Home Khoa học công nghệ Xả thải trực tiếp ra biển là rất nguy hiểm, khó khắc phục nếu sai lầm

Xả thải trực tiếp ra biển là rất nguy hiểm, khó khắc phục nếu sai lầm

by admin

Tại buổi tọa đàm “Chất thải công nghiệp: Hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức sáng 10/5/2016, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho rằng, việc xả thải trực tiếp ra biển là “rất nguy hiểm, không sửa chữa được nếu có sai lầm”.

Đề cập đến vấn đề xả thải của Formosa, GS Đặng Hùng Võ đồng tình với Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà về việc không cho phép Formosa đặt đường ống xả thải ngầm ra biển và bình luận: “Sở TN-MT Hà Tĩnh phải nắm được việc này. Rõ ràng câu chuyện kiểm soát ở đây đang có thiếu sót. Chuyện chấp nhận đường ống xả thải ra sông Quyền và đường ống xả thải ra biển là hai tư duy hoàn toàn khác nhau. Xả ra biển nguy hiểm hơn xả thải ra sông Quyền. Xả thải trực tiếp ra biển là nguy hiểm hơn, không dừng được nếu có sai lầm”. GS Đặng Hùng Võ nói: “tham nhũng môi trường hôm nay 1 đồng thì vài chục năm sau chúng ta phải trả hàng tỉ đồng. Tham nhũng trong môi trường sẽ để lại hậu quả cực kỳ lớn, con cháu chúng ta phải trả giá”. GS Đặng Hùng Võ kiến nghị, nên thiết lập hệ thống kiểm soát, thanh tra, kiểm tra đồng bộ, chịu sự giám sát của cả cơ quan nhà nước, người dân và các tổ chức xã hội dân sự và kiến nghị bổ sung một điều vào Luật Bảo vệ môi trường mới được thông qua về giám sát của người dân trong lĩnh vực môi trường.

Cũng tại cuộc tọa đàm này, ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cho rằng, việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường của Việt Nam là đã kịp thời và đầy đủ. Dù vậy, ông cũng thừa nhận, có nhiều tiêu chuẩn của Việt Nam thấp hơn thế giới. Theo ông Sinh, các quy định, công cụ đã có nhiều và chặt chẽ, nhưng thực tiễn thực hiện kiểm tra, giám sát lại còn rất nhiều bất cập. Trừ những doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, châu Âu có ý thức tuân thủ về quy trình xả thải thì còn lại những doanh nghiệp đến từ châu Á, trong đó có cả Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan… ý thức bảo vệ môi trường “kém hơn nhiều”.

Theo SGGP

Related Articles

Leave a Comment