Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam có công hàm gửi Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội phản đối phía Trung Quốc liên quan đến hoạt động nghề cá.
Theo đó công hàm yêu cầu phía Trung Quốc nghiêm túc điều tra vụ việc, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam.
Thông tin từ Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao được đưa trên tờ TTXVN khẳng định, từ đầu năm đến nay, một số tàu cá Việt Nam trong khi đang hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị phía Trung Quốc ngăn chặn, truy đuổi và gây thiệt hại về tài sản.
Tàu của ngư dân Bùi Văn Phải (28 tuổi, ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) nham nhở những vết cháy vì bị tàu Trung Quốc bắn khi đang hành nghề trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN tháng 3/2013 |
Sau khi có thông tin xác minh của các cơ quan chức năng Việt Nam, ngày 17/3, đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối phía Trung Quốc về những vụ việc này.
Nội dung công hàm nêu rõ những hành động trên của các lực lượng chức năng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, xâm phạm tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân.
Một vị đại diện Đại sứ quán cho biết, phía Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc nghiêm túc điều tra vụ việc, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam và không để tái diễn các vụ việc tương tự”.
Trước đó, ngày 7/1/2014, tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90055 TS cùng 7 ngư dân đã bị tàu của Trung Quốc số hiệu 1239 truy đuổi và đập phá tài sản.
Tiếp đó, ngày 1/3/2014, tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 96074 TS cùng 12 ngư dân bị tàu Ngư Chính 02 của Trung Quốc khống chế, tịch thu một số tài sản.
Đây không phải là hành động hiếm gặp bởi trước đó năm 2013, Biên phòng Đà Nẵng đã phát hiện 516 lượt tàu cá vi phạm lãnh hải Việt Nam ở khu vực đông bắc Đà Nẵng, tăng 223 lượt so với năm 2012. Đáng chú ý, từ ngày 22 đến 28/5/2013, các tàu quân sự của Trung Quốc liên tục xua ép tàu cá ngư dân Việt Nam.
Theo đại tá Dương Đề Dũng, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy biên phòng Đà Nẵng, hoạt động xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam của tàu thuyền Trung Quốc đánh bắt trộm hải sản ngày càng tăng với mật độ dày hơn. Đồng thời các tàu này đi thành từng tốp đông 25-32 chiếc, có sự hỗ trợ của tàu vũ trang giả dạng, tàu vận tải, tàu cung ứng cho hoạt động đánh bắt khi vào sâu trong vùng biển của nước ta.
Trung Quốc ngang nhiên thúc đẩy xây dựng chính quyền ở Trường Sa
Lãnh đạo của cái gọi là “TP.Tam Sa” vừa ngang nhiên tuyên bố sẽ đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền cấp cơ sở ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
|
Cụ thể, Tân Văn xã dẫn lời “Phó thị trưởng TP.Tam Sa” Trương Canh hôm 26.3 nhấn mạnh trong năm nay sẽ nghiên cứu việc thúc đẩy xây dựng chính quyền cấp cơ sở ở đá Vành Khăn và đá Chữ Thập.
Ông Trương còn ngang nhiên công bố trong năm 2013, “giới chức TP.Tam Sa” đã thành lập ban công tác và ban quản lý Nhóm đảo Lưỡi Liềm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, và các ban dân cư ở Đảo Bắc, bãi Xà Cừ (thuộc Hoàng Sa), và bãi đá Vành Khăn.
Cũng trong năm 2013, “giới chức Tam Sa” đã thành lập cái gọi là đội thuyền chấp pháp tổng hợp, xử lý 79 thuyền “vi phạm”, trong đó có 45 thuyền nước ngoài”. Tân Văn Xã không nói rõ đó là thuyền của nước nào.
Chưa hết, ông Trương còn tuyên bố trong năm nay sẽ tăng cường mức độ chấp pháp bảo vệ quyền lợi tổng hợp trên biển”.
Đó là những động thái mới nhất của Trung Quốc nhằm hợp lý hóa “TP.Tam Sa” mà nước này ngang nhiên lập ra hồi tháng 7.2012 để tự cho mình có quyền quản lý cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Theo TNO , ĐVO