Home Giao lưu - Hợp tác Việt Nam, Campuchia, Thái Lan hợp tác sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu vùng Vịnh Thái Lan

Việt Nam, Campuchia, Thái Lan hợp tác sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu vùng Vịnh Thái Lan

by admin

Khung pháp lý về ứng phó sự cố tràn dầu trên Vịnh Thái Lan đang được hoàn thiện nhằm hỗ trợ tích cực việc truy tìm dấu vết dầu loang cũng như phối hợp xử lý sự cố.

Nửa số vụ tràn dầu không tìm được nguyên nhân Theo Cục Điều tra và Kiểm soát TN&MT biển (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), vùng biển Việt Nam nối liền Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, qua các eo biển rộng là một trong những trục hàng hải có lưu lượng tàu bè qua lại rất lớn, trong đó 70% là tàu chở dầu. Bởi thế sự cố tràn dầu xảy ra khá phổ biến.

 

Những vụ tràn dầu với lượng dầu lớn trên 700 tấn chủ yếu do quá trình vận chuyển dầu trên biển. Từ năm 1989 đến nay đã có khoảng 100 vụ tràn dầu do tai nạn tàu, các vụ tai nạn này đều đổ ra biển từ vài chục đến hàng trăm tấn dầu. Những vụ tràn dầu thường xảy ra vào tháng 3 và tháng 4 hằng năm ở miền Trung và tháng 5 –  6 ở miền Bắc. Đặc biệt trên vùng Vịnh Thái Lan, chỉ  trong 2 năm từ  2007 -2009 đã có tới 12 vụ tràn dầu với khối lượng lớn và quá nửa số vụ không tìm được nguyên nhân. Do vậy vấn đề quy trách nhiệm và công tác bồi hoàn không thể thực hiện được.

 

Nguyên nhân của tình trạng này là do chúng ta thiếu cơ sở pháp lý cũng như hệ thống tài liệu kỹ thuật để giám sát và truy tìm nguyên nhân, thủ phạm gây tràn dầu.

Sẽ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó với sự cố tràn dầu trên biển

 

Để ứng phó với sự cố tràn dầu kịp thời, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1268/QĐ – TTg phê duyệt kế hoạch thực hiện tuyên bố chung và Chương trình khung giữa Việt Nam, Campuchia, Thái Lan về hợp tác sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu vùng Vịnh Thái Lan và giao cho Bộ TN&MT chủ trì thực hiện. Sau 2 năm triển khai, đến nay, Tổng  cục  Biển và Hải đảo Việt Nam đã tiến hành rà soát, bổ sung, sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện có về lĩnh vực giám sát, đánh  giá rủi ro, ứng phó, khắc phục và giải quyết hậu quả dự cố tràn dầu.

 

Dự thảo Quyết định ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu trên biển đã hoàn thiện và trình các cấp có thẩm quyền, cùng với Dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ TN&MT, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương ban hành quy định hướng dẫn việc lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch khẩn cấp ứng phó sự cố tràn dầu trên Vịnh Thái Lan. Qua đó đề xuất trách nhiệm của các đơn vị liên quan, đề xuất lực lượng ứng phó kịp thời khi sự cố tràn dầu xảy ra.

 

Hoàn thiện Hệ thống bản đồ nhạy cảm do dầu tràn khu vực ven biển

Chương trình mô phỏng vết dầu loang khu vực biển phía Nam và Tây Nam
Bộ và hoàn thiện Hệ thống bản đồ nhạy cảm do dầu tràn khu vực ven biển cũng đã hoàn thành nhằm hỗ trợ việc giám sát, tìm kiếm thủ phạm gây và xử lý sự cố. Theo ông Vũ Thanh Ca, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo Việt Nam, đây là hệ thống kỹ thuật quan trọng hỗ trợ đắc lực cho việc ra quyết định khi gặp sự cố tràn dầu.  Các kịch bản mô phỏng vết dầu loang được đưa ra trong điều kiện trường gió,  trường dòng chảy theo mùa kết hợp số liệu dự báo môi trường Trung tâm Quan trắc dự báo NCEP (Hoa Kỳ). Trung tâm này quan trắc thường xuyên trường gió, không khí, độ ẩm trên toàn cầu, lập ra trường khí tượng cung cấp 6 tiếng /lần  và xử lý số liệu hoàn toàn tự động. Sau đó, dùng một mô hình số trị dự báo thời tiết của Hoa Kỳ nội suy trường gió trên biển, tính toán quá trình lan chuyển, biến đổi, sự lan tỏa của sóng biển sẽ xác định được khu vực bị ảnh hưởng dầu tràn cũng như “truy tìm” đúng thủ phạm gây ra sự cố tràn dầu. Sử dụng kịch bản này, người ta có thể xác định vùng nhạy cảm nhất để đưa lực lượng ứng phó kịp thời. Cùng với Hệ thống kỹ thuật này, tới đây Viện Nghiên cứu Quản lý biển và hải đảo Việt Nam còn tiếp tục nghiên cứu  quy trình sử dụng chất phân tán (dispersan) cho vùng biển Việt Nam, một loại hóa chất khi rải vào những vệt dầu loang sẽ làm phân tán các hạt dầu, làm giảm nồng độ dầu và giảm độ độc hại của dầu đối với môi trường sinh thái. Những kết quả đạt được từ việc thực hiện nhiệm vụ thuộc QĐ 1278 của Chính phủ sẽ là tiền đề quan trọng để chúng ta tiếp tục ký kết Chương trình ứng phó với sự cố tràn dầu trên biển với tất cả các quốc gia có vùng biển giao thoa, gần gũi với Việt Nam. Qua đó tăng cường sự hợp tác, ứng phó và khắc phục sự cố tràn dầu, bảo vệ môi trường biển Việt Nam và quốc tế.

 

                                                                                               K.Liên

Ý kiến của các chuyên gia Hội hải Dương học:  

Về bài toán truy tìm thủ phạm xả dầu trên biển thì sử dụng vệ tinh trang bị máy thu AIS cũng là một lựa chọn đã và đang được áp dụng trên thế giới. Được biết, sau khi phát hiện ra vệt dầu tràn (thời gian, vị trí…) có thể kết hợp với dữ liệu về lịch sử hải trình của tàu thuyền trong khu vực đó (ví dụ dữ liệu AIS thu từ vệ tinh) và có thể góp phần tìm ra thủ phạm. Ở Việt Nam, mặc dù hiện mình chưa có vệ tinh AIS nhưng có thể mua hoặc xin dữ liệu này từ một số tổ chức quốc tế để truy tìm hoặc góp phần ngăn chặn nạn xả trộm dầu trên biển.

                                                                                           Vũ Trọng Thu 

Về xác định bằng ảnh vệ tinh đã khó chủ yếu do SPOT, lại gắn AIS Việt Nam chưa có. Việt Nam đang có nhiều chương trình hợp tác quốc tế về truy tìm và ứng phó việc xả dầu trộm trên biển với Quyết định số 1278 (Vịnh Thái Lan) và 1846 (Vùng Trường Sa) của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập bởi chưa có tổng thể giám sát và cảnh báo quy mô toàn Biển Đông.

                                                                                             Dư Văn Toán

 AIS là thiết bị hoạt động trên sóng VHF mặt đất, dùng cho các tàu, khi kết hợp với vệ tinh (UHF) có thể tạo track theo dõi hành trình tàu, nhưng đây là thông tin phối hợp, có cả thu và phát tín hiệu. Trường hợp xả dầu mà tắt thiết bị AIS thì ở bờ không thu được tín hiệu gì, vì vậy hiệu quả không cao. Như vậy, chỉ những tàu xả dầu mà họ không biết về công năng của máy thì mới thu được, còn nếu tàu chủ động tắt thì sẽ không thu được tín hiệu.

                                                                                            Nguyễn Trường Sơn

– Thiết bị AIS lắp trên các tàu (trên 300 tấn, theo quy định của IMO) là thiết bị thu phát (transponder), tuy nhiên để giám sát sự di chuyển của các tàu thì chỉ cần dùng máy thu tín hiệu AIS gắn ở các trạm ven bờ hoặc trên vệ tinh. Trong trường hợp chủ tàu cố ý tắt thiết bị AIS thì chứng tỏ có ý đồ mờ ám hoặc cũng có thể do sự cố. Có hệ thống theo dõi sẽ phát hiện ra những tàu không có tín hiệu này. Tàu cũng không thể tắt thiết bị mãi nên cũng sẽ có lúc phải mở máy trở lại. Bằng việc theo dõi thông tin sẽ khoanh vùng được các đối tượng khả nghi này. Được biết một phần lý do của nạn xả trộm dầu trên biển Đông vì các chủ tàu biết VN chưa có hệ thống giám sát tàu biển, nếu như biết chúng ta có khả năng này thì chủ tàu sẽ phải cân nhắc hơn trước khi có hành động xấu. Hệ thống giám sát tàu biển sẽ góp phần phòng chống nạn xả trộm dầu trên biển.

                                                                                         Vũ Trọng Thu    

Related Articles

Leave a Comment