Cảng là gì? Phải chăng đó là bến đỗ của bất kỳ loại phương tiện vận chuyển công cộng nào đó để giải quyết những công việc liên quan đến ngành nghề.
Có những loại cảng nào trong cuộc sống? Đường thuỷ có cảng biển và cảng sông, trong đó lại chia ra các cảng chuyên dùng theo nhu cầu. Đường không có cảng hàng không hay còn gọi là ga hàng không. Đường sắt có nhà ga – thực chất cũng là loại cảng chuyên dùng phục vụ ngành vận tải đường sắt. Đường bộ có bến, bãi xe, cũng là một dạng cảng của các phương tiện vận tải đường bộ. Ngày nay trong ngành du hành vũ trụ có trạm không gian (như Mir trước đây của Liên Xô, ISS ngày nay của Mỹ – Nga – Nhật, rồi sẽ có trạm Thần Châu của Trung Quốc…) thực chất đó là cảng vũ trụ. Tương lai chắc chắn còn có loại cảng mà ngày nay ta chưa nghĩ tới.
Cảng nào cũng phải có không gian cần thiết và rất nhiều ngành nghề kỹ thuật – dịch vụ đáp ứng mọi nhu cầu của nó để tồn tại và phát triển. Cảng biển cũng không ngoại lệ. Một cảng biển muốn tồn tại và phát triển nó phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí cả thuỷ – bộ – không như:
1. Phải có vùng nước thoả mãn các nhu cầu cơ động, neo đậu, tránh gió bão cho mọi phương tiện thuỷ hoạt động trên đó, Phương tiện thuỷ càng to, sức chở càng lớn thì vùng nước phải có độ sâu lớn và diện tích đủ rộng để cho nó cơ động ra vào cảng an toàn;
2. Phải có trang thiết bị cầu cảng đủ dài, hiện đại cho vài ba con tàu cập cảng và làm hàng cùng một lúc. Những phương tiện làm hàng cố định và di động phải có năng lực bốc dỡ và xếp hàng lên xuống nhanh chóng, an toàn theo một quy trình khoa học nhịp nhàng;
3. Phải có vùng đất trên bờ đủ rộng để làm bãi xếp hàng chờ đưa xuống tàu và chở đi nơi khác. Có đường bờ đủ rộng cho các loại phương tiện cơ động trong toàn khu cảng. Có nhà chỉ huy điều hành mọi hoạt động của cảng, có nhà làm thủ tục hải quan xuất nhập khẩu. Một cảng tổng hợp, hiện đại còn có ga tàu hoả để đưa hàng các loại, đặc biệt hàng siêu trường, siêu trọng về nơi cần đến, cần có khu đất rộng đề làm cảng cạn “ICD”, tốt nhất ở cách khu cảng chính không quá xa (khoảng 10km). Có đường bộ đủ rộng để nối với các ICD, các khu công nghiệp và từ cảng ra các quốc lộ gần đó. Phải có nhà ăn và trạm nghỉ cho công nhân trong ngày công tác, có khu vui chơi giải trí (câu lạc bộ), nhà mua sắm các vật dụng cần thiết phục vụ công nhân và khách hàng hoạt động có thể 24/24. Còn nhiều hạng mục dịch vụ khác cần đất để xây dựng chưa thể kể hết ở đây.
4. Cần có hệ thống điện nước phục vụ nội bộ cảng và phục vụ các con tàu cập cảng. Khi làm hàng tàu sẽ đổi điện tàu sang dùng điện bờ, tiếp nhận nước sinh hoạt và làm vệ sinh tàu… công suất điện, nước này rất lớn, nếu yếu không thoả mãn yêu cầu của họ, họ bực bội trong sinh hoạt còn ta mất một nguồn thu không nhỏ. Hệ thống PCCC phải hoàn chỉnh, đồng bộ và xử lý kịp thời.
5. Vùng nước thuộc cảng ngoài việc đủ rộng và sâu còn cần có dòng chảy không phức tạp và quá mạnh, giao động của thuỷ triều không quá lớn, nếu biên độ thuỷ triều chênh nhau trên 3m sẽ gây khó khăn cho việc tiếp nhận điện, nước và bắc cầu thang từ tàu với bờ. Phía ngoài cầu cảng ở phạm vi an toàn phải thả các phao bến đủ sức cho các con tàu vào cảng mà chưa xếp lịch cặp cầu cảng làm hàng được, buộc tàu chờ đợi hoặc dùng xà lan, tàu hàng cỡ nhỏ cặp mạn chuyển tải về các cảng vệ tinh.
6. Một cảng biển có giá trị kinh tế cao cần phải có vị trí địa – kinh tế thuận lợi, kín gió, ít bị ảnh hưởng của các cơn bão lớn nhất là siêu bão tác động tới. Nếu tại vùng biển đáp ứng được các điều kiện trên nhưng lại trống gió thì phải xây dựng đê chắn sóng nhân tạo. Việc này rất tốn kém và phức tạp.
7. Ngoài những điều kiện đáp ứng với ngành vận tải biển kể trên còn cần phải quan tâm đến bảo vệ an toàn cho khu vực cảng từ mặt đất (nội bộ nhân dân quanh vùng cảng) từ vùng nước và vùng trời. Phải quan tâm kết hợp quốc phòng – an ninh cả trong thời bình và khi có chiến tranh.
Ngày nay khi khoa học công nghệ thông tin và điều khiển học phát triển như siêu bão, việc vận dụng những thành tựu mới của nó vào ngành cảng biển và vận tải biển trở thành đòi hỏi cấp thiết đối với các nhà chỉ huy, điều hành (CEO) cảng biển. Vì vậy để có một cảng biển đích thực phải cần rất nhiều điều kiện và quan trọng nhất là tiền đầu tư.
Việt Nam ta có đường bờ biển dài, có nhiều vụng, vịnh, cửa sông lớn dọc bờ biển là điều kiện thiên nhiên tốt cho việc thiết lập những cảng biển tầm cỡ khu vực và quốc tế. Tuy nhiên từ những đòi hỏi khách quan của một cảng biển như trên, cùng với việc tổ chức điều hành nó là cả một “rừng” công việc và số tiền để xây dựng, duy trì sự hoạt động của cảng không nhỏ (có thể từ hàng ngàn tỷ đến hàng trăm ngàn tỷ đồng). Vì vậy lợi thế thiên nhiên thì có, nhưng không phải cứ ở đâu có bờ biển sâu, vụng, vịnh rộng, cửa sông lớn là có thể đặt vấn đề xây dựng cảng biển. Trước khi đưa ra ý tưởng làm cảng biển cần phải suy nghĩ và trả lời được những câu hỏi: Làm cảng ở nơi đó để làm gì? Có đủ điều kiện địa lý cả trên bờ, vùng nước, vùng trời cần thiết để xây dựng và phát triển? có đủ hàng hoá để xuất, nhập, luân chuyển? có đủ nhân lực để tổ chức bộ máy vận hành? Có khả năng cạnh tranh với những cảng lân cận?…
Điều quan trọng nhất là có đủ tiền để đầu tư xây dựng một cảng biển hoàn chỉnh? Khả năng sinh lời để hoàn vốn trong bao lâu? Khi thuận lợi, khi rủi ro? Kinh tế suy thoái hoặc khủng hoảng sẽ tác động như thế nào?. Vì lẽ đó nên cần xóa bỏ tư duy phát triển cảng biển vô tội vạ, hễ có bờ biển và vụng, vịnh là tỉnh nào cũng đòi nhà nước cho xây cảng biển.
Đề nghị Bộ Giao thông vận tải nên tính toán thật kỹ, thống kê số cảng biển, cảng sông cả nước hiện có, cái nào khai thác có hiệu quả, cái nào kém, cái nào không khai thác được. Từ đó lên kế hoạch chiến lược sắp xếp lại hệ thống cảng Việt Nam theo hướng:
- Cả nước nên duy trì 4-5 cảng biển vừa và lớn, chia theo 3 vùng Bắc – Trung – Nam, từ những cảng đã có thương hiệu lớn như Hải Phòng, Quy Nhơn, Cái Mép – Thị Vải, Tân Cảng – Sài Gòn. Quan tâm đầu tư toàn diện để nó phát triển thành tầm cỡ khu vực tiến tới cạnh tranh quốc tế. Đây là những cảng trung tâm, liên kết với kinh tế vùng, hành lang phát triển, phân phối và tiếp nhận hàng từ các cảng vệ tinh lân cận để thúc đấy phát triển của vùng miền, thoả mãn nhu cầu xuất nhập.
- Những cảng biển – sông khác ở 2 đầu của những cảng chính trên sẽ là cảng vệ tinh phục vụ các ngành kinh tế của một tỉnh hoặc liên tỉnh. Nếu cảng nào đã lỡ đầu tư làm ra rồi mà không hiệu quả có thể chuyển đổi công năng như cảng cá, cảng xi măng và vật liệu xây dựng…
- Tìm những cảng có tiềm năng tiếp nhận tàu thuyền du lịch, chuyển thành cảng du lịch, cảng cho du thuyền, cảng chợ…
- Cảng nào không thể khai thác, chuyển đổi được thì nên tuyên bố đóng cảng (phá sản) hoặc tư nhân nào muốn mua lại để họ khai thác vào mục đích kinh tế riêng thì nên cho thuê.
Khi sắp xếp lai theo chiến lược kinh tế vĩ mô của nhà nước và chọn được người quản lý (CEO) tài ba thì có thể vài ba cảng chính của Việt Nam sẽ thành thương hiệu cảng lớn, có sức cạnh tranh và phục vụ kinh tế không những trong nước mà cả khu vực, sẽ liên kết được với các nước lân bang và quốc tế./.
Lê Kế Lâm
Chủ tịch Hội KH KT & KT Biển TP HCM