Mới đây, Hội đồng TP Oakland, bang California (Hoa Kỳ) đã quyết định giao hợp đồng môi trường trị giá 2,7 tỷ USD cho California Waste Solutions (CWS) – doanh nghiệp do Việt kiều làm chủ. Ông Trần Hồng Phúc, Chủ tịch Phòng Thương mại Oakland và vùng phụ cận cho rằng, đây là chiến thắng không chỉ của CWS mà của cả cộng đồng người Việt Nam nói chung. Dự án này sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho cộng đồng người Việt.
Tổng Giám đốc CWS, David Trung Dương cho biết: “Hợp đồng mới về xử lý rác thải này có thời hạn 20 năm, bắt đầu từ tháng 7-2015. Đây là hợp đồng lớn nhất của CWS sau 23 năm hoạt động (từ năm 1992) thu gom phế liệu để tái chế”.
Đối thủ của CWS là công ty Waste Management (WM) – công ty lớn nhất về lĩnh vực môi trường không chỉ tại Hoa Kỳ mà tầm thế giới. WM đặt trụ sở tại bang Texas và có chi nhánh trên 50 bang ở Hoa Kỳ và rất nhiều nước khác.
Với hợp đồng lớn này, CWS ngoài thu gom phế liệu tái chế, còn thêm thu gom rác, cây xanh và sản xuất phân compost. Theo ông Victor Dương, Phó TGĐ CWS, giành trọn cả bốn lĩnh vực trên tức là chiếm luôn phần công việc mà đại công ty WM đã làm trong gần 20 năm qua ở Oakland. Ông David Dương cũng cho rằng, một trong những yếu tố làm nên thắng lợi của CWS là được cộng đồng người Việt nỗ lực ủng hộ.
Ngoài nhân viên và các đồng nghiệp thân hữu người Hoa Kỳ, Mexico, Hoa, Phillipines… đông đảo đồng hương và các cơ quan truyền thông, báo chí của người Việt Nam ở hải ngoại đã đến tham dự buổi thuyết trình do Hội đồng TP Oakland tổ chức. Cuối cùng, CWS đã thắng với tuyệt đại đa số – 8/8 phiếu bầu của Hội đồng.
Tác giả Libby trong bài viết trên “Bản tin của Quận 4” phát hành ở thành phố mới đây khi nói về những doanh nghiệp đang phát triển ở Oakland đã ghi nhận CWS, nhận định đây thật sự là một tin tốt với thành phố và đánh giá cao về công nghệ mà CWS áp dụng. Tác giả chỉ dẫn: “Đây là hợp đồng 10-20 năm hướng tới việc thành phố không còn rác – với 66% rác thành hữu cơ, 100% tái chế được phân loại trong bãi chôn lấp”. Những ưu việt của CWS được tờ báo dẫn ra là: Mức phí thấp hơn (năm tới, mỗi hộ gia đình sẽ trả phí thu rác 36,82 USD/tháng, tăng hơn 23% so với hiện tại, nhưng ít hơn giá 7 USD của WM.); Sử dụng máy phân loại tại East Bay MUD để chuyển khí mê-tan từ rác hữu cơ thành năng lượng; Chương trình đào tạo việc làm qua Civicorps, học sinh rời trung học nửa chừng có thể vào các nghiệp đoàn tài xế hoặc quy trình chế biến; Các sáng tạo nhằm giảm đổ rác bừa bãi, thu gom rác cồng kềnh ở các chung cư (các tấm nệm, nội thất khi dọn nhà…); Thu gom tại ít nhất 25 bãi đổ trong một ngày…
Rác thải được xử lý bằng công nghệ hiện đại ở Đa Phước.
Ở Việt Nam, CWS đã đầu tư khu Xử lý chất thải rắn Đa Phước ở TP Hồ Chí Minh (VWS). Đây là khu xử lý rác thải có công nghệ hiện đại nhất Việt Nam và Đông – Nam Á, được coi là điển hình cần nhân rộng. Nhà máy hiện xử lý 3.000 tấn rác/ngày cho TP Hồ Chí Minh và Long An. Mới đây, sau những chuyến trực tiếp thị sát, làm việc của lãnh đạo một số ngành liên quan và của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có kết luận: “Đây là dự án áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn hiện đại, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững, góp phần phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn trong nước”. Trong Thông báo ngày 7-7-2014 của Văn phòng Chính phủ cũng chỉ đạo: “Trên cơ sở mô hình xử lý rác thải tại Khu Liên hợp xử lý rác thải Đa Phước, TP Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng mô hình xử lý chất thải rắn cấp vùng có quy mô, công suất, công nghệ đa dạng, phù hợp với điều kiện Việt Nam, đáp ứng các quy định về môi trường và thời gian hoạt động từ 50 đến 100 năm”.
VWS cũng đang đẩy nhanh tiến độ quy hoạch nhiều hạng mục dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh Long An 1.760 ha. Dự kiến khu xử lý này cũng sẽ được trang bị công nghệ hiện đại nhất của Hoa Kỳ, xử lý cả chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp. TGĐ David Dương mong muốn dự án này sẽ không chỉ của riêng VWS mà là nguồn thu hút vốn đầu tư của Việt kiều và những người muốn đóng góp xây dựng Việt Nam ở nước ngoài. Những dự án CWS đầu tư về Việt Nam hiện cũng là những dự án rất ít ỏi của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực môi trường – lĩnh vực tuy rất cần thiết và quan trọng nhưng lại ít có doanh nghiệp nước ngoài đầu tư.
Đến California (Hoa Kỳ) trong hoàn cảnh thiếu thốn, không biết tiếng Anh, không người quen biết… gia đình họ Dương đã vươn lên từ nghề “ve chai”, rồi dần gây dựng nên CWS. Trong thời điểm khó khăn chung của kinh tế thế giới, năm 2013, theo bình chọn của tạp chí Waste 360 của Hoa Kỳ, CWS chiếm vị trí thứ 31/100 công ty xử lý môi trường hàng đầu ở Hoa Kỳ. Ngoài ba nhà máy đang hoạt động, CWS còn đầu tư thêm hai nhà máy mới ở bang California là Oakland (130 triệu USD) và tại thành phố Stockton (30 triệu USD). Với hợp đồng mới này, CWS sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa để chứng minh sức mạnh tiềm tàng của người Việt Nam ở nước ngoài.
Theo NDĐT