Nhà sản xuất hàng đầu thế giới về các giải pháp năng lượng gió đánh giá rằng Việt Nam sở hữu tài nguyên gió dồi dào nhất khu vực, và tin rằng Việt Nam sẽ phát triển năng lượng gió thành công.
Ông Sean Sutton, chủ tịch công ty Vestas châu Á Thái bình dương trả lời phỏng vấn VnExpress cho biết, Đan Mạch đang giúp Việt Nam triển khai về mặt công nghệ điện gió. Công ty Vestas và công ty CS Wind của Việt Nam đã ký thỏa thuận. Vestas sẽ giúp Việt Nam phát triển thị trường nội địa. Về phía chính phủ, chính phủ Đan Mạch giúp chính phủ Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió. Cũng xin nói thêm một thông tin khác, Đan Mạch đã ký tuyên bố chung thiết lập quan hệ đối tác về Tăng tưởng xanh với Việt Nam. Đan Mạch là quốc gia dẫn đầu thế giới về giải pháp tăng trưởng xanh, đặc biệt là năng lượng gió. Hy vọng giải pháp của Đan Mạch sẽ giúp Việt nam trở thành quốc gia về năng lượng gió.
Chọn Việt Nam để đầu tư về lĩnh vực này bởi Đan Mạch đã có kinh nghiệm phát triển hơn 30 năm liên quan đến năng lượng gió. Để phát triển năng lượng gió hiệu quả nhất, cần đảm bảo hai tiêu chí: tin cậy và dự đoán được. Chúng tôi cũng đã sản xuất 45 nghìn tua-bin ở 67 quốc gia trên khắp châu lục. Việt Nam là thị trường mới để phát triển năng lượng gió. Việt Nam cũng là ví dụ điển hình để phát triển nguồn năng lượng này. Đặc biệt, Việt Nam đang là quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên gió dồi dào nhất Đông Nam Á, tập trung tiềm năng chủ yếu ở các tỉnh miền trung và miền nam.
Bản thân chính phủ Việt Nam cũng có chính sách phát triển nguồn năng lượng này, đó là chính phủ đã phê duyệt chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020-tầm nhìn 2050 với mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 3% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2010, 5% năm 2020 và 11% năm 2050. Bản thảo Khung chính sách cho phát triển địên gió đã được hoàn thành trình Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, chúng tôi tin ở công ty Vestas. Vestas sẽ trở thành đối tác giúp Việt Nam xây dựng những trang trại gió ổn định, góp phần đáp ứng yêu cầu về năng lượng của đất nước và sự thịnh vượng của người dân. Gió là tất cả với chúng tôi. Việt Nam đang đối phó với thiếu điện do nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ cạn kiệt dần. Trong khi nguồn năng lượng gió không thải ra khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Do đó phát triển năng lượng gió đang là hướng đi đúng của Việt Nam.
So với nguồn năng lượng tái tạo khác như mặt trời, thủy điện, năng lượng gió có ưu điểm nổi trội. Đó là khả năng thiết lập các nhà máy phong điện rất nhanh, chúng tôi có thể thiết lập các trang trại phong điện trong 16-18 tháng. Năng lượng gió là nguồn năng lượng sạch, có thể dự đoán và nó là hướng đi chính trong tương lai. Phát triển năng lượng gió ở Việt Nam góp phần vào tăng trưởng kinh tế công nghiệp, tạo ra việc làm xanh trong nước. Do đó, các trang trại gió chất lượng cao và ổn định có thể và nên là bộ phận quan trọng trong tổ hợp phát điện ở Việt Nam
Tôi nghĩ rằng, bước đi ban đầu của Việt Nam là tốt với mục tiêu vừa phải. Nhưng sẽ có một số khó khăn mà các bạn gặp phải, đó là có chính sách phát triển nhưng làm thế nào để đưa vào cuộc sống và vận dụng nó không dễ. Mặt khác, để có dự án phát triển năng lượng gió thành công cần hỗ trợ và nỗ lực của các bên tham gia, làm thế nào để dự án này mang doanh thu cao. Tiềm năng gió ở Việt Nam phân bố không đều, thời tiết thiên tai lớn ảnh hưởng tới nguồn năng lượng gió. Tiếp đó là công nghệ cho năng lượng tái tạo nói chung đòi hỏi hiện đại.
Điểm lưu ý nữa, đó là giáo dục cộng đồng, để người dân hiểu được dự án điện gió không ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của họ. Giáo dục cho người dân hiểu được thế nào alf tua-bin, vòng quay, tất cả yếu tố thiết lập phong điện để giới thiệu cho dân địa phương. Cuối cùng là sự tham gia của các bên gồm hai chuỗi là chuỗi cung và chính phủ, nếu hai chuỗi này có mối quan hệ tốt sẽ đưa ra giải pháp hiệu quả nhất.
Đầu tư phong điện ban đầu cũng đắt hơn so với ngành khác do đây là công nghệ mới. Nhưng theo tính toán của các nhà đầu tư năng lượng sạch trên thế giới, năng lượng gió trên bờ có chi phí thấp nhất, chứ không cao như mọi người nghĩ. Trong quá trình xây dựng, một số chi phí về bảo dưỡng có thể biến động theo thời gian, có thể thay thế phương án khác.
Trong tương lai, nhiên liệu hóa thạch có mức biến động rất lớn, giá cả sẽ tăng cọt khi nguồn cung hạn chế, lúc này năng lượng gió không kém cạnh tranh so với năng lượng khác. Tại Việt Nam, chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm kiếm nhà cung ứng trên toàn cầu, hỗ trợ tối đa cho Việt Nam.
Việt Nam là nước đang phát triển nhưng vẫn có thể phát triển điện gió. Bởi Việt Nam đang khởi sự với ý nghĩ “tích tiểu thành đại”, các bạn làm từ bước nhỏ, từ dự án mang tính thử nghiệm xem xét khả năng tài chính, sau đó mới đi vào xây dựng, vận hành nhà máy. Tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam có thể phát triển năng lượng gió.
Điện gió – nguồn năng lượng mới ở ĐBSCL
Biển xanh và năng lượng sạch
Công trường của dự án điện gió Bạc Liêu (ấp Biển Đông A – xã Vĩnh Trạch Đông – TP Bạc Liêu) nằm sát bãi bồi ven biển, khuất sau những rặng đước, rặng bần cao vút. “Thi công ven biển chịu ảnh hưởng thời tiết nhiều lắm. Thời điểm tốt nhất để làm trong ngày khoảng từ 4-5 giờ sáng đến 11-12 giờ trưa. Đổ cọc, móng xong còn lắp đặt, nối hệ thống điện…”, kỹ sư Huỳnh Anh Minh phụ trách kỹ thuật của dự án cho biết. Đây là công trình hướng đến chào mừng 15 năm tái lập tỉnh và 300 năm thành lập Bạc Liêu. Tỉnh cũng đang quyết liệt triển khai những tuyến đường đấu nối với khu dự án tuyến đê biển Vĩnh Châu và đường vào nội ô…
Từ đầu năm 2010 đến nay, Bạc Liêu đã khởi công nhiều dự án, công trình trọng điểm, tạo bước đột phá mới. Trong đó, công trình mang tính động lực chính là dự án điện gió (rộng 500ha – đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng). Theo các chuyên gia của Tập đoàn GE – Mỹ, đơn vị vừa cung cấp 10 tua bin gió đầu tiên cho dự án, các tua bin này có rotor cánh quạt dài đến 82,5m, phù hợp với chế độ gió cấp 3 tại biển Bạc Liêu và được sử dụng rộng rãi nhất trong ngành công nghiệp điện gió với hơn 16.000 chiếc trên toàn thế giới. Theo tiến độ, sau khi hoàn thành tua bin đầu tiên, đến cuối năm 2011 sẽ có thêm 3 tua bin nữa. Năm 2012 thêm 10 tua bin. Cuối năm 2013 sẽ hoàn thành số còn lại cùng một số hạng mục phụ (trạm biến áp, mạch đấu nối…).
Điện gió là nguồn năng lượng tái tạo mới, xanh – sạch lại không chiếm diện tích lớn như nhiệt điện hay thủy điện. Biển Nam bộ bừng tỉnh. Các nhà đầu tư còn kéo về Sóc Trăng, nhắm tới 2 xã Vĩnh Phước và Vĩnh Tân thuộc huyện Vĩnh Châu để xây dựng “cánh đồng điện gió” (Tập đoàn EAB – Đức).
Tại Duyên Hải – Trà Vinh, Công ty Trasesco cũng phối hợp với tập đoàn này thực hiện dự án năng lượng gió trên diện tích 420ha – 20 tổ máy, tổng công suất 30MW, sản xuất bình quân 75 triệu kWh/năm. Đài Phát thanh – Truyền hình Kiên Giang cũng đề xuất đầu tư nhà máy điện gió kết hợp năng lượng mặt trời, công suất 90KVA phục vụ chương trình của đài. Theo tính toán của đối tác Nord Energy (Đức), dự án có vốn đầu tư 11 tỷ đồng, thời gian sử dụng 20 năm. Nếu so với mức sử dụng điện hiện nay của nhà đài, chỉ 10 năm sẽ thu hồi vốn…
Đô thị mới xứ biển
Đổi thay xứ biển cũng dễ nhận thấy. Dọc biển Đông hàng cây số, kéo dài từ phường Nhà Mát qua Vĩnh Trạch Đông đến ranh giới tỉnh Sóc Trăng là những tua bin gió với cánh quạt khổng lồ xếp hàng thẳng tắp quay vù vù. Ngoài khơi xa chiều về tàu ghe oằn nặng cá tôm chạy về bến, rồi những cánh đồng lúa trải vàng bên mái chùa cổ kính, những vườn nhãn trĩu quả cùng đầm, vuông tôm chạy dài ngút mắt… Công trình điện gió đã là một sản phẩm du lịch đáng giá cho đất biển Bạc Liêu và kéo theo nhiều dịch vụ mới cho khu đô thị mới.
Dự án điện gió Bạc Liêu công suất 99MW là dự án điện gió đầu tiên và lớn nhất tại ĐBSCL tính đến nay. Dự án đã được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc bổ sung vào danh mục các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VI (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 – 2015, có xét đến năm 2025). |
Theo VNExpress, SGGP