khu vực đặc khu kinh tế của họ.
Chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc không ngại bắt và giam giữ ngư dân láng giềng trái phép nếu họ lỡ lạc bước đến gần các khu vực tranh chấp thuộc đảo Hoàng Sa. Trung Quốc cũng không ít lần quấy nhiễu, xua đuổi các tàu khảo sát địa chấn của các quốc gia trong khu vực, chẳng hạn, Việt Nam và Philippin nếu phát hiện các tàu này lảng vảng xung quanh vùng lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Nhiều quốc gia Đông Á quan ngại lối hành xử của Trung Quốc là dấu hiệu chứng tỏ nước này sẵn sàng cho một cuộc đối đầu đơn phương trong khu vực.
Tuy nhiên, theo một bài bình luận mới đây đăng trên Tạp chí Foreign Affairs của Mỹ thì gần đây, Trung Quốc thay đổi phương pháp tiếp cận, trở nên ôn hòa hơn, mềm dẻo và linh hoạt hơn trong các vấn đề liên quan đến biển Đông.
Trung Quốc đang thay đổi cách tiếp cận đối với các vấn đề trên biển Đông? Ảnh minh họa: Asia Times. |
Trung Quốc trở nên hiền lành hơn?
Theo tạp chí Foreign Affairs, những biểu hiệu đầu tiên chứng minh Trung Quốc chuyển đổi phương pháp tiếp cận từ cứng rắn sang mềm dẻo, linh hoạt hơn bắt đầu lộ ra từ hồi tháng 6 năm ngoái.
Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự kiện Việt Nam cử Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn sang Trung Quốc với tư cách là Đặc phái viên của Chính phủ Việt Nam sang Trung Quốc để hội đàm về các vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa hai nước.
Kết quả là, chuyến công du Bắc Kinh của Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn mở đường cho một thỏa thuận giữa Trung Quốc và mười thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau đó, được ký vào hồi tháng 7/2011 – một kết quả vượt ra ngoài mọi mong đợi trước đó.
Cụ thể, đó chính là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) bao gồm tập hợp các quy tắc hướng dẫn các bên liên quan trực tiếp đến các tranh chấp lãnh hải ở biển Đông ứng xử một cách hợp lý dựa trên các nguyên tắc và luật lệ quốc tế.
Trước đó, bản dự thảo của DOC lần đầu tiên được các bên soạn thảo năm 2002 sau hàng loạt các sự cố trên biển Đông.
Kể từ mùa hè năm ngoái, các quan chức cấp cao của Trung Quốc, trong đó, bao gồm hai nhà lãnh đạo hàng đầu của nước này là Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo, từng nhiều lần đề cập đến việc thực thi Bộ nguyên tắc chỉ đạo giải quyết các xung đột lãnh hải của Trung Quốc của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (phải) và Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Ảnh minh họa: The Age. |
Nội dung xuyên suốt Bộ nguyên tắc này là các bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp lãnh hải trên biển Đông gác lại những yêu sách chủ quyền của mình và cùng khai thác nguồn tài nguyên hàng hải.
Một ví dụ – hồi tháng 8/2011, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào từng nhắc lại cách tiếp cận của Đặng Tiểu Bình thông qua tuyên bố: “Các quốc gia phải đặt các tranh chấp sang một bên và chủ động tìm kiếm các thể thức phát triển chung trong các vùng biển liên quan”.
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc cũng bắt đầu nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác. Chẳng hạn, kể từ tháng 8 năm ngoái, trang quốc tế của tờ People’s Daily bắt đầu đăng hàng loạt bài bình luận nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hạn chế đối đầu tại biển Đông như là bằng chứng minh chứng cho sự chuyển đổi cách tiếp cận của đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền về vấn đề biển Đông.
Trên thực tế, Trung Quốc đã đạt được các tiến bộ trong việc đặt các tranh chấp sang một bên.
Ngoài việc ký được thỏa thuận với ASEAN vào hồi tháng 7/2011, Trung Quốc cũng đạt được một thỏa thuận với Việt Nam về “Các nguyên tắc cơ bản hướng dẫn giải quyết các vấn đề lãnh hải”. Thỏa thuận này yêu cầu hai bên giải quyết các vấn đề lãnh hải theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Trung Quốc cũng bắt đầu chủ động đề xướng hoặc tham gia một số Hội nghị cấp cao tập trung vào mối quan ngại của khu vực đối với thái độ cứng rắn và quyết liệt của Trung Quốc tại biển Đông.
Đáng chú ý, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Đông Á cuối tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc thông báo đóng góp ba tỷ nhân dân tệ cho Quỹ hợp tác hàng hải Trung Quốc – ASEAN. Quỹ này được thành lập để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường, tự do hàng hải, tìm kiếm, cứu hộ và đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia trên biển.
Sang tháng, Trung Quốc sẽ triệu tập hội thảo về hải dương học và tự do hàng hải ở biển Đông và trong tháng này, tổ chức một cuộc họp với quan chức cao cấp ASEAN để thảo luận về việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử biển Đông năm 2002.
Thêm vào đó, thời gian gần đây, Trung Quốc cũng ít sách nhiễu, cản trở các hoạt động thăm dò dầu khí của các quốc gia và các đối tác của họ trong khu vực, chẳng hạn, việc khoan giếng dầu của Tập đoàn Exxon hồi tháng 10 năm ngoái ngay trong khu vực lãnh hải tranh chấp.
Bề rộng của các động thái trên của Trung Quốc chứng tỏ họ rõ ràng đang đi những bước đầu tiên để thực thi phương pháp tiếp cận mới và xóa bỏ những quan ngại cho rằng Trung Quốc đơn giản chỉ đang chơi chiến thuật trì hoãn.
Vì sao?
Dĩ nhiên, mọi thứ sinh ra đều có lý do của nó. Không phải tự nhiên mà Trung Quốc thay đổi thái độ, muốn trở thành một láng giềng hiền lành, thân thiện hơn.
Hơn bất cứ ai khác, Bắc Kinh dường như nhận ra rằng thái độ quá cứng rắn của họ thời gian trước chỉ tổ làm tổn hại đến các lợi ích rộng lớn bên ngoài của họ.
Một nguyên tắc trong chiến lược tổng thể của Trung Quốc hiện nay là duy trì mối quan hệ hòa hảo với các nước lớn, các láng giềng xung quanh và các quốc gia đang phát triển.
Tuy nhiên, với thái độ quá cứng nhắc đối với các vấn đề liên quan đến biển Đông thời gian qua, Bắc Kinh tự mình phá vỡ nguyên tắc trên và làm hoen ố hình ảnh của họ không chỉ tại khu vực Đông Nam Á mà còn trên trường quốc tế.
Không dừng lại ở đó, quan hệ hữu nghị mà Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á từng nỗ lực vun vén trong suốt một thế kỷ trước cũng vì thế mà sứt mẻ.
Đồng thời thái độ khiêu khích của Bắc Kinh cũng đặt ra một yêu cầu mới cho các quốc gia bé nhỏ trong khu vực để phải liên minh với nhau nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc, chưa kể một số nước còn không ngại tìm kiếm sự giúp đỡ, “bảo kê” từ Washintong.
Do đó, nó tạo ra một cơ hội tuyệt vời cho Mỹ để can thiệp sâu vào khu vực mà Trung Quốc tuyên bố có “lợi ích cốt lõi”, “ve vãn” các quốc gia trong khu vực đang muốn kết thêm đồng minh có khả năng đối trọng với Trung Quốc.
Quan hệ Trung – Mỹ vốn đã nhạy cảm, phức tạp vì thế, lại càng thêm rối rắm hơn khi các vấn đề tranh chấp biển Đông hiện cũng trở thành mối bận tâm của cả hai bên.
Tuy nhiên, kể từ mùa hè năm ngoái, có vẻ như Trung Quốc nhận ra rằng họ dường như đã phản ứng hơi quá. Do đó, nay, Bắc Kinh thay đổi, muốn vun đắp một hình ảnh mới thân thiện hơn, xóa bỏ hình ảnh “xấu xí” của họ ở Đông Á và kể cả trên toàn thế giới thời gian qua. Nhờ đó, họ muốn khôi phục lại quan hệ nống ấm với các láng giềng trong khu vực lẫn các cường quốc thế giới.
Không dừng lại ở đó, Trung Quốc – thông qua chính sách thân thiện mới – cũng muốn tiêu giảm đi và làm yếu đi các lý do mà Mỹ dẫn ra để hợp lý hóa tuyên bố tăng cường sự hiện diện trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó, bao gồm cả biển Đông.
Hơn ai hết, Bắc Kinh không muốn các quốc gia Đông Nam Á trực tiếp liên quan đến các tranh chấp biển Đông vì quan ngại họ mà bị rủ rê, lôi kéo vào trục đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Việc Trung Quốc đang đi những bước đi đầu tiên để thực thi chính sách tiếp cận mới, mềm dẻo và linh hoạt hơn làm gia tăng kỳ vọng Bắc Kinh sẽ nghiêm túc giải quyết các sự cố và tất cả các vấn đề liên quan đến tranh chấp biển Đông bằng phương pháp hòa bình. Chẳng hạn, đàm phán, thương lượng dựa trên Tuyên bố các quy tắc ứng xử trên biển Đông năm 2002. Ngoài ra, nó cũng được kỳ vọng sẽ giúp kìm chế Trung Quốc để không hành động và đe dọa hành động đơn phương.
Thêm vào đó, phương pháp tiếp cận mới của Trung Quốc có khả năng chính là tín hiệu quan trọng cho sự sự chuyển đổi lớn trong chính sách đối ngoại của nước này.
Trước thềm chuyển giao thế hệ lãnh đạo vô cùng hệ trọng vào mùa thu này, Bắc Kinh ưu tiên duy trì và xây dựng môi trường hòa bình, ổn định không chỉ ở trong nước mà còn ở bên ngoài. Lý do là, họ e ngại một cuộc khủng hoảng quốc tế có khả năng phá vỡ mọi kế hoạch đã được lên lịch sẵn.
Thậm chí, ngay cả sau khi hoàn thành suôn sẻ và thành công cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo, Bắc Kinh vẫn ưu tiên để tránh một cuộc khủng hoảng quốc tế nhằm giúp tân chính quyền củng cố quyền lực và tập trung giải quyết ổn thỏa các thách thức lớn trong nước trước.
Chưa hết, cách tiếp cận mềm dẻo hơn của Trung Quốc ở biển Đông dường như cũng chứng tỏ Bắc Kinh không muốn duy trì chính sách đối đầu với Mỹ như hồi năm 2010 thêm nữa.
Liên hệ với chuyến thăm của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ hồi tháng trước, nó chứng tỏ Bắc Kinh đang tìm cách xoa dịu quan ngại của Washington rằng họ sẽ phản ứng tiêu cực đối với chính sách hướng Đông mới của cường quốc số 1 thế giới.
Thay vào đó, nó như một thông điệp nhắn nhủ rằng Bắc Kinh sẽ ưu tiên giải quyết các vấn đề tranh cãi dựa trên các công cụ thông thường, chẳng hạn các công cụ ngoại giao và kinh tế chứ không phải bằng đáp trả quân sự trực tiếp. Đây thực sự là tin tốt lành cho sự ổn định trong khu vực.
DatViet