Còn duy nhất lĩnh vực khai thác khoáng sản rắn đáy biển vẫn chưa có văn bản pháp luật quy định về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) khi thực hiện.
Những năm gần đây, tốc độ khai thác khoáng sản rắn đáy biển diễn ra rất mạnh mẽ, đặc biệt là khai thác vật liệu xây dựng và sa khoáng. Việc khai thác khoáng sản ven biển đã mang lại hiệu quả có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội đối với nhiều địa phương. Song, cũng để lại hậu quả hết sức nặng nề tới môi trường.
Sôi động khai thác…
Với nhóm khoáng sản rắn là vật liệu xây dựng, việc khai thác tập trung chủ yếu vào nhóm cát sông, đã diễn ra ở hầu hết các tỉnh trải dài từ Bắc vào Nam. Có thể kể đến hoạt động khai thác cát khá “nhộn nhịp” trên các sông và cửa biển như : Sông Hồng, Sông Ninh Cơ (Nam Định), sông Hậu (Cần Thơ), Sông Đồng Nai (Lâm Đồng)…. Ngoài ra, một số tỉnh miền Tây Nam Bộ đã tiến hành thăm dò và khai thác cát san lấp xuất khẩu.
Đối với sa khoáng, các nhóm vật liệu chủ yếu đang là đề tài “nóng” ở các tỉnh hiện nay là khai thác quặng titan và zircon, cát thủy tinh để xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu.
Một loại khoáng sản rắn đáy biển đang được các tập đoàn Nhà nước và tư nhân khai thác với sản lượng khá lớn hiện nay là quặng ilmenit. Hiện tại ở các khu vực ven biển Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận, đều đang có các đơn vị khai thác và xuất khẩu tinh quặng ilmenit, chủ yếu sang Nhật Bản và Trung Quốc với sản lượng bình quân hàng năm là 100 – 150 ngàn tấn. Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam hiện có 2 đơn vị khai thác quặng ilmenit với tổng lượng hàng năm là 40 – 50 ngàn tấn. Công nghệ khai thác và tuyển khoáng về cơ bản là công nghệ khai thác bằng sức nước kết hợp máy xúc, máy gạt, tuyển bằng phân ly côn, tuyrne vít đứng và tuyển từ.
Hoạt động khai thác khoáng sản biển tập trung cao ở dải ven biển do thuận lợi về mặt phân bố tài nguyên cũng như điều kiện và công nghệ khai thác. Nhu cầu sử dụng tài nguyên cho nhiều ngành công nghiệp cũng ngày một tăng cao. Đồng thời, nhờ những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho phép thăm dò, khoanh vùng các nguồn khoáng sản ở đáy biển, nên ngành công nghiệp khai khoáng này đang ngày càng trở nên sôi động.
“Bỏ ngỏ” đánh giá tác động môi trường…
Nhìn vào hệ thống văn bản pháp luật quy định về đánh giá tác động môi trường quy định hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên biển đã khá đầy đủ. Luật BVMT sửa đổi ban hành ngày 29/11/2005 đã dành chương III: Đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động của Môi trường và cam kết bảo vệ môi trường gồm 14 điều từ điều 14 đến 27 quy định về công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường. Theo thống kê ban đầu, từ năm 2006 đến nay, có hơn 20 văn bản pháp luật liên quan đến ĐTM đã được ban hành. Tính từ khi có quy định về ĐTM, các dự án ở tất cả các lĩnh vực đều đã tiến hành ĐTM đã được ban hành. Điển hình có thể kể đến một số lĩnh vực như xây dựng khu công nghiệp, khai thác khoáng sản trong lục địa, cảng biển, nuôi trồng thủy sản. Như vậy, đối với các dự án khai thác, sử dụng tài nguyên môi trường nói chung đã có các quy định pháp luật về ĐTM. Riêng đối với lĩnh vực dầu khí, đã có Quy chế Bảo vệ môi trường trong việc tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ, khai thác, tàng trữ, vận chuyển, chế biến dầu khí và các dịch vụ liên quan – 1998, Hướng dẫn quan trắc và phân tích môi trường biển khu vực lân cận các công trình dầu khí ngoài khơi Việt Nam (2011) của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam.
Song chỉ duy nhất hoạt động khai thác tài nguyên biển ở Việt Nam hiện nay, cụ thể là khai thác khoáng sản rắn từ đáy biển (sa khoáng và vật liệu xây dựng) vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào quy định tiêu chí ĐTM. Trong khi đó, việc khai thác và sử dụng tài nguyên trên biển có những đặc thù riêng như cần đánh giá quá trình phát tán các chất thải trong khi khai thác xảy ra trong không gian rộng bởi môi trường nước biển cùng chế độ dòng chảy phức tạp. Chính vì vậy, hầu hết các điểm khai thác khoáng sản rắn đáy biển hiện nay đều ở trong tình trạng có nguy cơ trở thành “điểm nóng môi trường”. Và hiện có không ít tổ chức, cá nhân tiến hành khai thác khoáng sản rắn từ đáy biển một cách tự phát, không được sự cho phép của các cơ quan quản lý.
Trong khi đó, nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương ven biển đòi hỏi phải đưa các khu vực đã và sẽ phát hiện có triển vọng khoáng sản dưới đáy biển vào khai thác là rất cấp bách. Giá trị kinh tế của việc khai thác sẽ đáp ứng một phần phát triển kinh tế của mỗi địa phương. Điều này đòi hỏi các nhà quản lý cần phải sớm đưa ra các văn bản pháp lý quy định về cấp phép thăm dò, khai thác cũng như ĐTM đối với các quá trình khai thác khoáng sản biển.
Nguồn: Hội Hải Dương học