Home Khoa học công nghệ Watson – công nghệ điện toán biết nhận thức

Watson – công nghệ điện toán biết nhận thức

by admin

Với khả năng phân tích khối dữ liệu khổng lồ tương đương với khoảng 1 triệu cuốn sách hay 200 triệu trang tin, đưa ra những câu trả lời tức thời, máy tính Watson sẽ thay đổi phương thức hoạt động kinh doanh của thế giới.   

       Các cơ quan chính phủ thường khó khăn trong tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi của người dân. Hàng ngày, họ phải tiếp nhận rất nhiều các ý kiến, thắc mắc từ người dân và cần phải nhanh chóng đưa ra các câu trả lời chính xác, phù hợp cho các câu hỏi đó. Tuy nhiên, cơ quan Chính phủ các cấp phải xử lý quá nhiều dữ liệu, giải đáp quá nhiều tình huống khác nhau trong một khoảng thời gian giới hạn. Với công nghệ phân tích như của Watson, sẽ dễ dàng hơn để có ngay các câu trả lời cho nhiều chủ đề khác nhau. Vì thế, công nghệ này thu hút sự quan tâm của chính phủ nhiều nước.

Tại Đông Nam Á, Singapore là nước đầu tiên áp dụng công nghệ Watson cho Chính phủ. Ngày 14/10/2014 mới đây, Chính phủ Cộng Hoà Singapore đã thông báo về sự hợp tác với Công ty IBM (Hoa Kỳ) trong sử dụng công nghệ Watson. Theo bà Lim Soo Hoon, Thư kí Ban Tài Chính của Singapore thì: “… hợp tác với IBM và sử dụng công nghệ Watson sẽ giúp thay đổi tác động qua lại giữa chính quyền và người dân”. Và trong năm sau, người dân Singapore có thể đặt các câu hỏi qua mạng và sẽ được trả lời cụ thể nhờ công nghệ điện toán đám mây (ĐTĐM) của Watson. Bà Janet Ang, Quản Lý của IBM ở Singapore cũng khẳng định: “ Chúng tôi cũng hi vọng đây sẽ là chất xúc tác để thúc đẩy các quốc gia khác có cùng nguyện vọng như Singapore.”   

Phó Phủ tịch cao cấp phụ trách Bộ phận Watson của IBM – Mike Rhodin cho rằng: “Watson mở ra một kỷ nguyên điện toán mới, cho phép các tổ chức trên toàn cầu triển khai những hoạt động kinh doanh mới, định nghĩa lại thị trường và cách tân các ngành kinh tế”.  Vậy công nghệ Watson là gì mà có thể làm thay đổi nhiều như vậy?  

Watson xử lý thông tin giống cách tư duy của con người

Ngày 25/02/2013, công ty WellPoint, Inc. và Trung tâm nghiên cứu ung thư Memorial Sloan-Kettering (Hoa Kỳ) đã công bố những bước đột phá mới của hệ thống máy tính biết nhận thức Watson mang tên nhà sáng lập Công ty IBM – Thomas J. Watson. Công nghệ này  được phát triển tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu IBM (IBM’s Research Labs). Chỉ sau gần hai năm, máy tính Watson đã phát triển từ một sản phẩm mới lạ thành một hệ thống biết nhận thức mang tính thương mại và càng trở nên nổi tiếng khi thắng con người trong trò chơi truyền hình “Jeopardy” danh tiếng của Mỹ.

Với những ưu việt của mình, Watson đã nhanh chóng được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới. Dựa trên những tiến bộ về công nghệ phân tích và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, hệ thống có thể phân tích hàng triệu thành phần dữ liệu và xử lý hàng nghìn tác vụ đồng thời với một tốc độ rất cao, điều mà trước đây chỉ có các siêu máy tính làm được.

Watson được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước, trên nhiều lĩnh vực

Được trang bị bộ xử lý POWER7, có thể mô hình hóa để xử lý các tải công việc cụ thể, trên nền tảng ĐTĐM, Watson đã được ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực như du lịch, bán lẻ, công nghệ thông tin – viễn thông, y tế, giao thông vận tải, tài chính, giáo dục, thể thao…  

Để mở rộng cung cấp dịch vụ, tháng 1/2014, IBM khai trương Trụ sở Watson toàn cầu tại Silicon Alley, New York cùng 5 Trung tâm Trải nghiệm Watson mới dành cho khách hàng trên toàn thế giới. Hiện IBM cung cấp các chương trình hợp tác với khách hàng Watson trên 6 châu lục và hơn 25 quốc gia, bao gồm cả Nam Phi, Úc, Anh, Thái  Lan, Canađa và Hoa Kỳ. 40 trung tâm dữ liệu ở năm châu lục và 15 quốc gia cung cấp các dịch vụ ĐTĐM. Những trung tâm dữ liệu mới đang được bổ sung tại Trung Quốc, Washington  D.C., Hồng Kông, Luân Đôn, Nhật Bản, Ấn Độ, Canađa, Mexico City và Dallas và trong năm tới sẽ mở rộng đến Trung Đông và châu Phi.

Triển vọng ứng dụng ở Việt Nam 

Là quốc gia đang phát triển, lại có đông dân số trẻ, tốc độ phát triển của các ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam được đánh giá là nhanh so với thế giới. Việt Nam cũng là thị trường tiếm năng của các hãng điện thoại thông minh lớn như Apples, Samsung…. Thời gian gần đây, chủ đề  ĐTĐM (Cloud computing) đang là một trong những chủ để được nhắc đến nhiều nhất tại các sự kiện công nghệ tại Việt Nam.

ĐTĐM có thể hiểu một cách đơn giản là: các nguồn điện toán khổng lồ như phần mềm, dịch vụ… sẽ nằm tại các máy chủ ảo (đám mây) trên Internet thay vì trong máy tính gia đình và văn phòng (trên mặt đất) để mọi người kết nối và sử dụng mỗi khi họ cần. Với các dịch vụ sẵn có trên Internet, doanh nghiệp (DN) không phải mua và duy trì hàng trăm, thậm chí hàng nghìn máy tính cũng như phần mềm. Họ chỉ cần tập trung sản xuất bởi đã có người khác lo cơ sở hạ tầng và công nghệ thay họ, có thể truy cập đến bất kỳ tài nguyên nào tồn tại trong “đám mây (cloud)” tại bất kỳ thời điểm nào và từ bất kỳ đâu qua hệ thống Internet.

Việt Nam đang dần tiếp cận các dịch vụ đám mây thông qua dự án của một số DN nước ngoài như Microsoft, Intel… cũng như từ những nhà phát triển, cung cấp trong nước như FPT, Biaki… IBM là doanh nghiệp tiên phong khai trương trung tâm điện toán đám mây tại Việt Nam vào tháng 9/2008 với khách hàng đầu tiên là là Công ty cổ phần công nghệ và truyền thông Việt Nam (VNTT). Ong Tan Jee Toon, Tổng Giám đốc IBM Việt Nam chia sẻ: “Thế hệ con em của chúng ta sẽ không có nhu cầu phải sử dụng điện thoại cố định ở nhà nữa. ĐTĐM đang có một ảnh hưởng rất sâu rộng đối với các cộng đồng và nền kinh tế của chúng ta. Vì vậy, chúng ta luôn muốn đảm bảo rằng cả thiết bị di động của chúng ta lẫn đám mây đang điều khiển nó đều phải được bảo mật một cách tối đa”.

Các lĩnh vực mà hệ thống Watson phát huy rất tốt tác dụng: Chính phủ và người dân; các ngành kinh tế, xã hội thiết yếu; giao thông, đô thị… đều là những “nút thắt” Việt Nam rất cần tháo gỡ. Con người phải nhờ đến năng lực của các thế hệ máy tính tương lai để cuộc sống của mình hoàn thiện và đáng sống hơn.  

                                                                                                                Kim Ngân

 

Related Articles

Leave a Comment